Chủ Nhật, 29/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tiếp tục tranh cãi quy hoạch Hà Nội

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tiếp tục tranh cãi quy hoạch Hà Nội

Ngọc Lan

Đến tháng 10-2010 mới hoàn tất bản quy hoạch thủ đô. Nhưng chính quyền nói rằng từ nay đến đó, phê duyệt, cấp phép các dự án đầu tư mới vẫn không ngưng trệ  - Ảnh: Hà Nội Mới.

(TBKTSG Online) - Bộ Xây dựng đã hoàn tất báo cáo về tổng số đồ án quy hoạch và dự án đầu tư được phép triển khai bình thường hay cần điều chỉnh hoặc tạm dừng sau ngày thủ đô mở rộng. Nhưng lãnh đạo thành phố Hà Nội cho rằng đó chưa phải là những quyết định cuối cùng.

Bộ Xây dựng chưa đủ căn cứ xem xét dự án

Phiên chất vấn của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội giữa kỳ về các vấn đề kinh tế - xã hội và các vấn đề dân sinh búc xúc diễn ra hôm 21-4 tập trung xoay quanh nội dung được quan tâm đặc biệt là việc rà soát quy hoạch thủ đô.

Sở dĩ nó được quan tâm như vậy vì sau ngày thủ đô mở rộng đến nay đã được 8 tháng, nhưng quy hoạch của thành phố này, thực tế vẫn chưa đâu vào đâu.

Trong khi đó, có hàng trăm dự án đầu tư, phân bổ và chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã được các địa phương gấp rút ký trước ngày sát nhập về thủ đô. Bên cạnh đó còn rất nhiều dự án đã được phê duyệt nhưng hiện ở dạng dự án “treo” hoặc các dự án đã và đang triển khai, cũng không rõ còn được tồn tại trong quy hoạch mới của thủ đô nữa hay không.

Vấn đề được rất nhiều cử tri quan tâm là kết quả rà soát các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn thủ đô mới đã triển khai đến đâu và đến thời điểm nào thì lãnh đạo các địa phương và chủ dự án có thể biết được để chủ động triển khai.

Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Phí Thái Bình thừa nhận trong báo cáo gửi Hội đồng nhân dân là “một việc khó khăn, phức tạp và nhạy cảm”.

Sở dĩ đánh giá như vậy vì lãnh đạo thành phố Hà Nội cho rằng, trước khi hợp nhất, các địa phương đều căn cứ vào mục tiêu chiến lược của riêng địa phương mình cộng với các nhu cầu của chủ đầu tư để xem xét phê duyệt, chấp nhận dự án. Nay việc rà soát sẽ gây ảnh hưởng lớn. Hơn nữa, công tác thu thập hồ sơ, tài liệu cũng phức tạp vì mỗi địa phương quản lý, thống nhất không giống nhau, thậm chí chủ đầu tư không cung cấp đủ tài liệu.

Yêu cầu đặt ra cho đợt rà soát này là phải đánh giá các đồ án, dự án theo tiêu chí phù hợp quy hoạch mới, nhưng đến nay Thủ tướng chưa phê duyệt nhiệm vụ thiết kế, còn quy hoạch chung thì Bộ Xây dựng đang chỉ đạo các tổ chức tư vấn nước ngoài soạn thảo. Theo kế hoạch, đến năm 2010 mới hoàn thành đồ án quy hoạch chung, do vậy, các bước làm trên là bị động.

Về vấn đề này, đại biểu Phạm Thị Loan chất vấn: “Chưa có quy hoạch tổng thể, chưa phê duyệt nhiệm vụ thiết kế vậy thì căn cứ vào đâu để biết dự án nào là hợp quy hoạch, dự án nào phải tạm dừng?”

Bà Loan cũng chất vấn là nếu tạm dừng thì các chủ đầu tư đã và đang đổ công sức, tiền của vào dự án sẽ được đền bù thế nào vì việc họ được chấp nhận dự án từ nhiều năm trước ngày nhập chung về thủ đô, không phải là hình thức “chạy” dự án, không có lỗi.

Ông Phí Thái Bình nói rằng, hiện Bộ Xây dựng đã hoàn tất báo cáo Chính phủ việc rà soát đồ án quy hoạch và dự án đầu tư trên địa bàn thủ đô sau ngày sát nhập. Theo đó, có 58 dự án được tiếp tục triển khai bình thường,153 dự án tiếp tục triển khai nhưng cần điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với định hướng chung thủ đô mở rộng.

Nhưng đây chưa phải là căn cứ cuối cùng để xem xét dự án có được tồn tại hay không. Hà Nội còn tiếp tục rà soát, xem có phù hợp với quy hoạch vùng thủ đô và các quy hoạch khác hay không, sau đó dự kiến báo cáo Chỉnh phủ vào tháng 6 tới. Lúc đó, theo ông Bình, mới biết số phận chính thức các dự án ra sao.

Chủ đầu tư các dự án bị loại sẽ được đền bù?

Dự kiến, đến tháng 10-2010 mới có bản quy hoạch thủ đô do tư vấn nước ngoài phối hợp với tư vấn trong nước lập. Từ nay đến đó, phê duyệt, cấp phép các dự án đầu tư mới vẫn không ngưng trệ, mà theo trình tự: lãnh đạo Hà Nội sẽ phê duyệt, chuyển Bộ Xây dựng và hai nơi này trình lên Thủ tướng quyết định có chấp thuận hay không.

“Đối với các nhà đầu tư, các chủ đầu tư có đồ án, dự án trong nhóm phải dừng hẳn, thành phố sẽ nghiên cứu, tùy theo mức độ đã đầu tư để đề xuất phương án xử lý, đền bù hợp lý, đảm bảo quyền lợi, tránh thiệt thòi cho nhà đầu tư”, ông Bình trả lời đại biểu Phạm Thị Loan.

Trao đổi với TBKTSG Online trong giờ giải lao giữa phiên chất vấn, bà Loan cho rằng, cách trả lời như vậy chưa thỏa đáng, thậm chí các nhà đầu tư chân chính còn lo lắng thêm bởi biết xác định đâu là tiêu chí hợp lý để đền bù cho nhà đầu tư, trong khi những thiệt hại của họ, nếu bị tạm dừng vì không hợp quy hoạch là khó có thể tính hết.

Nhiều đại biểu khác chất vấn về số lượng dự án được các địa phương có liên quan tiếp tục ký sau khi Thủ tướng đã ký quyết định ngừng cấp để phục vụ cho việc rà soát quy hoạch, mở rộng thủ đô. “Có 72 dự án vẫn được phê duyệt trong 4 tháng, kể từ ngày Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng rà soát quy hoạch cho đến ngày thông qua nghị quyết mở rộng thủ đô (từ 4-3-2008 đến 1-8-2008)”, ông Bình nói.

Đại biểu khác chất vấn: nhiều dự án không triển khai sau 12 tháng được chấp thuận về quy hoạch, theo Luật Đất đai và Luật Đầu tư là phải thu hồi thì thành phố đã làm đến đâu? Và thành phố có nắm được tình hình sinh sống của người dân các địa bàn bị thu hồi đất làm dự án nhưng từ đó đến nay, dự án vẫn “treo”?

Vẫn Phó chủ tịch Phí Thái Bình nói rằng, thành phố đã lập các đoàn công tác đi kiểm tra tình hình tuân thủ việc chấp hành các nghĩa vụ đối với Nhà nước và người dân của các chủ đầu tư. Ông cho hay, có 72 dự án được gọi là ký “nóng” trước ngày thủ đô sát nhập và các dự án này cũng nằm trong diện rà soát như các dự án nêu trên.

“Phải thăm khám tình hình sức khỏe của các chủ đầu tư, xem xét tình hình năng lực tài chính của các chủ đầu tư và chủ đầu tư nào không chứng minh được khả năng tài chính trong giai đoạn hiện tại, sẽ bị thu hồi dự án”. Vẫn ông Bình nói, và nhận ra rằng, kết quả là ở nhiều dự án đầu tư, vì mục đích lợi nhuận, chủ đầu tư đã bỏ qua cam kết xây dựng hạ tầng xã hội như nhà trẻ, trường học nên nhiều dự án chỉ hoàn tất việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Lãnh đạo Hà Nội hứa rằng, sẽ bắt buộc các chủ đầu tư cam kết về việc hoàn tất hạ tầng xã hội trước khi đưa dân đến các nơi ở mới (với các dự án dân phải tới địa điểm tái định cư để thu hồi đất cho các dự án).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới