Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tiếp thị số với Seeding: Lợi ích và tác hại

Hoàng An

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Seeding là cách tiếp thị phổ biến trong Digital Marketing, bằng cách đăng tải và chia sẻ nội dung khơi gợi sự quan tâm của khách hàng đối với sản phẩm hoặc dịch vụ qua các kênh truyền thông. Dù trước mắt có thể mang lại nhiều lợi ích về bán hàng cho doanh nghiệp, nhưng nếu bị lạm dụng hoặc thực hiện không đúng cách, seeding có thể gây ra những tác hại không nhỏ.

Ảnh: Minh Thảo

Tại Việt Nam, có một mẩu chuyện được truyền miệng trong giới làm marketing để hiểu về khái niệm seeding đã có từ lâu trên thế giới. Đó là câu chuyện vui chưa xác thực về họa sĩ nổi tiếng Pablo Picasso thuở xưa, lúc chưa nhiều người biết đến. Lúc này, ông đã thuê các sinh viên dạo quanh nhiều cửa hàng tranh và hỏi chủ các cửa hàng ở đây có bán tranh của Picasso không? Ai cũng tò mò về Picasso, từ đó tranh của ông bắt đầu được quan tâm và sau đó trở nên nổi tiếng. Với giới marketing, Picasso trong câu chuyện chính là bậc thầy về seeding.

Chiếc cầu nối giữa khách hàng và thương hiệu

Ngày nay, seeding được ứng dụng rộng rãi trong hoạt động marketing, đặc biệt là ở giai đoạn nhận biết thương hiệu và thu hút khách hàng quan tâm và cân nhắc mua hàng.

Các thương hiệu thường sử dụng seeding để tăng cường nhận thức về sản phẩm mới, khuyến mãi hoặc các sự kiện mua sắm lớn. Các bài viết đánh giá sản phẩm, bình luận tích cực từ người dùng hoặc chia sẻ kinh nghiệm mua sắm thường xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội và đóng góp không nhỏ vào quyết định mua hàng của khách hàng.

Seeding có hình thức sơ khai nhất là truyền miệng (worth of mouth) giữa người mua cũ với người mua mới. Khi đó thông tin seeding thường khá khách quan và chân thực đến từ người đã trải nghiệm sản phẩm. Với sự xuất hiện của các nền tảng mạng xã hội và thương mại điện tử, seeding cũng dần trở thành các cuộc thảo luận hay bình luận trên không gian mạng, với sự tham gia của hàng ngàn người. Đây cũng là lúc các bình luận thật giả lẫn lộn.

Lợi dụng tâm lý mua hàng theo đám đông

Chị Trường An, ngụ TPHCM, một người mẹ thế hệ 9X thường xuyên tham khảo những chia sẻ, chỉ dẫn chăm con nhỏ trên hội nhóm mẹ trẻ ở Facebook, tâm sự rằng chị không ít lần tỏ ra thất vọng và dần mất niềm tin khi mua hàng từ những bài giới thiệu sản phẩm. “Rất khó để phân biệt đâu là bài chia sẻ trải nghiệm thật, đâu là bài được doanh nghiệp quảng cáo, người dùng chỉ nói suông, nói quá lên. Tôi có mua theo cho con nhỏ vài món đồ như ghế ăn dặm, bỉm lót nhưng hiệu quả nói một đằng, nhận về một nẻo. Nhiều lúc mất tiền oan khi tin theo lời chị em seeding trên hội”, chị nói.

Vấn đề seeding ảo xuất phát từ việc người dùng mạng xã hội thường dễ bị ảnh hưởng bởi ý kiến đám đông. Để ghi điểm với khách hàng, các thương hiệu sẽ sử dụng các tài khoản mạng xã hội ảo để bình luận, tương tác theo hướng có lợi cho thương hiệu. Nếu thấy một thương hiệu được nhiều người khen trên các cuộc thảo luận mạng xã hội, người tiêu dùng có thể tin rằng đó là một thương hiệu tốt ngay cả khi chưa trải nghiệm thực tế sản phẩm.

Với một thị trường đặc thù như Việt Nam, hoạt động seeding thực tế rất được các doanh nghiệp/thương hiệu chú trọng. Theo một báo cáo mới đây của TikTok về thói quen mua sắm của các thị trường châu Á - Thái Bình Dương, người tiêu dùng Việt Nam cùng với Hàn Quốc và Thái Lan nằm trong nhóm “thị trường định hướng xã hội” - mua sắm dựa trên đánh giá của cộng đồng. Người tiêu dùng Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi nội dung do nhà sáng tạo nội dung gợi ý và có nhiều khả năng tin tưởng vào trực giác khi mua hàng, mà không cần tìm hiểu thêm. Trong khi đó, một nhóm khác là “thị trường định hướng sản phẩm”, ở đó, người tiêu dùng các nước như Nhật Bản hay Indonesia tập trung vào nghiên cứu các nội dung liên quan đến sản phẩm và chương trình giảm giá cho quyết định mua hàng của mình.

Người tiêu dùng, thương hiệu đều chịu ảnh hưởng

Với doanh nghiệp, việc seeding quá đà sẽ gây ra hệ lụy lâu dài. Ông Đặng Văn Ân, Giám đốc chiến lược truyền thông và Giám đốc chi nhánh Omega Media OMverse, chỉ ra rằng hiện tượng seeding “quá lố” hoặc sai sự thật là một vấn đề nghiêm trọng và ảnh hưởng tiêu cực đến cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Nếu mua phải hàng kém chất lượng do tin vào các đánh giá sai sự thật, khách hàng sẽ mất lòng tin vào thương hiệu.

Với một thị trường mà người tiêu dùng đặt nhiều niềm tin vào lời giới thiệu và trực giác khi quyết định mua hàng như Việt Nam, những thông tin seeding chính là “con dao hai lưỡi” - có thể mang lại hiệu quả rất lớn nhưng cũng có thể tác động tiêu cực. Điều này tạo ra một áp lực lớn đối với các doanh nghiệp trong việc duy trì tính minh bạch và chất lượng thông tin.

Ông Võ Minh Quân, Giám đốc Công ty IMP Marketing, cũng nhìn nhận seeding có dấu hiệu biến tướng và nói thêm rằng điều này sẽ khiến cho cả người dẫn dắt (seeder) và chủ doanh nghiệp bị ảnh hưởng về lâu dài. Việc seeding “chuẩn mực” rất khó định lượng. Doanh nghiệp có thể dựa trên điểm nổi trội có thật của sản phẩm để sau khi quảng bá, truyền thông sẽ không tạo ra kỳ vọng sai cho người dùng.

Trong những năm gần đây, trình độ của người tiêu dùng ở các đô thị lớn đã thay đổi đáng kể. Nhờ vào sự phát triển của Internet và công nghệ, người tiêu dùng hiện nay có khả năng tiếp cận thông tin dễ dàng hơn và cũng có kinh nghiệm chọn lọc hơn dù tỷ lệ này còn thấp. Họ quen dần với việc tự tìm kiếm để tự so sánh sản phẩm, đọc các lời nhận xét, đánh giá và cũng không ngại chia sẻ những trải nghiệm riêng qua mạng xã hội. Do đó, các nội dung seeding “ảo” nhìn chung sẽ khó qua mắt được khách hàng kỹ tính.

Ông Đặng Văn Ân cho rằng, để seeding đạt hiệu quả, các thương hiệu cần lựa chọn những đối tác phù hợp, hợp tác với các KOL hoặc người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (influencer) có uy tín, phù hợp với thị trường mục tiêu và có khả năng tạo ra ảnh hưởng tích cực. Điều này đảm bảo thông điệp của doanh nghiệp được truyền tải một cách hiệu quả và tin cậy. Hơn 70% số chiến dịch seeding tại Việt Nam liên quan đến việc hợp tác với KOL và influencer để tăng cường nhận diện thương hiệu và tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng.

Quan trọng hơn, doanh nghiệp cũng phải đảm bảo cung cấp thông tin chính xác và minh bạch về sản phẩm hoặc dịch vụ. Tránh việc thổi phồng hoặc làm sai lệch sự thật, vì điều này có thể dẫn đến mất lòng tin của khách hàng.

“Lý tưởng nhất doanh nghiệp có thể mời người tiêu dùng cuối hay những người làm nội dung trên mạng xã hội chia sẻ về chính sản phẩm sau khi họ trải nghiệm, đưa ra đánh giá và truyền thông lại nội dung một cách chân thật, thay vì cài cắm quá nhiều thông tin quảng bá. Khi đó, người theo dõi nội dung sẽ cảm thấy lời chia sẻ hữu ích, có giá trị”, ông Quân nói. Đây là cách các nhãn hàng đang áp dụng để có được hoạt động “chim mồi” hiệu quả trong giai đoạn hiện tại, trong môi trường mạng xã hội ngày càng cạnh tranh và hiểu biết hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới