(KTSG Online) – Hướng đến du lịch bền vững, phát triển kinh tế hướng đến tất cả các tầng lớp trong hệ sinh thái du lịch... cũng như nhiều ý tưởng khác về phát triển du lịch xanh đã được các doanh nghiệp, chuyên gia và cơ quan quản lý nhà nước trao đổi trong cuộc tọa đàm diễn ra hôm nay, 9-6, tại tỉnh Quảng Nam.
Buổi tọa đàm “Quảng Nam – Phát triển du lịch xanh” được tổ chức tại làng cổ Lộc Yên thuộc huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng Hiệp hội Du lịch Quảng Nam tổ chức.
Hiến kế làm du lịch cho làng cổ
Làng Lộc Yên hiện nay còn lưu giữ 8 ngôi nhà cổ có niên đại từ trên 100 năm tuổi, được xây dựng theo kiểu thức nhà ba gian hai chái bên cạnh văn hóa đá. Đá được dùng vào việc phân tầng, bậc cho các bờ vườn trên những sườn đồi, đá để xây ngõ, lát lối đi, dùng vào việc xây nhà, xây giếng nước, xây chuồng cho gia súc và cả việc xây mộ cho người quá cố…
Theo ông Phùng Văn Huy, Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, Lộc Yên sở hữu nhiều nhà vườn, di tích và danh thắng thiên nhiên. Tuy nhiên nơi đây chưa tạo được hệ sinh thái du lịch, bao gồm lưu trú, ẩm thực, văn hóa văn nghệ…
“Việc chưa được đầu tư bài bản là một lợi thế và thuận lợi cho Lộc Yên để làm du lịch xanh vì không tốn quá nhiều chi phí chuyển đổi mô hình cũng như quy hoạch đầu tư”, ông Huy cho biết.
Ông Vương Đình Mạnh, Tổng giám đốc La Siesta Hội An Resort & Spa, lấy dẫn chứng từ cơ sở của mình – nơi đang theo đuổi mô hình khu nghỉ dưỡng không rác thải nhựa sử dụng một lần – cho rằng người làm dịch vụ tại Lộc Yên phải luôn nói với khách về những tiêu chí của mình liên quan đến xanh, bền vững, thân thiện với môi trường. Đó có thể là không dùng bao nylon và hạn chế rác thải, từ đó khách sẽ có sự háo hức, đồng hành tham gia cùng cộng đồng du lịch.
“Mỗi nhà cổ tại Lộc Yên có thể xem như một villa, ứng dụng các quy trình xanh thì cả làng Lộc Yên sẽ thành một khu du lịch xanh”, ông Mạnh nói và cho hay Lộc Yên là nơi có một không hai tại miền Trung với những đặc trưng văn hóa của mình và không nên phát triển nóng như nhiều nơi khác trên cả nước.
Bà Phạm Quế Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ du lịch Hội An Express, có đồng quan điểm khi nói rằng Lộc Yên có thể phát triển chậm nhưng bền vững, trở thành một điểm đến xanh, sinh thái trong chuỗi cung ứng du lịch tại Quảng Nam.
Trong khi đó, ông Trần Lực, Phó giám đốc Saigontourist – Chi nhánh Đà Nẵng, cho biết ông ủng hộ Lộc Yên hay các địa phương khác làm du lịch xanh, tuy nhiên các điểm đến cần có chất lượng sản phẩm thay thế, đảm bảo xanh và hài lòng cho du khách một cách bền vững và lâu dài chứ không chỉ ở quy mô nhỏ lẻ.
“Bên cạnh đó, chúng ta cần giúp du khách hiểu hơn về du lịch xanh trong khi tìm hiểu tour vì nhiều du khách hiện nay hiểu du lịch xanh chỉ là sinh thái, gắn với cây cỏ và đến để check-in”, ông Lực nói. Theo ông, những vấn đề nhạy cảm nhưng quan trọng như nhà vệ sinh và thùng đựng rác cần phải được đầu tư và quản lý bài bản thì mới thu hút được dòng khách “xanh”.
Về gợi ý sản phẩm xanh cho Lộc Yên, doanh nhân Lê Ngọc Thuận, chủ nhà hàng ẩm thực và nghệ thuật Coco Casa tại thành phố Hội An, giới thiệu mô hình biến những thanh củi bỏ đi, trôi dạt sau những đợt mưa lũ hằng năm thành những tác phẩm nghệ thuật.
“Chúng tôi sẵn sàng kết nối các homestay và mô hình sinh thái để làm, kinh doanh sản phẩm nghệ thuật từ củi lụt. Một sản phẩm từ củi lũ có thể được bán với giá 1.000 đô la vì chúng ta không chỉ bán sản phẩm mà còn bán câu chuyện bên trong sản phẩm”, ông Thuận nói. Ông cho rằng nếu muốn làm du lịch xanh, bền vững thì làng cổ Lộc Yên cần tạo một hệ sinh thái du lịch cộng đồng với sự tham gia của nhiều người. Các homestay, villa tại Tiên Phước nên làm theo mô hình dựa vào nông thôn, gần gũi, hướng đến thiên nhiên. Bên cạnh đó, mô hình ẩm thực, tour trải nghiệm, xe đạp gắn liền với môi trường sẽ là giải pháp hữu hiệu bên cạnh xử lý rác thải, văn hóa ứng xử và tiếng ồn.
Những thách thức phát triển du lịch xanh
“Người dân làng cổ Lộc Yên yêu làng của họ, cuộc sống của họ, họ có bản sắc riêng nên đủ cơ sở để phát triển bền vững”, ông José Sánchez Barroso González, Phó lãnh sự danh dự của Tây Ban Nha tại Đà Nẵng, nói và cho biết chính quyền cần tạo điều kiện, chính sách về tài chính ban đầu cho những điểm đến làm du lịch xanh như làng cổ Lộc Yên cũng như doanh nghiệp để phát triển theo hướng du lịch xanh.
Lấy ví dụ từ việc phát triển du lịch tại quê hương mình, ông González cho hay phát triển du lịch xanh có nghĩa là hướng đến du lịch bền vững, phát triển kinh tế hướng đến tất cả các tầng lớp trong hệ sinh thái du lịch.
Cụ thể, phát triển du lịch dựa vào ba yếu tố là tạo công ăn việc làm cho mọi người, giảm ảnh hưởng tác động đến môi trường xung quanh và đảm bảo quyền lợi cho tất cả người tham gia vào hoạt động du lịch.
Theo nhà ngoại giao có hơn 10 năm sinh sống tại Việt Nam, yếu tố cốt lõi để phát triển bền vững là giới thiệu đến du khách những cái bản sắc mà mình yêu quý, không sao chép. Vì vậy, ông nhấn mạnh yếu tố bảo tồn bản sắc hơn là xây dựng mới để làm du lịch.
Đồng ý với các yếu tố phát triển du lịch bền vững mà ông González đưa ra, ông Hà Thanh Hải, chuyên gia cao cấp Chương trình du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP), cho hay đến nay thực hiện hóa các yếu tố trên cũng như các tiêu chí du lịch xanh đang gặp nhiều thách thức.
Về phía doanh nghiệp, theo ông Hải, đa phần họ không nhìn thấy lợi ích làm du lịch xanh mà chỉ thấy trách nhiệm. “Họ cho rằng doanh nghiệp nhỏ không cần theo tiêu chí/ tiêu chuẩn và không có thời gian và nhân lực để làm hay thêm tiêu chuẩn/tiêu chí là thêm phức tạp”, ông nói và cho biết thêm chưa có sự giám sát chi phí chuyên nghiệp nên các doanh nghiệp chưa nhìn thấy được lợi ích của phát triển du lịch xanh.
Tại buổi tọa đàm, đại diện Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch Quảng Nam cũng đưa ra những quan điểm của mình về phát triển du lịch xanh.
Cụ thể, một số mô hình/sản phẩm du lịch xanh - kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp tại Quảng Nam cũng đang dần hình thành như mô hình nông nghiệp hữu cơ tại làng Thanh Đông; mô hình tái chế rác thải du lịch thành sản phẩm thông dụng trong đời sống tại làng du lịch cộng đồng Gò Nổi; sản phẩm điêu khắc quà tặng du lịch được tái chế từ rác thải biển của Coco Casa; tour du lịch xanh tuần hoàn và tái chế của Sea’lavie Boutique Resort & Spa và cộng đồng làng chài Tân Thành (Hội An); tour du lịch xanh của Eco Tour, khu nghỉ dưỡng xanh như Lasiesta, SilkSence…
Quảng Nam cũng có hoạt động trải nghiệm du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đã có các tour phục vụ du khách như "Một ngày làm nông dân phố Hội" ở các vùng ven như làng Trà Quế, An Mỹ, Cẩm Nam, rừng dừa Bảy Mẫu, làng chài Cù Lao Chàm, làng gốm Thanh Hà... hay nhiều mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng dân tộc miền núi được du khách biết đến, như: làng dệt thổ cẩm Zara, làng BờHoong, làng Talang, làng cổ Lộc Yên, du lịch trang trại…
Tuy nhiên, đến nay mới có khoảng gần 50 doanh nghiệp trong tổng số gần 700 doanh nghiệp du lịch tại Quảng Nam tham gia áp dụng bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam, một bước đệm để phát triển du lịch xanh.
Ngoài những thách thức doanh nghiệp đưa ra, ông Văn Bá Sơn, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Nam, nhìn nhận hiện nay chưa có chính sách ưu đãi hỗ trợ cho cho doanh nghiệp, nhà đầu tư theo hướng xanh, bền vững (ưu đãi các loại thuế, nguồn vốn vay…) vì nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn hoặc chi phí chuyển đổi cao. Bên cạnh đó, lực lượng lao động được trang bị kiến thức, kỹ năng làm du lịch xanh cũng là một thách thức cần giải quyết.
“Những góp ý từ doanh nghiệp và chuyên gia tại buổi tọa đàm hôm nay là rất hữu ích để ngành du lịch Quảng Nam tiếp tục lên kế hoạch phát triển du lịch xanh phù hợp trong thời gian tới. Ví dụ như Lộc Yên sẽ cần những bàn tay nghệ sĩ để phát họa nên bức tranh của mình, hướng đến du lịch xanh”, ông Sơn cho hay.