Thứ bảy, 30/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tiếp tục tăng – lãi suất đang chịu áp lực từ đâu?

Triệu Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Lãi suất đang chịu những sức ép từ đâu trong giai đoạn hiện nay?

Trong vòng một tháng qua Techcombank tăng 0,1 điểm phần trăm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1-2 tháng và tăng 0,2 điểm phần trăm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3-5 tháng. Ảnh: T.L

Áp lực thanh khoản cuối năm

Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã tiếp cận gần ngưỡng 6% trong những ngày giữa tháng 11-2024, cao hơn gấp đôi so với một tháng trước đó, trước khi giảm về quanh 4% vào cuối tuần trước (22-11). Xu hướng tương tự cũng diễn ra ở các kỳ hạn khác, phản ánh thanh khoản hệ thống đang chịu khá nhiều sức ép khi càng về thời điểm cuối năm.

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải bơm ròng để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống. Cụ thể, sau khi hút ròng hơn 136.000 tỉ đồng trong tháng 10, với các đợt phát hành tín phiếu mới được mở lại từ ngày 18-10, thì tính từ đầu tháng 11 đến cuối tuần trước, NHNN đã bơm ròng trở lại hơn 103.000 tỉ đồng. Ngoài bơm ròng trên thị trường mở (OMO), lượng tín phiếu lớn phát hành trong nửa cuối tháng 10 đáo hạn dần trong khi nhà điều hành giảm phát hành mới từ đầu tháng 11 đến nay.

Áp lực thanh khoản còn thể hiện qua động thái tiếp tục tăng lãi suất huy động của các ngân hàng trên thị trường 1 (với các cá nhân, tổ chức), trong đó cả những ngân hàng lớn cũng bất ngờ tăng mạnh lãi suất. Trong vòng một tháng qua, đã có gần 15 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi. Đáng chú ý nhất là Agribank tăng mạnh 0,5 điểm phần trăm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 1-11 tháng, vượt lên mặt bằng chung của nhóm “big 4” trước đây. Hay như Techcombank cũng tăng 0,1 điểm phần trăm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1-2 tháng và tăng 0,2 điểm phần trăm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3-5 tháng. Ngoài ra còn có thể kể đến một loạt ngân hàng khác như VIB, LPBank, MBBank, Bắc Á...

Các ngân hàng trung ương (NHTƯ) toàn cầu vẫn đang tiếp tục lộ trình giảm lãi suất, gần đây nhất là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có lần giảm lãi suất thứ hai liên tiếp trong cuộc họp đầu tháng 11 vừa qua, nhưng điều này dường như vẫn chưa hỗ trợ gì nhiều cho xu hướng lãi suất tại Việt Nam. Không ít dự báo cho rằng lãi suất huy động của các ngân hàng lẫn lãi suất vay mượn trên thị trường liên ngân hàng sẽ còn tăng cao hơn nữa trong giai đoạn cuối năm.

Với mục tiêu tín dụng năm nay phải tăng 14-15%, trong hai tháng còn lại của năm 2024 tín dụng cần tăng thêm ít nhất 4%, tương ứng với số dư tuyệt đối tăng thêm gần 532.000 tỉ đồng. Vì vậy, các ngân hàng có lẽ đã bắt đầu tăng tốc hoạt động cho vay ngay từ đầu tháng 11 này để kịp về đích cuối năm, phần nào càng gây sức ép lên mặt bằng lãi suất huy động.

Xu hướng này kéo dài tất yếu sẽ ảnh hưởng lên chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng trong giai đoạn kế tiếp. Đây có lẽ cũng là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho năm kế tiếp của nhiều ngân hàng. Đặc biệt là các ngân hàng có quy mô nhỏ, vốn không chỉ phụ thuộc lớn vào kênh huy động từ thị trường dân cư mà còn thường xuyên vay trên thị trường liên ngân hàng để đảm bảo thanh khoản ngắn hạn.

Trong khi đó, các ngân hàng quy mô lớn hơn với những lợi thế nhất định, gần đây đã tăng cường phát hành giấy tờ có giá kỳ hạn dài để đảm bảo nguồn vốn ổn định và bền vững, cũng như hạn chế mức độ ảnh hưởng từ xu hướng lãi suất đi lên. Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong nửa đầu tháng 11 này, các ngân hàng đã phát hành lượng trái phiếu hơn 6.500 tỉ đồng, nâng lũy kế phát hành từ đầu năm 2024 lên 256.400 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 72,1% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành.

Sức ép từ đâu?

Chênh lệch quá lớn và ngày càng mở rộng giữa tăng trưởng tín dụng và huy động của hệ thống ngân hàng là một trong những sức ép lên xu hướng lãi suất trong thời gian qua. Các số liệu báo cáo cho thấy trong khi huy động vốn tính đến ngày 27-9-2024 chỉ tăng 4,79% so với đầu năm, tín dụng đã tăng 8,53%, cao hơn 3,74%. Mức chênh lệch này vào thời điểm quí 1-2024 và quí 2-2024 lần lượt là 1% và 2,95%.

Theo cập nhật đến cuối tháng 10, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã lên mức 10%. Với mục tiêu tín dụng năm nay phải tăng 14-15%, trong hai tháng còn lại của năm 2024 tín dụng cần tăng thêm ít nhất 4%, tương ứng với số dư tuyệt đối tăng thêm gần 532.000 tỉ đồng. Vì vậy, các ngân hàng có lẽ đã bắt đầu tăng tốc hoạt động cho vay ngay từ đầu tháng 11 này để kịp về đích cuối năm, phần nào càng gây sức ép lên mặt bằng lãi suất huy động.

Yếu tố thứ hai là diễn biến tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng tiếp tục nóng cũng ảnh hưởng tiêu cực lên lãi suất tiền đồng. Trong một tháng qua, các ngân hàng liên tục niêm yết giá bán ra đô la Mỹ sát với mức trần theo quy định của NHNN, trong bối cảnh đô la Mỹ tăng mạnh trên thị trường quốc tế. Đô la Mỹ tăng trở lại rõ ràng không chỉ gây sức ép lên kênh tiền gửi ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống.

Cụ thể, trước đà tăng trở lại của tỷ giá, từ ngày 24-10 nhà điều hành đã triển khai phương án bán ngoại tệ can thiệp với hình thức giao ngay tại mức giá 25.450 đồng/đô la, đánh dấu lần bán trở lại đầu tiên kể từ tháng 7-2024 đến nay. Điều này đồng nghĩa với một lượng lớn thanh khoản tiền đồng bị hút vào qua kênh bán ngoại tệ. Với xu hướng tỷ giá vẫn còn rất khó lường, khi cuối năm cũng là giai đoạn cao điểm nhập khẩu hàng hóa, trong khi đà tăng của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đang được hỗ trợ bởi tín hiệu Fed có thể tạm ngưng giảm lãi suất, áp lực từ tỷ giá lên lãi suất sẽ còn tiếp diễn.

Trong khi đó, theo nhận định của Công ty Chứng khoán MB (MBS), việc lãi suất liên ngân hàng tăng cao gần đây đã phát tín hiệu về thiếu hụt thanh khoản, trong đó việc NHNN phát hành tín phiếu và Kho bạc Nhà nước (KBNN) rút hơn 4,5 tỉ đô la Mỹ từ ba ngân hàng lớn trong quí 3-2024 là yếu tố khiến áp lực thanh khoản tăng cao. Được biết, trong hai tháng vừa qua, KBNN cũng đã có liên tiếp tám đợt chào mua ngoại tệ từ các ngân hàng để thanh toán cho 1 tỉ đô la Mỹ trái phiếu quốc tế đến hạn.

Yếu tố thứ ba là ngoài tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng, các kênh đầu tư như thị trường vàng đang phục hồi mạnh mẽ và tiền số tăng vọt cũng có thể cạnh tranh với kênh tiền gửi ngân hàng, khi Việt Nam hiện là một trong số các quốc gia có lượng nhà đầu tư tham gia thị trường tiền số lớn nhất thế giới. Ngoài ra, việc các tài sản này tăng mạnh cũng góp phần gây áp lực lên tỷ giá.

Với xung đột Ukraine và Nga leo thang trở lại khi Mỹ gần đây đã dỡ bỏ rào cản sử dụng vũ khí tầm xa với Ukraine, còn Nga đã phê duyệt học thuyết hạt nhân sửa đổi, giá vàng quốc tế đã leo trở lại trên mốc 2.700 đô la Mỹ/ounce trong tuần trước, kéo giá vàng SJC trong nước tăng vọt 5 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 3,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra, còn giá vàng nhẫn cũng tăng khoảng 4,5 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá tiền số bitcoin đang tiến sát mốc 100.000 đô la Mỹ/BTC khi Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm 19-11 thông báo đề cử ông Howard Lutnick, tỉ phú cho rằng bitcoin nên được giao dịch như vàng, làm bộ trưởng thương mại. Giá trị bitcoin đã tăng hơn gấp đôi trong năm nay và tăng khoảng 40% chỉ trong vòng hai tuần sau khi ông Trump đắc cử. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã thể hiện quan điểm ủng hộ các tài sản kỹ thuật số, đồng thời cam kết sẽ biến Mỹ thành “trung tâm tiền điện tử thế giới” và thành lập kho dự trữ bitcoin quốc gia.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới