Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tiền đã chạy đi đâu

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Dù lãi suất tiền gửi liên tục đi lên từ đầu năm đến nay, nhưng tăng trưởng huy động vốn vẫn duy trì xu hướng khá ảm đạm và thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Đâu là những yếu tố đã và đang ảnh hưởng lên dòng chảy tiền gửi ngân hàng?

Ảnh: LÊ VŨ

Lãi suất tăng nhưng tiền gửi không tăng

Trong khi tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20-9-2022 tăng 10,54%, huy động vốn chỉ tăng vỏn vẹn 4,04% so với đầu năm nay. Nếu so với mức tăng trưởng huy động vốn 4,28% của cùng kỳ năm 2021, con số trên không có nhiều khác biệt. Nhưng nếu so với mức tăng trưởng 7,7% của cùng kỳ năm 2020; 8,7% của cùng kỳ năm 2019 và 9,15% của cùng kỳ năm 2018, có thể thấy tốc độ tăng trưởng huy động vốn trong hai năm trở lại đây ngày càng giảm sút.

Đáng lưu ý, nếu so với mức tăng trưởng 4,51% đạt được vào thời điểm 30-6-2022, số dư huy động vốn của toàn ngành trong ba tháng qua thậm chí còn sụt giảm khoảng 0,5%. Đặt trong bối cảnh xu hướng lãi suất huy động vốn liên tục đi lên từ đầu năm đến nay, sự sụt giảm của tăng trưởng huy động vốn trong quí 3 có thể khiến nhiều người khó hiểu. Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) còn có động thái tăng trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới sáu tháng thêm 1%.

Nếu như trước đây nhiều người, bao gồm kiều bào, có thể chuyển tiền về Việt Nam để đầu tư hoặc gửi ngân hàng do lãi suất ở nước sở tại quá thấp, thì giờ đây xu hướng này có thể bị đảo ngược. Những biến động trên thị trường ngoại hối gần đây với tỷ giá thường xuyên bị áp lực có lẽ đã phần nào phản ánh sự dịch chuyển này.

Nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng khi gặp nhiều thách thức trong thời gian qua, thị trường chứng khoán liên tục suy giảm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt chẽ, lẽ ra kênh tiền gửi ngân hàng với lãi suất đang tăng dần phải trở nên hấp dẫn và tăng trưởng mạnh mẽ hơn mới phải.

Tuy nhiên, cần biết rằng về cơ bản dòng tiền dù có luân chuyển qua lĩnh vực, kênh đầu tư nào trong nước, thì thực tế vẫn nằm trong hệ thống ngân hàng, do đó không ảnh hưởng gì đến số dư tiền gửi tại các ngân hàng, hay nói cách khác là tốc độ tăng trưởng huy động vốn. Dù nhà đầu tư có rút tiền gửi tiết kiệm ra mua bất động sản thì lượng tiền đó phần lớn được thanh toán qua hệ thống ngân hàng, do đó phần lớn nằm lại trên số dư tiền gửi của các ngân hàng, hoặc nếu đem để ở tài khoản chứng khoán thì các công ty chứng khoán cũng sẽ để lượng tiền này trên tài khoản thanh toán của họ nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn.

Yếu tố ảnh hưởng

Nếu xem xét đến một chỉ tiêu khác là tổng phương tiện thanh toán (PTTT), sẽ thấy có sự tương đồng khá lớn với tốc độ tăng trưởng huy động vốn. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tổng PTTT đến ngày 20-9-2022 đạt 2,49% so với đầu năm, giảm 0,81 điểm phần trăm so với mức 3,3% đạt được vào thời điểm 20-6-2022 và bằng đúng mức tăng trưởng 2,49% đã ghi nhận vào thời điểm 21-3-2022. Nói cách khác trong sáu tháng qua (quí 2 và quí 3), tổng PTTT đã đứng yên. Tỷ lệ tăng trưởng tổng PTTT chín tháng qua cũng thấp hơn nhiều so với mức 4,95% của cùng kỳ năm 2021; 7,74% của cùng kỳ năm 2020; 8,44% của cùng kỳ năm 2019 và 8,74% của cùng kỳ năm 2018.

Về cơ bản, tổng PTTT theo phương pháp tính của Tổng cục Thống kê gồm tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng; các khoản tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài của các tổ chức, cá nhân là người cư trú ở Việt Nam thuộc khu vực thể chế phi tài chính, khu vực thể chế hộ dân cư, khu vực thể chế không vì lợi nhuận phục vụ hộ dân cư; các loại giấy tờ có giá bằng tiền đồng, ngoại tệ do các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành cho các tổ chức, cá nhân là người cư trú ở Việt Nam.

Trước việc gần đây phát hiện nhiều vụ chuyển tiền lậu ra nước ngoài, cũng như hiện tượng thu gom đô la Mỹ trong các ngân hàng thương mại để bán ra thị trường “chợ đen”, có lẽ cũng cần lưu ý nhiều hơn đến sự dịch chuyển ngầm này của dòng vốn, mà có thể đã góp phần ảnh hưởng lên tốc độ tăng trưởng huy động vốn của hệ thống trong thời gian qua.

Với áp lực lạm phát gia tăng từ đầu năm đến nay, dễ hiểu vì sao NHNN lại kiểm soát chặt chẽ tổng PTTT đến như vậy. Theo số liệu cập nhật gần nhất trên trang web của NHNN, tính đến 30-6-2022, tổng PTTT tăng 3,78% so với đầu năm, trong đó số dư tiền gửi của các ngân hàng tăng 4,77%, ngược lại tiền mặt đang lưu thông lại giảm 3,91% so với đầu năm.

Rõ ràng khi lượng tiền cung ra thấp, huy động vốn cũng khó có thể tăng trưởng mạnh.

Yếu tố tác động thứ hai có thể đến từ các giấy tờ có giá (GTCG) - vốn được tính vào số dư huy động vốn, do các ngân hàng phát hành những năm trước đây bắt đầu đáo hạn dần. Trong giai đoạn 2019-2020, khá nhiều ngân hàng tập trung phát hành các trái phiếu kỳ hạn ngắn 2-3 năm nhằm cải thiện hệ số nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn. Dù vậy, về tổng thể, lượng trái phiếu các ngân hàng phát hành thêm từ đầu năm đến nay vẫn lớn hơn số đáo hạn.

Yếu tố thứ ba có lẽ là ảnh hưởng trước sự biến động của cán cân thanh toán và xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của nhiều nước trên thế giới. Nếu như giai đoạn trước, lãi suất của Việt Nam khá hấp dẫn so với các nền kinh tế khác, theo đó kích thích hoạt động carry trade - vay đồng tiền của quốc gia có lãi suất thấp chuyển vào Việt Nam đổi sang tiền đồng để đầu tư hoặc gửi ngân hàng hưởng lãi suất cao hơn, cũng như thu hút lượng tiền từ người lao động, kiều bào ở nước ngoài đổ về Việt Nam, nhưng từ đầu năm đến nay ngân hàng trung ương nhiều nước đã liên tục tăng lãi suất khiến lãi suất của Việt Nam không còn mấy hấp dẫn.

Đơn cử như tại Mỹ, Cục Dự trữ liên bang (Fed) từ đầu năm đến nay đã có đến năm lần tăng lãi suất, trong đó ba cuộc họp gần đây nhất mỗi lần đều tăng đến 0,75 điểm phần trăm. Tính chung từ đầu năm đến nay cơ quan này đã tăng tổng cộng 3 điểm phần trăm lãi suất cơ bản đô la Mỹ. Theo đó, nếu so với lãi suất điều hành của Việt Nam chỉ mới tăng 1 điểm phần trăm vào ngày 22-9-2022, rõ ràng chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ đã thu hẹp đáng kể. Tương tự như vậy, là từ các quốc gia thành viên thuộc Liên minh châu Âu, nước Anh cho đến các nước khác tại châu Á như Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước khu vực Đông Nam Á.

Cụ thể, nếu như trước đây nhiều người, bao gồm kiều bào tại nước ngoài, có thể chuyển tiền về Việt Nam để đầu tư hoặc gửi ngân hàng do lãi suất ở nước sở tại quá thấp, thì giờ đây xu hướng này có thể bị đảo ngược. Những biến động trên thị trường ngoại hối gần đây với tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng thường xuyên bị áp lực có lẽ đã phần nào phản ánh sự dịch chuyển này. Xu hướng dòng vốn dịch chuyển về những quốc gia phát triển như Mỹ cũng là hiện tượng chung tại nhiều nước khác trong thời gian gần đây.

Thực tế, theo thống kê cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam cập nhật đến ngày 30-6-2022, khoản mục lỗi và sai sót chỉ riêng quí 2-2022 đã lên tới 8.979 triệu đô la Mỹ, trong khi quí 1 là 2.372 triệu đô la Mỹ. Lũy kế sáu tháng đầu năm nay đã lên tới 11.351 triệu đô la Mỹ. Đáng lưu ý là trong ba năm gần nhất trước đó, khoản mục này chỉ từ 7.000-8.000 triệu đô la Mỹ. Như vậy, chỉ riêng quí 2 năm nay đã cao hơn số cả năm của những năm gần đây.

Khoản mục lỗ và sai sót có thể đến từ nhiều nguyên nhân như việc găm giữ ngoại tệ, cất trữ tại đơn vị/ nhà của các tổ chức kinh tế và dân cư, do nhập siêu trong thực tế cao hơn (nhập lậu không thống kê được) hoặc chuyển ngân lậu ra nước ngoài. Trước việc gần đây thường xuyên phát hiện những vụ việc, đường dây chuyển tiền lậu ra nước ngoài, cũng như hiện tượng thu gom đô la Mỹ trong các ngân hàng thương mại để bán ra thị trường “chợ đen”, có lẽ cũng cần lưu ý nhiều hơn đến sự dịch chuyển ngầm này của dòng vốn, mà có thể đã góp phần ảnh hưởng lên tốc độ tăng trưởng huy động vốn của hệ thống trong thời gian qua.

1 BÌNH LUẬN

  1. Tiền không chạy đi đâu cả. Chỉ có thể ở trong két ngân hàng hoặc túi của dân. Vấn đề là tiền đang được sử dụng như thế nào mà thôi. Nếu có chính sách tốt, tiền sẽ trở thành nguồn lực mạnh mẽ được huy động để phát triển kinh tế. Nếu chính sách kém, tiền sẽ nằm im chờ thời, hoặc bị hao tổn nặng nề bởi những quyết định sai lầm. Ngày xưa Karl Marx có định nghĩa công thức lưu thông của tư bản : Tiền là giá trị mang lại giá trị thặng dư. Nếu hiểu theo nghĩa tích cực, ta phải luôn biết cách sử dụng đồng tiền một cách có ích nhất. Rất tiếc, điều này không phải dễ dàng !

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới