(KTSG Online) - Theo công điện về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành chức năng tiến hành các giải pháp để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
- Tỷ giá, lãi suất bất ngờ ‘nhảy nhót’ trở lại
- Hơn 1,1 triệu khách hàng TPHCM được cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất vay
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện số 18 về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024. Theo công điện, cả nước còn đối mặt với sức ép lạm phát cao; hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn; mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng chưa tương xứng với mức giảm của mặt bằng lãi suất huy động; tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 giảm so với cuối năm 2023.
Trước tình hình trên, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay gắn với tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Việc này hướng đến đảm bảo cung cấp đủ vốn tín dụng, ngoại tệ, phục vụ, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Cơ quan này phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát kết quả cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực. Đơn vị chức năng cũng rà soát kết quả cấp tín dụng của từng tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại để có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, lãi suất năm 2024 sao cho cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để ách tắc, không đúng thời điểm.
Thủ tướng yêu cầu theo dõi tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, kịp thời; điều hành hợp lý giữa lãi suất và tỉ giá nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó là các biện pháp về cấm cấp tín dụng không đúng quy định pháp luật, không đúng nhóm người. Chẳng hạn như trường hợp cấp tín dụng cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau… với lãi suất ưu đãi trong khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu chính đáng lại gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, ngoại tệ. Đơn vị cũng kiểm soát lạm phát và giảm thiểu gia tăng nợ xấu đối với các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện theo các chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay như tiết giảm chi phí; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… Việc công bố lãi suất cho vay bình quân là nhiệm vụ quan trọng giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, lựa chọn ngân hàng để vay vốn.
Thủ tướng đề nghị triển khai các gói tín dụng ưu đãi phù hợp với đặc thù của từng tổ chức tín dụng trong những lĩnh vực quan trọng; tiếp tục hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn...; đồng thời, kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.