Thứ tư, 30/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tiếp tục cải cách thuế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tiếp tục cải cách thuế

Các chuyên gia đánh giá giai đoạn mới trong cải cách thuế ở Việt Nam đã khởi động.

(TBKTSG) - Từ 1-1-2009, ba luật thuế mới (giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân) đồng loạt được triển khai. Giai đoạn mới trong cải cách thuế ở nước ta đã khởi động.

Xu hướng giảm thuế

Thuế giá trị gia tăng thời kỳ đầu có tới bốn loại thuế suất: 0%, 5%, 10% và 20%, hiện còn lại ba: 0%, 5% và 10%.

Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ban đầu tới 32% và khoản thu bổ sung nếu lợi nhuận sau thuế vượt quá 12% vốn. Sau đó giảm xuống còn 28% và bỏ thu bổ sung. Từ 1-1-2009 hạ xuống còn 25%.

Đối với người có thu nhập cao, thuế suất thuế thu nhập thấp nhất ban đầu là 10%, cao nhất tới 60%, rồi rút xuống 50%, nay thuế suất thuế thu nhập cá nhân chỉ còn tương ứng 5% và 35% .

Biện pháp hành thu tiếp tục được hoàn thiện

Có thể nói rằng sau 10 năm cải cách vừa qua, người nộp thuế (bao gồm cả doanh nghiệp) không còn phàn nàn nhiều về mặt chính sách, mà chủ yếu là về biện pháp hành thu.

Thực ra, không phải nước ta không có cải thiện các biện pháp hành thu, nhưng chậm hơn và kém nhất quán so với các nước. Chúng ta đã áp dụng rộng rãi biện pháp “tự khai, tự nộp”, vừa thể hiện tinh thần tin dân hơn, vừa đơn giản hóa việc hành thu.

Tuy nhiên, trong khi đề cao trách nhiệm kê khai của người nộp thuế thì trách nhiệm kiểm tra của cơ quan thuế hầu như chưa được đặt ra. Nếu người nộp thuế có trách nhiệm khai đúng số thuế phải nộp và nộp tờ khai đúng hạn thì cơ quan thuế cũng phải có trách nhiệm kiểm tra và kết luận về những bản khai đó trong những thời hạn quy định.

Hiện chưa có văn bản nào quy định thời hiệu kiểm tra các bản khai thuế, do đó cơ quan thuế có quyền kiểm tra bất kỳ bản khai thuế nào, kể cả những bản khai nhiều năm trước. Đó là bất công. Người nộp thuế không an tâm. Thêm nữa, đã tự khai thì có thể có những nhầm lẫn. Nhưng mọi nhầm lẫn trong kê khai của người nộp thuế, dù không cố ý, dù đã tự giác đính chính trước khi cơ quan thuế phát hiện, vẫn bị phạt.

Đến nay có thể nói biện pháp hành thu thuế giá trị gia tăng đã đi vào nề nếp. Tuy nhiên nhiều vụ gian lận hoàn thuế vẫn xảy ra. Nghiêm túc phân tích các vụ này, có thể thấy phần lớn đều có phần sai sót trong quản lý của cơ quan thuế. Nếu các cơ quan thuế chấp hành đầy đủ mọi thủ tục, mọi quy trình quản lý, từ đăng ký thuế, bán hóa đơn thuế giá trị gia tăng, theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời những sai sót hay nghi ngờ trong các bản kê khai thuế hàng tháng của người nộp thuế, thì kẻ gian khó lòng qua mặt được.

Song, để phòng chống gian lận, hình như cơ quan thuế lại muốn đi theo hướng siết thủ tục đối với người nộp thuế. Điều này thể hiện rõ trong Luật Thuế giá trị gia tăng mới bằng cách quy định điều kiện khấu trừ thuế đầu vào đối với hàng mua có giá trị trên 20 triệu đồng là phải thanh toán qua ngân hàng.

Đây là một biện pháp thu thuế khiên cưỡng gắn việc mua bán vào việc thanh toán, bất chấp điều kiện giao lưu kinh tế. Việc mua bán và việc thanh toán tuy có quan hệ với nhau, nhưng không phải bao giờ chúng cũng trùng khớp với nhau về thời gian và khối lượng. Có thể mua trước trả sau hoặc ngược lại. Có thể mua nhiều đợt trả một lần hoặc ngược lại. Sẽ phát sinh nhiều rắc rối và cả sự tùy tiện, khi cơ quan thuế đòi hỏi doanh nghiệp phải chứng minh điều kiện thanh toán qua ngân hàng của từng hóa đơn mua hàng.

Điểm nổi bật trong Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp mới là xác định rõ chi phí được trừ vào doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là chi phí thực tế, không phải là chi phí (được gọi là) hợp lý như vẫn áp dụng cho đến nay. Với quy định mới này, thuế thu nhập doanh nghiệp thực sự thể hiện được bản chất của nó vì thu theo thu nhập thực tế đã thực hiện.

Cần thấy rằng chi phí thực tế mang tính khách quan, phụ thuộc vào những điều kiện của từng doanh nghiệp trong từng hoàn cảnh cụ thể. Còn chi phí hợp lý là một khái niệm chủ quan vì nó phụ thuộc vào đánh giá của nhân viên thuế vụ.

Thực ra quan điểm chi phí thực tế cũng chưa được quán triệt đầy đủ ngay trong luật này. Mặc dù khoản 1 điều 9 quy định doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định, nhưng tiếp đó lại có quy định không cho trừ phần chi phí nguyên vật liệu vượt định mức tiêu hao do doanh nghiệp xây dựng và thông báo cho cơ quan thuế.

Bất cứ ai có kiến thức về định mức tiêu hao đều thấy quy định này không những bất khả thi, mà còn rất “vô duyên” vì doanh nghiệp có thể lách luật bằng cách quy định định mức nào đó chỉ “để thông báo cho cơ quan thuế”. Nhưng điều quan trọng là nó tạo điều kiện cho nhân viên thuế vụ can thiệp vào việc xác định thu nhập chịu thuế qua những con số định mức này.

Quan điểm chi phí hợp lý còn ghi dấu ấn trong quy định khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị... không được vượt quá 10-15% tổng số chi phí. Cần thấy rằng chi phí này của các doanh nghiệp không giống nhau. Có doanh nghiệp hầu như không có, nhưng có doanh nghiệp lại rất lớn. Quán triệt quan điểm chi phí thực tế trong trường hợp chi phí loại này quá lớn, nên coi đó là một loại chi phí đầu tư có thể phân bổ dần trong một số năm như là một cách khấu hao.

LÊ VĂN TỨ

Hệ thống thuế nước ta bị thế giới đánh giá có phần tiêu cực. Theo bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới và Công ty Tài chính quốc tế về môi trường kinh doanh năm 2008 tại 178 nước, thứ hạng chung của Việt Nam là 91 (trung bình kém), nhưng thứ hạng về môi trường thuế lại là 128, tụt hạng so với những năm trước và ở vị trí thấp nhất trong 10 môi trường thành phần của nước ta.

Nguyên nhân chủ yếu là do kém minh bạch, kém ổn định. Kết hợp sự đánh giá ở trong nước và ở nước ngoài, phải chăng hướng cải cách thuế cần tập trung vào mặt biện pháp hành thu với yêu cầu khắc phục hai mặt yếu kém đó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới