Tiếng chim cú trong nhà dân
Hồng Ngọc
(TBKTSG Online) - “Khó vậy mà họ cũng nghĩ ra”, chủ facebook có tên Trần Hồ đã viết như vậy khi kể câu chuyện ngắn là có người mua máy phát tiếng chim cú mèo để “chiến đấu” với nhà nuôi yến trong khu dân cư và “kết quả, yến thua”.
Nuôi chim yến phải được cấp phép
Có nên phát triển nghề nuôi chim yến lấy tổ?
![]() |
Chim yến bay rợp trời bên ngoài một căn nhà nuôi yến ở Cần Giờ, TPHCM. Ảnh: Uyên Viễn. |
Câu chuyện ngắn, chỉ vài dòng chữ của facebooker này nhưng có lẽ “đụng” tới khá nhiều người sống gần những gia đình có nuôi chim yến. Một facebooker khác bình luận (comment): “Họ phát tiếng chim heo nữa, yến bay hết. Mày phát được, tao phát được (ám chỉ các nhà nuôi yến suốt ngày mở loa phát tiếng kêu dẫn dụ chim yến - PV)”.
Một người khác thì bình luận hỏi thăm nơi bán máy bởi “Gần nhà cha nuôi yến nhứt đầu gần chết nè”. Vậy là lắm người bày mua 2 cái loa nhỏ, tải tiếng chim cú mèo từ trang chia sẻ video clip YouTube.
Thực ra lâu nay trên mạng xã hội, khá nhiều người than phiền chuyện nuôi chim yến giữa xóm, giữa khu dân cư với tiếng chim yến, tiếng loa phát dẫn dụ chim yến mở suốt ngày rất khó chịu. Người viết bài này từng đến một ngôi chợ ở huyện vùng xa tỉnh Bình Phước, bất ngờ khi ngay giữa chợ có ngôi nhà cao tầng, bên dưới buôn bán, bên trên nuôi chim yến. Bốn cái loa to tỏa ra 4 hướng trên sân thượng suốt ngày mở tiếng dẫn dụ chim yến mà bà con buôn bán trong chợ bảo là “chịu hết nổi”.
Hay như ở thị xã Gò Công, giữa thị xã có 1 căn nhà cao tầng, thiết kế khá đẹp với nhiều cây xanh đeo bám bốn phía nhưng đi từ xa đã nghe tiếng loa phát tiếng dẫn dụ chim yến đinh tai nhức óc.
Tại một hội nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vào tháng 7 năm ngoái cho biết, cả nước hiện có 36 tỉnh, thành có tổ chức xây nhà để dẫn dụ chim yến. Tuy nhiên, phần lớn số nhà dẫn dụ yến được xây dựng hiện nay ở các địa phương chủ yếu mang tính tự phát. Thực tế này khiến nghề nuôi chim yến trong nhà đối mặt với nhiều tiềm ẩn rủi ro như dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn.
Thống kê của bộ này thì hiện cả nước có hơn 5.000 nhà dẫn dụ chim yến. Trước khi có Thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22-7-2013 của Bộ NN&PTNT quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến, số nhà dẫn dụ chim yến còn rải rác nhưng từ năm 2013 đến nay, số lượng nhà nuôi chim yến đã tăng lên nhanh.
Đặc biệt, do Thông tư 35 chưa quy định vị trí nhà nuôi chim yến như thế nào nên trên 90% nhà nuôi yến hiện nay nằm xen kẽ trong khu dân cư, có nghĩa khoảng 4.500 nhà nuôi yến nằm trong khu dân cư và hàng ngàn, hàng chục ngàn ngôi nhà hàng xóm của những ngôi nhà nuôi yến hàng ngày họ phải nghe tiếng chim yến, tiếng dẫn dụ chim yến phát ra inh ỏi.
Dù Thông tư 35 có quy định mức độ tiếng ồn là “Cường độ âm thanh không vượt quá 70 dBA (Đề xi ben A) trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ và không được sử dụng âm thanh trong thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau”. Tuy nhiên, trên mạng xã hội, rất nhiều người cho rằng quy định như vậy chỉ cho có, vì trên thực tế kiểm soát bằng cách đo cường độ âm thanh không hề dễ dàng và cơ quan quản lý khó lòng mang máy túc trực đo ở từng nhà nuôi yến.
Vậy là mức độ tiếng ồn phụ thuộc vào gia chủ nuôi yến có thương xóm giềng hay không nhưng tâm lý chung là ai cũng cố gắng mở to để âm thanh dẫn dụ phát đi xa, hút được nhiều chim yến. Và hàng xóm tức mình “chơi lại” bằng cách phát tiếng chim cú mèo như đã nói phần đầu bài viết cũng là điều dễ hiểu.
Sẽ rất nguy hiểm vì nếu tình trạng này kéo dài, chính quyền không can thiệp có thể tình làng nghĩa xóm bị sứt mẻ, dẫn tới mâu thuẫn kéo dài, không chừng xảy ra xung đột giữa gia đình nuôi yến và các gia đình không nuôi yến, gia đình có phát tiếng chim cú mèo.