Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tiếp tục đề xuất gỡ khó dòng vốn cho doanh nghiệp trong nước

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đang khó khăn về dòng vốn. Trong khi đó, một số ngành như ngành thép, sức mua lại giảm khiến nhiều doanh nghiệp phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30-40%. Vì vậy, Chính phủ nên đưa ra những gói tín dụng ưu đãi, tiếp tục hỗ trợ thuế, phí... để hỗ trợ doanh nghiệp khơi thông dòng vốn.

Ban IV đề xuất Chính phủ kéo dài một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đến hết năm 2023. Ảnh minh họa: TL

Ban IV cho biết, dòng tiền của các doanh nghiệp đã cạn kiệt sau hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19. Điều này gây trở ngại trong việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua, chuẩn bị nguyên vật liệu cho các kỳ sản xuất của năm 2023 và duy trì công ăn việc làm cho người lao động.

Dẫn chứng là đơn hàng doanh nghiệp ngành thép trong nước giảm mạnh khi cung vượt qua cầu. Nhiều doanh nghiệp phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30-40% để có dòng tiền hoạt động với chi phí lãi vay cao trong lúc chờ đợi phân bổ chỉ tiêu tín dụng tiếp theo.

Với những ngành khác, như nông sản thì một số loại nông sản, đặc biệt các loại hạt nguyên liệu lại có kỳ thu mua tập trung ở các tháng cuối và đầu năm 2023. Tuy nhiên, do không thể tiếp cận tín dụng nên doanh nghiệp nông nghiệp trong nước có thể khó cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong việc mua nguyên liệu.

Số liệu xuất khẩu tháng 9 năm 2022 từ Tổng cục Thống kê cho thấy, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước giảm 1,6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn giữ tốc độ tăng 14,1% so với cùng kỳ.

Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp cũng đang đối mặt với vấn đề không thể duy trì vị trí trong chuỗi do thiếu vốn đầu tư...

Trước tình hình này, Ban IV đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài đến hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn dịch Covid-19 như chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng; giãn, hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới theo Nghị định số 96/2019/NĐ-CP của Chính phủ và các chính sách tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ...

Ban IV đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước làm việc với các ngân hàng thương mại để nghiên cứu, thiết kế các gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực trong nước. Trong đó, có những khoản mục dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trường hợp cần thiết, cần có các giải pháp đặc biệt, áp dụng trong giai đoạn nhất định nhằm giải nguy cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong đó, có thể cho phép các ngân hàng thương mại trong nước tham gia mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt ngoài tín dụng thông thường.

Theo TTXVN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới