Tiền vay đi đâu?
Hồ Quốc Tuấn (Nghiên cứu sinh tiến sĩ, Đại học Manchester, Anh)
Người dân Hy Lạp xuống đường phản đối việc tăng thuế và giảm phúc lợi xã hội. Ảnh: REUTERS. |
(TBKTSG) - Một số ý kiến cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt ngân sách cao kinh niên của Hy Lạp là do tham nhũng và trốn thuế. Tờ Wall Street Journal đã đề cập vai trò của văn hóa “phong bì nhỏ” (fakelaki) và những ưu ái liên quan tới chính trị (rousfeti) trong việc tạo ra khủng hoảng nợ của Hy Lạp.
Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou cũng thừa nhận “tham nhũng mang tính hệ thống” (systematic corruption) là một vấn đề cơ bản nhất dẫn đến tình trạng hiện nay.
Nghiên cứu của Daniel Kaufmann thuộc Viện Brookings ở Mỹ cho rằng có mối liên hệ chặt chẽ giữa tham nhũng và thâm hụt ngân sách. Thiệt hại mà tham nhũng gây ra cho Hy Lạp được ước tính vào khoảng 8% GDP.
Nói cách khác, khoảng hơn 50% số thâm hụt ngân sách năm 2009 của Hy Lạp là do tham nhũng mà ra.
Tuy nhiên, tham nhũng và trốn thuế tràn lan chỉ mới là một phần lý do của con đường đi đến khủng hoảng nợ của Hy Lạp. Phần còn lại nằm ở đâu?
Vay tiền để... nâng lương nhân viên chính phủ và tổ chức Thế vận hội
Thỏa thuận tài trợ 110 tỉ euro chung của IMF và khối Liên hiệp châu Âu cho Hy Lạp có chỉ ra rằng trong năm trước ngoài số tiền dùng trả lãi vay, có đến 75% phần chi còn lại của ngân sách Chính phủ Hy Lạp là để duy trì một mức lương và phúc lợi xã hội cao.
Như nghiên cứu của Kaufmann dự đoán, tham nhũng không chỉ gây ra trốn thuế, nó còn làm tăng chi tiêu chính phủ, nhắm tới duy trì mức lương cao cho công chức và thực hiện các dự án có vốn đầu tư lớn thay vì nhắm vào các dự án tạo ra nhiều việc làm và nâng cao năng suất lao động. Thế vận hội Athens 2004 là một cơ hội không thể nào tốt hơn để Hy Lạp gia tăng các dự án đồ sộ của mình và tiếp tục đi vay nợ thoải mái vì mục tiêu Thế vận hội.
Mức lương cao ở Hy Lạp không chỉ tạo ra gánh nặng ngân sách, nó còn làm cho tính cạnh tranh của nền kinh tế nước này yếu đi. Lương cao, đồng euro tăng giá từ mức 1 euro đổi hơn 0,8 đô la Mỹ lên đến 1 euro đổi 1,6 đô la trong suốt giai đoạn từ 2000-2008 khiến sức cạnh tranh của hàng hóa Hy Lạp yếu đi, và hệ quả tất yếu là một cán cân thương mại thâm hụt triền miên. Chi phí nhân công cao và tham nhũng tràn lan cũng ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Theo báo cáo tư vấn tháng 9 của IMF, trong cán cân thanh toán của Hy Lạp thì phần đóng góp của FDI trong năm 2008 chỉ là khoảng 1,7 tỉ euro trong số hơn 35 tỉ euro thặng dư của cán cân này. Một phần đáng kể đóng góp vào cân đối tài khoản vốn và tài chính năm 2008 của Hy Lạp đến từ đầu tư gián tiếp, mà có lẽ việc phát hành trái phiếu chính phủ bán cho nhà đầu tư nước ngoài chiếm phần không nhỏ.
Như vậy, có thể thấy cấu trúc cán cân thanh toán của Hy Lạp không hề cân bằng, với phần lớn thâm hụt trên tài khoản vãng lai phải bù đắp bằng nguồn vốn đầu tư gián tiếp chứ không phải vốn đầu tư trực tiếp, nghĩa là Hy Lạp gần như hoàn toàn kỳ vọng vào bong bóng giá cổ phiếu và các khoản vay nước ngoài để thu hút ngoại tệ bù đắp cho tài khoản vãng lai. Khi bong bóng cổ phiếu vỡ và khi không thể vay thêm tiền, nước này đứng trước rủi ro vỡ nợ lớn (Hy Lạp không thể phá giá đồng tiền để đẩy xuất khẩu lên nhằm cải thiện tình hình vì họ đang xài đồng tiền chung euro).
Vì những lý do trên, trong các biện pháp IMF và ECB đề cập có phần đòi hỏi Hy Lạp phải cắt giảm chi cho lương bổng và lương hưu cũng như buộc phải nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Nhìn khủng hoảng Hy Lạp, nhớ bài “Tiền đâu may áo mới?”
Tại Hy Lạp đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình chống lại việc Chính phủ cắt giảm các phúc lợi và nâng thuế. Đây là những cam kết phải thực hiện để đổi lại Chính phủ Hy Lạp có thể nhận khoản “cứu trợ” của IMF và khối Liên hiệp châu Âu. Một số giải pháp này có thể là bắt buộc phải làm để trị tận gốc căn bệnh của Hy Lạp.
Nhưng nghĩ sâu xa hơn, có thể thấy hậu quả phải trả thuế cao và chịu giảm phúc lợi xã hội lại đang đè lên những con người có thể đã không hưởng lợi gì từ những cái lợi ích do lương công chức cao, tham nhũng, trốn thuế và Thế vận hội đem lại. Nghĩa là những người cuối cùng gánh chịu tổn thất từ những sai lầm chính sách là những người dân thường.
Điều này bỗng nhiên khiến người viết liên tưởng đến chuyện vay nợ của nước ta và bài viết “Tiền đâu may áo mới?” của Giáo sư Phan Văn Trường trên TBKTSG số 17-2010 ra ngày 22-4-2010 về vấn đề quy hoạch thủ đô Hà Nội.
Người viết bài này không có ý định so sánh việc quy hoạch thủ đô Hà Nội với Thế vận hội Athens của Hy Lạp, nhưng những điều mà Giáo sư Phan Văn Trường băn khoăn hình như rất có ý nghĩa tham khảo trong cả hai trường hợp: “Đối với những người thiết kế dự án xây dựng thủ đô Hà Nội thì họ tha hồ vẽ sông, vẽ hồ, vẽ cao ốc, vẽ đường... Nhưng đối với Quốc hội, cơ quan phải thẩm định ngân sách, nhất là những món nợ khổng lồ để lại cho con cháu chúng ta, có lẽ phải đi vào chi tiết thực tế hơn!”.
Ở Hy Lạp, khi quyết định một số vấn đề vĩ mô trong nhiều năm qua, người ta có lẽ chú trọng nhiều hơn về những con số tăng trưởng, triển vọng kinh tế và những việc đại sự dân tộc như Thế vận hội (và để xem họ có thể có “phong bì nhỏ” và lợi ích chính trị gì trong những công trình đó). Những người lãnh đạo đất nước Hy Lạp có lẽ không chú ý nhiều đến việc người dân sẽ sống ra sao khi giá xăng tăng thêm vài đồng và khi phúc lợi bị cắt giảm vài chục phần trăm.
Trên thực tế, khi lựa chọn một chiến lược phát triển kinh tế thì khó tránh có sự đánh đổi rủi ro và lợi ích. Nhưng vượt qua khủng hoảng và thậm chí tăng trưởng lại rồi thì đại đa số người dân có nhận được thêm nhiều lợi ích hay chỉ nhận thêm chút ít, còn phần lớn lợi ích thì chuyển vào một nhóm nhỏ nào đó trong xã hội?
Và nếu chẳng may rủi ro chuyển thành tổn thất thật sự, như xảy ra khủng hoảng nợ hay khủng hoảng ngân hàng, thì người gánh chịu nhiều nhất những hệ quả tăng giá, tăng thuế có khi lại là những người không hưởng lợi bao nhiêu từ những tăng trưởng với tốc độ tên lửa của thị trường chứng khoán và nhà đất.