Thứ Năm, 15/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tiếc nhớ một thời vang bóng

Huỳnh Trọng Khang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Xem Người Đài Bắc của Bạch Tiên Dũng, độc giả Việt Nam ắt hẳn có cảm giác quen thuộc. Cùng chung một mạch cảm xúc hoài niệm tiếc thương một thời quá vãng, Người Đài Bắc gợi nhớ đến Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân. Các nhân vật trong Người Đài Bắc đều thuộc về “thời đại trước”, một thời đại vĩnh viễn khép lại do hoàn cảnh lịch sử, chỉ còn sót nơi đây dư âm ngân dài như một điệu hát xưa.

Bạch Tiên Dũng mượn bài thơ “Ô Y Hạng” (Ngõ Ô Y) của nhà thơ thời Trung Đường Lưu Vũ Tích làm đề từ cho tập sách:

Chu Tước kiều biên dã thảo hoa,

Ô Y hạng khẩu tịch dương tà.

Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến,

Phi nhập tầm thường bách tính gia.

Ngõ Ô Y bên bờ Tần Hoài vốn là nơi ở các cự tộc ngày trước. Bài thơ diễn tả cầu Chu Tước dẫn vào ngõ, hoa cỏ đã mọc dày, xóm vắng im lìm dưới bóng chiều tà, con én ngày xưa vốn thường lượn ở hai danh gia vọng tộc Vương và Tạ, giờ đây đã lưu lạc bay vào nhà thường dân.

Hơn ai hết, Bạch Tiên Dũng hiểu cái tâm trạng của con nhà thế gia đánh mất hào quang thuở trước. Dường như ông sáng tạo các nhân vật để tìm kiếm sự đồng cảm, còn các nhân vật của ông thì giống những người bằng xương bằng thịt bước ra từ cái thời hoàng kim mà giờ đây chỉ có thể trở về bằng hoài nhớ. Đó là vợ của quân nhân, tướng lĩnh dưới thời Dân Quốc, là các trâm anh thế phiệt lưu lạc đến Đài Loan, tiếp tục sống tiếp tục tồn tại, khi mà quê hương bản quán chỉ còn là kỷ niệm vừa đớn đau, vừa là viên kẹo hạnh phúc mà họ nhấm nháp để tạm quên đi cay đắng của đời sống hiện tại.

Nhiều truyện trong đây có tên nhiều hoài cổ, gợi nhớ những bài cổ thi như truyện Tư cựu phú (nhan đề bài phú của Hướng Tú thời Ngụy Tấn tưởng nhớ hai người bạn thân của mình), truyện Lương Phủ Ngâm (cũng là tên một khúc ca xưa kể chuyện thời Xuân Thu) và truyện Thu tứ vốn là tên của rất nhiều bài thơ Đường của những thi sĩ như Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Trương Tịch, Lục Du…

Bạch Tiên Dũng tìm thấy ở cảm thức trôi dạt trước cuộc đời phù thế “sớm còn tối mất”, một cuộc đời dâu bể, làm đảo lộn tất cả. Trong truyện Vinh Ký cầu Hoa, dù chỉ là truyền nhân của một tiệm mì, nhưng người đàn bà trong truyện vẫn tiếc nuối đời sống cũ, cùng nỗi niềm của kẻ tha hương cố bám víu vào một giá trị ngày trước, trong buổi tàn phai. Chính vì những con người nhỏ bé, bình thường vẫn trung thành với những giá trị xưa cũ mà thời đại có thể mất đi nhưng tinh thần vẫn còn hiện hữu âm thầm trong từng nếp sống thường ngày. Thầy Lư trong Vịnh Ký cầu Hoa chính là con chim én sa cơ bay lạc vào chốn nhân gian, chấp nhận gác lại vinh quang dòng họ, ôm ấp một mối tình với vị hôn thê họ La bị chiến tranh chia cắt để rồi kết thúc cuộc đời trong đớn đau, tủi nhục.

“Quả nhiên là cầu Hoa quê tôi, bên dưới cầu là dòng sông Ly, hai cột rồng đá đầu cầu vẫn còn đó, đứng bên cột là hai người trẻ, một nam một nữ, người nam là thầy Lư, còn người nữ hẳn là con gái nhà họ La rồi. Thầy Lư vẫn mặc đồng phục học sinh, đẹp đẽ sáng láng đội chiếc mũ bê rê đồng bộ. Tôi lại nhìn sang cô gái họ La, không kìm được thầm reo lên tán thưởng. Quả nhiên là con gái Quế Lâm chúng tôi! Dáng vẻ thanh tú, cặp mắt phượng ngời sáng, thực khiến người ta yêu mến. Hai người vai kề vai, dựa sát vào nhau, cười tít mắt, cả hai trông đều chưa quá mười tám mười chín” (trích truyện Vịnh Ký cầu Hoa).

Hai tiếng “quê tôi” bật thốt thật tự nhiên nhưng là quê hương xa vời như âm thanh phát ra không thể nào thu hồi lại được. Cầu Hoa cũng là cầu mộng, cây cầu Chu Tước dẫn về xóm Ô Y phồn thịnh như trong bài thơ đề từ. Nước dưới chân cầu vẫn bình yên chảy, dòng đời không ngừng trôi, chẳng gì cản được. Hai người đầu xanh tuổi trẻ đứng bên cầu, vĩnh viễn không còn trên đời này nữa, như “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”, chỉ còn dư ảnh nhắc nhở về sự ngây thơ đã mất.

Truyện Bạch Tiên Dũng thường vậy. Cách kể chuyện tự nhiên, tưởng chừng không cố dụng công xếp đặt. Những hình ảnh tế vi, cử chỉ kín đáo, chỉ thoáng qua mà gieo vào lòng độc giả cảm giác bùi ngùi, trống vắng. Như truyện Thu tứ kết thúc bằng hình ảnh khắp vườn hơn trăm gốc “nhất phủng tuyết” nở rộ, đều dập dềnh sau lưng ông tựa biển tuyết cuồn cuộn sóng trắng. Mùa thu năm đó, ai cũng bảo: đến cả hoa cúc cũng nở bung rực rỡ khác vời… Cúc có nở rực rỡ thế nào cũng là cúc của mùa cũ, chỉ tồn tại trong ký ức. Tác giả viết thêm đoạn “vĩ thanh” đưa độc giả trở về khung cảnh hiện tại, vị phu nhân trước khi ra khỏi nhà, ôm bó “nhất phủng tuyết” trước ngực như ôm ấp cái quá khứ đẹp đẽ chưa vấy bẩn, nhưng rồi chợt quay lại nhẹ nhàng buông một câu với bác làm vườn: “Bác qua tỉa bớt đám cúc kia đi, nhiều bông tàn hết rồi”. Và truyện đến đây kết thúc.

Dường như Bạch Tiên Dũng sáng tạo các nhân vật để tìm kiếm sự đồng cảm, còn các nhân vật của ông thì giống những người bằng xương bằng thịt bước ra từ cái thời hoàng kim mà giờ đây chỉ có thể trở về bằng hoài nhớ.

Bạch Tiên Dũng viết Người Đài Bắc để “Tưởng niệm cha mẹ đã tạ thế cùng thời đại chồng chất khổ lo họ từng đi qua”. Dù “chồng chất khổ lo” nhưng đã “đi qua” rồi, tất cả cuối cùng chỉ còn là hoài niệm, là con chữ, là trang sách, là “một thoáng xanh, dẫu biết không thể níu giữ nhưng vẫn phải viết ra. Như nhà văn chia sẻ: “Người Đài Bắc khá quan trọng đối với tôi. Tôi cảm thấy nếu còn không viết cho mau thì những nhân vật đó, những câu chuyện đó, những phương thức sinh hoạt của người Trung Quốc đang dần dần biến mất đó sẽ lập tức trở thành quá khứ, một đi không trở lại nữa”.

* * *

Bờ Tần Hoài có ngõ Ô Y, bên bến sông một đêm trăng, thi nhân đời Đường Đỗ Mục dừng chân bên bến sông, ghé lại quán rượu, cảm tác:

Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa,

Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia.

Thương nữ bất tri vong quốc hận,

Cách giang do xướng “Hậu đình hoa”.

Vương quốc kỷ niệm của Bạch Tiên Dũng chỉ còn là một khúc hát nao lòng, vẳng xa như tiếng hát bài Hậu đình hoa của một cô gái từ bờ bên kia sông Tần Hoài vọng sang, xa xăm, hư ảo…

Bạch Tiên Dũng – con trai của Bạch Sùng Hy, viên tướng nổi tiếng vào thời Trung Hoa Dân Quốc – từng học thạc sĩ ở Mỹ sau khi tốt nghiệp Đại học Đài Loan. Bạch Tiên Dũng hấp thụ hai nền văn hóa Đông – Tây. Văn ông hoài cổ, đượm buồn. Sự nghiệp sáng tác của ông đồ sộ và phong phú về đề tài, thể loại.

Tập Người Đài Bắc gồm 14 truyện, xếp thứ 7 trong danh sách 100 tiểu thuyết Hoa ngữ tiêu biểu thế kỷ 20. Trước Người Đài Bắc, truyện dài Nghiệt tử của ông đã xuất bản ở Việt Nam năm 2019.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới