Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tiêu dùng Trung Quốc tiếp tục ảm đạm

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đà phục hồi của Trung Quốc có dấu hiệu mất thêm động lực khi sức mua của người tiêu dùng, từ du lịch đến xe hơi và nhà cửa tiếp tục ảm đạm.

Cuộc đua thuyền trong dịp lễ hội thuyền rồng ở Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông hôm 22-6. Ảnh: Getty

Theo dữ liệu chính thức được công bố vào cuối tuần qua, chi tiêu cho du lịch nội địa trong kỳ nghỉ lễ hội thuyền rồng (từ ngày 22 đến 24-6) ở Trung Quốc thấp hơn so với mức trước đại dịch. Số liệu doanh số bán nhà cũng ở dưới mức của những năm trước. Theo dữ liệu của Zhugefang, chỉ có tổng cộng 4.547 căn hộ được bán ở 10 thành phố lớn của Trung Quốc trong dịp lễ hội thuyền rồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2020

Hiệp hội xe du lịch Trung Quốc cho biết, doanh số bán lẻ xe du lịch trong tháng 6 dự kiến đạt tổng cộng khoảng 1,83 triệu chiếc, thấp hơn con số 1,94 triệu chiếc vào tháng 6-2022.

Đà phục hồi của tiêu dùng sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát Covid-19 là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, niềm tin của người tiêu dùng còn yếu và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nền kinh tế có thể cần thêm chính sách hỗ trợ.

Sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cắt giảm lãi suất chính sách vào đầu tháng này, các nhà kinh tế dự báo giới chức trách ở Bắc Kinh sẽ tung ra nhiều biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ hơn. Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây đã đăng một loạt bài viết  gợi ý về các chính sách kích thích có thể thực hiện.

Lu Ting, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Nomura Holdings, cho rằng mức chi tiêu yếu trong lễ hội thuyền rồng vừa qua cho thấy động lực phục hồi của ngành dịch vụ liên quan trực tiếp đến con người đang trở nên mờ nhạt. Thêm vào đó, mức chi tiêu trung bình cho mỗi chuyến du lịch cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019. Điều này phản ánh sự dè xẻn chi tiêu hoặc sức mua suy giảm.

“Khi nhu cầu bị dồn nén giảm dần và nguy cơ kinh tế chùng xuống rõ rệt trở nên hiện thực hơn trong những tháng tới, chúng tôi cho rằng mức tăng trưởng tiêu dùng dịch vụ trực tiếp ở Trung Quốc sẽ yếu hơn nữa”, Lu Ting nhận định.

Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục suy yếu với chỉ số CSI 300 có lúc giảm tới 1,6% trong phiên giao dịch hôm 26-6. Cổ phiếu của các công ty hàng tiêu dùng thiết yếu và tài chính nằm trong số các cổ phiếu giảm giá mạnh nhất.

Willer Chen, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại Forsyth Barr Asia, cho rằng chứng khoán của trung Quốc suy giảm một phần là do dữ liệu du lịch nghỉ lễ thuyền rồng không tốt bằng kỳ nghỉ lễ Lao động quốc tế hồi tháng 5.

Theo một số nguồn tin, tuy không phải tất cả các dữ liệu gần đây đều ảm đạm, chẳng hạn Tân Hoa xã cho biết, doanh thu phòng vé rạp phim ở Trung Quốc đạt mức cao thứ hai trong lịch sử trong kỳ nghỉ lễ thuyền rồng nhưng nhiều chỉ số cho thấy chi tiêu không đạt được động lực.

Tờ 21st Century Business Herald đưa tin, doanh số bán nhà tại các thành phố lớn ở Trung Quốc giảm trong những tuần đầu tiên của tháng 6 và trong thời gian nghỉ lễ

Các lo ngại về triển vọng tăng trưởng làm dấy lên các đồn đoán về khả năng Bắc Kinh tăng cường chính sách  kích thích trong năm nay.

Tuần trước, ông Vương Hỗ Ninh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc, tổ chức cuộc họp để thảo luận về các đề xuất chính sách nhằm phục hồi tiêu dùng. Sau đó, hai tờ báo chứng khoán nhà nước đã đăng một loạt đề xuất của các nhà phân tích về các lựa chọn chính sách mà Bắc Kinh có thể xem xét.

Theo Tạp chí chứng khoán Trung Quốc, một biện pháp tài khóa được khuyến nghị là đẩy nhanh kế hoạch bán trái phiếu chính quyền địa phương đặc biệt, là nguồn tài trợ quan trọng cho các dự án cơ sở sở hạ tầng. Trong khi đó, Shanghai Securities News dự báo việc nới lỏng tiền tệ hơn nữa, bao gồm cắt giảm lãi suất và lượng tiền mặt mà các ngân hàng cần dự trữ , có thể sẽ diễn ra trong nửa cuối năm nay.

Tuy nhiên, theo Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương của S&P Global Ratings, bất kỳ gói kích thích nào cũng khó có thể có quy mô lớn. S&P Global Ratings đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2023 của Trung Quốc từ 5,5% xuống 5,2%, với lý do kinh tế phục hồi không đồng đều.

Kuijs cho rằng, để vực dậy tăng trưởng, Bắc Kinh có thể xem xét các biện pháp như nới lỏng các hạn chế mua nhà ở cũng với xem xét hỗ trợ tài chính cho tiêu dùng

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới