Tiền đồng có đang bị định giá dưới giá trị thực?
Ngọc Khanh
![]() |
Mức tăng giá của VND so với USD vẫn thấp hơn nhiều so với một số đồng tiền trong khu vực và trên thế giới. Ảnh: THÀNH HOA |
(TBKTSG) - Năm 2017 đã khép lại với việc đồng đô la Mỹ (USD) mất giá so với hầu hết các đồng tiền trong khu vực châu Á và trên thế giới. Nguyên nhân chính không phải do nền kinh tế Mỹ suy giảm mà là do đô la Mỹ đã tăng giá quá mức sau sự kiện Brexit và ông Donald Trump thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào cuối năm 2016.
Tỷ giá trung tâm giữa tiền đồng của Việt Nam (VND) và đô la Mỹ được công bố bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong ngày 31-12-2017 là 22.425 VND/USD, tăng 1,2% so với cuối năm 2016. Kết quả này tương ứng với việc tiền đồng giảm khoảng 1,2% giá trị so với đô la Mỹ. Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng thì tiền đồng vẫn đang được giao dịch quanh mức 22.710 VND/USD, giảm 0,3% so với đầu năm 2017, đồng nghĩa với việc tiền đồng đã tăng khoảng 0,3% giá trị so với đồng đô la Mỹ.
Tuy nhiên, mức tăng giá của VND so với USD vẫn thấp hơn nhiều so với một số đồng tiền trong khu vực và trên thế giới, như đồng EURO tăng giá 13,9%, đồng KRW của Hàn Quốc tăng 12,4%, THB của Thái Lan tăng 9,8% hay CNY của Trung Quốc tăng 6,1%...
Nếu nhìn về tổng thể cung - cầu USD trên thị trường Việt Nam thì lẽ ra VND phải lên giá mạnh so với hiện nay. Mới đây, tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương diễn ngày 29-12-2017, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết tổng dự trữ ngoại hối của quốc gia hiện đang ở mức xấp xỉ 52 tỉ USD. Như vậy, trong năm 2017, NHNN đã mua ròng vào khoảng 13 tỉ USD. Đây được ghi nhận là mức dự trữ cao kỷ lục từ trước đến nay.
Dòng vốn này đã chảy vào Việt Nam thông qua các kênh nào?
Yếu tố đầu tiên phải kể tới trong cán cân tổng thể của Việt Nam là cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư trong năm 2017. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại trong năm 2017 thặng dư khoảng 2,7 tỉ USD. Đây là năm thứ hai thặng dư liên tiếp và rất có thể sẽ đánh dấu một chu kỳ thặng dư liên tiếp trong các năm sắp tới. Bởi lẽ, cán cân thương mại của Việt Nam thường biến động rất khó đoán định trong quá khứ, theo kiểu tăng giảm đan xen giữa các năm.
Thứ hai là dòng vốn đầu tư của nước ngoài. Tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký trong năm 2017 đạt mức 29,7 tỉ USD, tăng 44,2% so với năm 2016. Bên cạnh đó, còn có 5.002 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 6,2 tỉ USD, tăng 45,1% so với năm 2016. Các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan tiếp tục giữ vị thế hàng đầu trong các dự án FDI tại Việt Nam. Tuy nhiên, đối với dòng vốn đầu tư gián tiếp thì năm 2017 nổi lên làn sóng đầu tư đến từ Hàn Quốc thay vì phần lớn chỉ là Nhật Bản, Singapore hay Thái Lan trong giai đoạn trước đó. Hàng loạt thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đã được các nhà đầu tư của Hàn Quốc thực hiện trong năm 2017. Mặc dù vậy thì thương vụ M&A đáng chú ý nhất trong năm qua lại thuộc về nhà đầu tư của Thái Lan (thương vụ mua hơn 53% vốn tại Sabeco, trị giá khoảng 4,8 tỉ USD).
Thứ ba chính là thông qua con đường du lịch nước ngoài vào Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 12,9 triệu lượt người trong năm 2017, tăng 29,1% so với năm trước, tương ứng với 2,9 triệu lượt khách tăng thêm. Kết quả này đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng số 3 trong khu vực ASEAN về số lượng khách du lịch quốc tế, chỉ sau Thái Lan với khoảng 30 triệu lượt khách và Singapore với khoảng 16 triệu lượt khách du lịch.
Việc mua ròng 13 tỉ USD đồng nghĩa với việc NHNN sẽ bơm ra khoảng 295.000 tỉ đồng ra hệ thống ngân hàng trong năm 2017. Tuy nhiên, phần lớn số tiền đồng này cũng lại đang nằm tại NHNN do tiền thu được từ thương vụ bán vốn tại Sabeco thuộc về Kho bạc Nhà nước. Điều này cho thấy cung về USD tăng lên nhưng không làm cung về VND tăng lên tương ứng. Như vậy lẽ ra VND sẽ phải tăng giá so với USD.
Vậy tại sao VND vẫn đang được định giá thấp so với USD?
Hiện tại NHNN đang điều hành tỷ giá trung tâm dựa trên tham chiếu với các đồng tiền khác trong khu vực. Tuy nhiên, hiện nay cơ chế đó đang được vận hành như thế nào thì NHNN không công bố. Như phân tích ở trên thì có thể thấy rằng VND đang được định giá thấp hơn giá trị thực. Liệu đây có phải là ý muốn chủ quan của NHNN hay không thì chưa thể khẳng định một cách chắc chắn. Nhưng rõ ràng việc VND đang được neo ở mức thấp so với USD trong bối cảnh các đồng tiền khác trong khu vực lên giá mạnh thì sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa cũng như thu hút khách du lịch quốc tế. Và đây cũng có thể là một trong nhiều nguyên nhân khiến cho cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư năm thứ hai liên tiếp và lượng khách du lịch quốc tế tăng tới gần 30% trong năm 2017.