Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tìm cách giải cơn khát nhân lực cho chuyển đổi số

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong giai đoạn khó khăn và biến động của nền kinh tế, chuyển đổi số được khuyến nghị như một giải pháp mang lại cơ hội mới thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển. Nhiều công việc sẽ được ứng dụng các giải pháp công nghệ nhằm nâng cao năng suất của nhân viên và hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, khi hoạt động chuyển đổi số diễn ra trên quy mô càng rộng thì nguồn nhân lực càng thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng.

Việt Nam cần thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy nguồn nhân lực số, một trong những yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế số. Ảnh minh họa: TL

Thiếu hụt nhân lực cho công nghệ số trên diện rộng

Theo số liệu Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số công bố hồi tháng 8, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) trên tổng số lao động của Việt Nam ước đạt 1% trong tổng số 51 triệu lao động. Về kỹ năng, Việt Nam chưa có chuẩn kỹ năng số quốc gia mà chỉ có chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT được ban hành từ 2014.

Chính phủ đang đặt ra mục tiêu đến năm 2030 kinh tế số sẽ chiếm 30% GDP của Việt Nam (tỷ lệ hiện nay là 10%). Song, theo các chuyên gia để đạt được mục tiêu này thì Việt Nam phải thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy nguồn nhân lực số – một trong những mấu chốt quan trọng để phát triển kinh tế số.

Đề cập đến kế hoạch phát triển trong tương lai của doanh nghiệp mình, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn CMC, nói rằng đến năm 2025 CMC sẽ trở thành doanh nghiệp toàn cầu với doanh thu 1 tỉ đô la Mỹ và quy mô hơn 10.000 nhân sự. Hiện tại, với đội ngũ 4.200 người, CMC có nhu cầu rất lớn về tuyển dụng nhân sự nhưng gặp khó khăn bởi nguồn cung trên thị trường không đáp ứng đủ.

Nói về tình trạng thiếu nhân lực CNTT nói chung, ông Chính đã đưa ra số liệu thống kê từ CMC cho thấy, nhu cầu về nguồn nhân lực CNTT hiện rất cao nhưng các trường đại học hiện nay chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng. Về số lượng, thực tế mới đáp ứng khoảng 25% nhu cầu. Trong khi đó, đến năm 2030, thị trường cần đến 1,5 triệu nhân lực CNTT.

Một tập đoàn công nghệ thông tin lớn khác là FPT hiện đang có khoảng 60.000 nhân viên. Tuy nhiên, tại một sự kiện mới đây, lãnh đạo tập đoàn này cho biết họ đang có tham vọng đạt được con số một triệu nhân lực để trở thành tập đoàn lớn ở quy mô toàn cầu.

Còn phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (Diễn đàn Make in Việt Nam) diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã thông qua chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030 tầm nhìn 2045. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, nước ta phải tăng trưởng 7%/năm, kinh tế số chiếm 30% GDP của Việt Nam (tỷ lệ hiện nay là 10%)…

Ông cho rằng Việt Nam có các vấn đề phải giải quyết để đạt được mục tiêu trên như: thay đổi thể chế, các vướng mắc từ các thông tư, Nghị định, luật pháp phải thay đổi mạnh mẽ… Bên cạnh đó cần phải tập trung hơn vào nhân lực CNTT.

Tại phiên chất vấn trước Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nhân lực làm việc trong lĩnh vực CNTT tại nước ta hiện xấp xỉ 1,2 triệu. Tuy nhiên, nếu tính nhân lực có trình độ cao đẳng trở lên chỉ khoảng 550.000 người.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu dẫn chứng các nước châu Âu đặt mục tiêu đến năm 2030 có 5% dân số làm việc trong ngành CNTT. Nếu Việt Nam đặt mục tiêu 2-3%, sẽ cần khoảng 2-3 triệu nhân sự. Trong khi đó, mỗi năm các trường đại học và cao đẳng của Việt Nam chỉ đào tạo được khoảng 60.000-70.000 cử nhân.

Giải pháp đột phá từ khâu đào tạo

Để đạt được mục tiêu nhân lực như nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng phát triển đại học số chính là một trong những giải pháp đột phá, bởi đào tạo theo cách truyền thống đã đạt đến mức giới hạn.

Ông dẫn thông tin Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục năm nay sẽ cấp 5 giấy phép về thí điểm đại học số. Nếu được thí điểm sớm, đây sẽ là một trong các giải pháp giúp nhanh chóng có được nguồn nhân lực công nghệ số, không chỉ phục vụ chuyển đổi số tại Việt Nam mà cả những thị trường khác.

Giữa tháng 11 vừa qua, CMC đã ra mắt Trường Đại học CMC hoạt động theo mô hình đại học số. Ông Nguyễn Trung Chính cho hay, CMC muốn đầu tư vào giáo dục trước hết để có nguồn nhân sự chất lượng cao cho tương lai nhằm phục vụ nhu cầu của chính đơn vị mình, sau đó là góp phần đào tạo nhân lực cho xã hội.

Phát biểu tại lễ ra mắt đại học số CMC, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho rằng mô hình đại học số như đại học CMC là lời giải cho bài toán về nhân lực số mà Việt Nam đang rất cần.

Trường Đại học CMC đặt mục tiêu trở thành một đại học công nghệ với quy mô từ 20.000-30.000 sinh viên vào năm 2039. CMC mong muốn cùng các doanh nghiệp công nghệ khác đưa Việt Nam trở thành quốc gia cung cấp dịch vụ số cho toàn cầu, trở thành trung tâm (digital hub) của khu vực thông qua việc đóng góp về nhân lực, bên cạnh công nghệ và kinh doanh.

Trước đó, từ cuối năm 2015, Tập đoàn FPT đã ra mắt Đại học trực tuyến FUNiX cấp bằng cử nhân công nghệ thông tin, các chứng chỉ nghề nghiệp và kỹ năng mềm.

Ông Nguyễn Thành Nam, nhà sáng lập của Đại học FUNiX cho biết trong tương lai gần, việc học CNTT không chỉ dành cho những người làm nghề mà công nhân, nông dân, nhân viên văn phòng… cũng cần biết để nâng cao năng suất lao động.

Theo số liệu mà Funix cung cấp trên website chính thức của trường, sau 7 năm hoạt động, đến nay đã có gần 20.500 học viên ở các tỉnh thành trong nước và 34 quốc gia trên toàn cầu.

Các chuyên gia công nghệ hy vọng rằng, sau những giai đoạn học tập và làm việc trực tuyến khi đại dịch Covid-19 diễn ra, người Việt sẽ quen thuộc dần hơn với hình thức học trực tuyến, và các trường đại học số sẽ có tính thu hút hơn đối với sinh viên.

Đại học số đang được kỳ vọng là giải pháp đột phá cho nhân lực số. Ảnh minh họa: DNCC

Theo giới phân tích, đại học số đang được kỳ vọng sẽ là giải pháp tốt nhằm cung cấp lượng nhân lực CNTT đang thiếu hụt trầm trọng.

Tại một hội thảo chuyên ngành, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, với mục tiêu 1 triệu nhân lực CNTT, phải có những giải pháp đặc biệt và đột phá trong đào tạo, nếu không thì không thể thực hiện được. Chẳng hạn, đại học số là giải pháp quan trọng nhưng cần lưu ý, không thể duy trì các quy định đào tạo như trước đây.

Tại một phiên họp giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và doanh nghiệp gần đây, ông Nguyễn Trung Chính Chủ tịch CMC, đề xuất muốn thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia cần phải tập trung phát triển nguồn nhân lực số. Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực nêu trên, ông đồng tình với giải pháp của Chính phủ là xây dựng thí điểm đại học số để giải quyết bài toán tăng quy mô nhân sự và vẫn đảo bảo chất lượng.

CMC đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thay đổi một số quy chế, quy định như: số học phần đào tạo trực tuyến theo quy định hiện giờ chỉ được chiếm khoảng 30% thời gian đào tạo. Đây là điểm hạn chế khi triển khai đại học số và xu hướng học trực tuyến lên ngôi. Quy mô tuyển sinh năm 2021 là 82.000 sinh viên trên tổng số 300.000 sinh viên có nhu cầu nhập học. Như vậy số lượng đầu vào chỉ đáp ứng 24% nhu cầu nhập học. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng quy mô tuyển sinh để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng các trường đại học số, đại học trực tuyến cần truyền thông quảng bá mạnh mẽ để nhiều người biết đến cách thức và lợi ích của hình thức đào tạo này, nhằm thu hút sinh viên. Chính phủ cũng cần đưa ra những chính sách khuyến khích nhân lực chọn học ngành CNTT.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới