Thứ Sáu, 26/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tiền đồng chịu áp lực khi đô la Mỹ tiếp tục lên mức cao kỷ lục 20 năm

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sức mạnh của đồng đô la Mỹ lại tăng vọt trên thị trường tài chính toàn cầu, một lần nữa vượt mức cao kỷ lục trong 20 năm qua, tiếp tục gây sức ép lên tiền đồng nói riêng.

Đồng đô la Mỹ tiếp tục mạnh lên kể từ đầu năm. Nguồn: Bloomberg.

Tiền đồng Việt Nam cũng như nhiều loại đồng tiền khác trên thế giới tiếp tục chịu áp lực mất giá khi đồng đô la Mỹ tiếp tục tăng mạnh. Đến sáng ngày 6-7 (theo giờ Hà Nội), chỉ số Dollar-Index Spot của Bloomberg tiếp tục tăng lên mức 106,53, vượt mức cao kỷ lục trong vòng 20 năm qua vừa được ghi nhận hồi tháng trước. Lý do được giải thích vì sự lo ngại kinh tế Mỹ sẽ đi vào suy thoái.

Cũng trong ngày hôm nay, tỷ giá trung tâm tiền đồng với đô la Mỹ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố là 23.171 đồng/đô la, tăng mạnh đến 27 đồng so với ngày hôm qua.

Trong thời gian qua, thị trường ngoại hối của Việt Nam tiếp tục có những sự điều chỉnh khá mạnh. Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới đây, Công ty chứng khoán SSI đánh giá tiền đồng tiếp tục chịu áp lực mất giá trong tuần qua.

Cụ thể, trong tuần trước, trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá tăng 0,12% (lên mức 23.280), còn tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại tăng 50 đồng, kết tuần ở mức 23.440 (chiều bán ra), tương đương mức cao nhất kể từ tháng 5-2020. Trong khi đó, tỷ giá trên thị trường tự do tương đối ổn định, giao dịch ở mức 23.970.

Diễn biến tỷ giá tiền đồng. Nguồn: SSI.

Đáng chú ý, trong sáng ngày 4-7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh chính sách bán ngoại tệ từ bán kỳ hạn không hủy ngang 3 tháng sang bán giao ngay, đồng thời nâng giá mua lên mức 23.400, tương đương với việc tỷ giá tăng 2,5% so với cuối năm 2021. Trước đó, NHNN cũng đã điều chỉnh từ bán kỳ hạn hủy ngang về bán kỳ hạn không hủy ngang.

“Động thái điều chỉnh chính sách này của NHNN, bên cạnh việc giảm áp lực lên mặt bằng lãi suất, còn có thể quản lý được dòng vốn ngoại tệ trong hệ thống khi các NHTM phải chủ động về nguồn ngoại tệ giao ngay”, báo cáo SSI nhận định.

Trong thông cáo phát đi vào hai tuần trước, NHNN cho biết sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn. Từ đầu năm 2022, NHNN đã bán ngoại tệ can thiệp để bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường, đồng thời duy trì thanh khoản tiền đồng để hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất.

Trong báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng trong ngắn hạn, NHNN sẽ tiếp tục sử dụng hai công cụ là dự trữ ngoại hối và hút tiền trên thị trường mở để tác động lên thanh khoản tiền đồng trong hệ thống, từ đó kiềm chế áp lực lên tỷ giá.

Còn theo báo cáo của BVSC, mặc dù tiền đồng chịu áp lực mất giá trước những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Fed, nhưng tiền đồng vẫn được đánh giá là đồng tiền ổn định khi so với các đồng tiền của các nền kinh tế cận biên và mới nổi khác trên thế giới, nhờ môi trường vĩ mô ổn định, dự trữ ngoại hối ở mức cao và xu hướng xuất siêu vẫn đang được duy trì.

Các chuyên gia SSI kỳ vọng về cuối năm, nguồn cung ngoại tệ sẽ tích cực hơn theo yếu tố mùa vụ, đến từ hoạt động xuất – nhập khẩu, và kiều hối. Theo đó, sức ép tỷ giá có thể tăng cao tùy thời điểm nhưng sẽ dịu bớt vào cuối năm khi đà tăng lãi suất của FED có thể đi vào giai đoạn cuối, và rủi ro về tăng trưởng, cũng như lạm phát của kinh tế thế giới có thể được nhìn nhận rõ ràng hơn.

1 BÌNH LUẬN

  1. Có thể giữa năm sau, Việt Nam sẽ được đưa ra khỏi danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của Mỹ khi chỉ còn đáp ứng 1 điều kiện có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới