Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tiền gửi đô la Mỹ tăng mạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tiền gửi đô la Mỹ tăng mạnh

Lượng tiền gửi đô la Mỹ đang tăng lên tại các ngân hàng -Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG Online) – Lãi suất tiền đồng tại các ngân hàng đã giảm mạnh, trong khi giá đô la Mỹ được dự đoán sẽ tăng trong năm sau, khiến lượng huy động tiển đồng tại các ngân hàng sụt giảm còn tiền gửi đô la Mỹ lại tăng đáng kể.

Ông Nguyễn Quốc Sỹ, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Miền Tây (Western Bank), cho biết chỉ tính riêng trong tháng 11, tăng trưởng huy động của Western Bank chỉ vào khoảng 1%, cụ thể là huy động tiền đồng giảm 0,5% còn huy động đô la Mỹ tăng đến 12% so với cuối tháng trước.

Trong mười ngày đầu tiên của tháng 12, huy động tiền Việt của ngân hàng tăng 5,4% nhưng huy động ngoại tệ tăng đến 6,1%, ông Sỹ cho biết và thêm rằng đa số huy động của ngân hàng là từ dân cư. Lãi suất huy động của Western Bank hiện nằm trong nhóm dẫn đầu trên thị trường, với lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 11,8%/năm, trong khi lãi suất đô la Mỹ kỳ hạn sáu tháng là 5,8%/năm.

Ông Trương Hoàng Lương, Tổng giám đốc Ngân hàng Kiên Long, một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại Kiên Giang, cho biết huy động của ngân hàng vẫn tăng đều trong các tháng nhưng những ngày gần đây, khách hàng có khuynh hướng chuyển sang gửi tiết kiệm ngoại tệ do lãi suất tiền đồng giảm mạnh trong khi giá đô la Mỹ được dự báo sẽ tăng mạnh trong năm sau.

Đại diện của ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng cho biết huy động tiền đồng của ngân hàng trong hai tháng 11 và 12 bị giảm nhưng huy động ngoại tệ lại tăng.

Trước những dự đoán cho rằng lãi suất cơ bản sẽ được giảm thêm để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổng giám đốc một ngân hàng nhận định Chính phủ nên suy xét thật kỹ càng trước khi tiếp tục giảm lãi suất cơ bản vì nó sẽ tác động rất mạnh đến kinh tế Việt Nam. Vị giám đốc này lập luận, nếu lãi suất cơ bản giảm còn 8%, lãi suất cho vay cao nhất là 12%/năm, trong khi một ngân hàng muốn hoạt động an toàn và hiệu quả thì chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra phải ít nhất là 5%, như vậy, lãi suất huy động chỉ còn khoảng 7%-8%, liệu người dân còn cảm thấy hấp dẫn để bỏ tiền vào ngân hàng. “Nếu đồng vốn trong dân cư không chảy vào ngân hàng, nơi trung gian để phân phối vốn, thì tất cả mọi chính sách tiền tệ đưa ra để làm gì?,” vị giám đốc này đặt câu hỏi.

Hiệu trưởng chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam, Jonathan Pincus, từng cảnh báo Chính phủ nên quan sát phản ứng của người gửi tiền sau mỗi lần cắt giảm lãi suất cơ bản, xem xét kỹ lượng huy động tiền đồng và ngoại tệ chảy vào ngân hàng để có những phản ứng kịp thời. “Nếu người dân không còn tin tưởng vào giá trị đồng tiền của nước mình mà chỉ muốn chuyển sang nắm giữ các loại tài sản khác thì tình hình ngoại hối của đất nước sẽ bất ổn”, ông phân tích.

Theo ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, trong tháng 11, lượng huy động tiền đồng có sự sụt giảm trong khi huy động ngoại tệ tăng đến hơn 20% so với tháng trước, tổng huy động của các ngân hàng trên địa bàn vào cuối tháng 11 là 564.000 tỉ đồng, tăng 15,9% so với đầu năm.

THỦY TRIỀU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới