Thứ bảy, 26/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tiểu thương phản ứng với thịt heo “sạch” VietGAP

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tiểu thương phản ứng với thịt heo “sạch” VietGAP

Bảo Uyên

Tiểu thương phản ứng với thịt heo “sạch” VietGAP
Thịt heo được bày bán ở chợ Hòa Bình - Ảnh: Bảo Uyên

(TBKTSG Online) – Một số tiểu thương kinh doanh thịt heo sỉ và lẻ tại chợ Hòa Bình ở Quận 5 đã phản ứng với các điểm bán thịt heo sạch VietGAP do Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ bán thí điểm tại chợ này vì cách quảng cáo của An Hạ bị xem là cạnh tranh không lành mạnh.

“Bán ở đây hơn chục năm rồi, quầy nào cũng có mối bỏ sỉ cả nên đến giờ nguồn ra vẫn ổn định. Chúng tôi chỉ không hài lòng với cách quảng cáo của người bán thịt heo VietGAP,” chị T. Hương, chủ một quầy thịt heo cho biết.

Cụ thể, các tiểu thương ở đây cho rằng việc quảng cáo thịt heo VietGAP là nguồn thịt sạch duy nhất hiện nay được bán tại chợ Hòa Bình của Công ty An Hạ là không đúng sự thật. “Nói vậy chẳng khác nào bảo thịt của chúng tôi là thịt bẩn, không rõ nguồn gốc, làm khách hiểu nhầm. Rất bất công cho chúng tôi,” một tiểu thương bức xúc.

Trước đó, nhiều chủ quầy thịt heo ở chợ Hòa Bình cho rằng, quầy hàng của họ từ tháng 10-2014 đã được Lifsap (Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm do Ngân hàng Thế giới tài trợ) giúp đầu tư nâng cấp sạch sẽ, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh; nguồn hàng chính được bán hiện nay là thịt heo Vissan và đều qua kiểm dịch của Trạm thú y Quận 5.

“Chúng tôi chỉ muốn được cạnh tranh công bằng với thịt heo VietGAP,” một tiểu thương khẳng định.

Bên cạnh đó, các tiểu thương cũng cho rằng, kích thước bảng hiệu, bảng giá trong chợ đều giống nhau; trong khi đó, chữ trên băng rôn của quầy thịt heo VietGAP lớn hơn là không công bằng.

Trước phản ứng của tiểu thương, Ban quản lý chợ Hòa Bình đã phải yêu cầu An Hạ treo lại bảng hiệu, bảng giá có kích cỡ chữ đồng đều với các quầy thịt khác và bảng hiệu chỉ còn ghi “quầy thịt heo VietGAP” và gỡ bỏ chữ “sạch”.

Theo bà Nguyễn Thị Như Phương, Phó Ban Quản lý chợ Hòa Bình, các quầy kinh doanh thịt ở chợ là xã viên hợp tác xã, mậu dịch viên của Vissan và các hộ cá thể. Nguồn thịt heo bán ở chợ đều được Trạm Thú y của quận kiểm tra hằng ngày. Các tiểu thương đều có giấy chứng nhận sức khỏe định kỳ để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

" Chúng tôi cũng đã cố giải thích cho họ hiểu thịt VietGAP sạch khác với chuẩn thường như thế nào. Quan điểm của ban quản lý chợ lúc này là cố gắng dung hòa cho cả hai phía,” bà Phương cho biết.

Trao đổi với TBKTSG Online về vụ việc trên, bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, cho hay đang phải chịu sức ép rất lớn từ các tiểu thương bán thịt heo tại chợ.

“Để tránh tình trạng như hiện nay, sắp tới, công ty sẽ thuê mặt bằng ở phía ngoài chợ Tân Định (Quận 1) để kinh doanh. Vì kinh phí thuê mặt bằng tăng lên nên giá thịt lúc ấy cũng có thể tăng lên thêm 5.000-10.000 đồng/kg,” bà Thắm nói.

Thịt heo VietGAP là một trong những kết quả của dự án Cạnh tranh nông nghiệp và an toàn thực phẩm (Lifsap) do Ngân hàng Thế giới tài trợ từ năm 2010 tại TPHCM và một số địa phương khác. Sản phẩm đạt các tiêu chí an toàn về kim loại nặng, thuốc kháng sinh và đặc biệt là chất cấm tăng trọng, do những hộ chăn nuôi được dự án hỗ trợ áp dụng mô hình nuôi heo an toàn (VietGAP) cung cấp.

Hiên trên địa bàn thành phố đã có 5 điểm bán lẻ thịt heo VietGAP do Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (đơn vị bao tiêu và phân phối heo VietGAP tại TPHCM) triển khai.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới