(KTSG Online) - Với sức mua thị trường hàng mây tre lá thế giới lên đến trên 40 tỉ đô la mỗi năm, việc xây dựng một ngành mây tre lá phát triển bền vững sẽ đem lại cơ hội rất tốt cho Việt Nam trong việc phát triển ngành nghề nông thôn, tạo việc làm và thu nhập cho người dân nông thôn, từ đó giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu bền vững để sản xuất và xuất khẩu.
- Góc nhìn từ chuyện chi phí sản xuất nông nghiệp tăng quá cao
- Quảng Nam phát triển vùng sâm Ngọc Linh
Thông tin trên được ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, chia sẻ tại tọa đàm “Xây dựng nguồn nguyên liệu mây tre lá bền vững, góp phần phát triển ngành nghề nông thôn ở Việt Nam” thông qua Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) diễn ra hôm nay, 10-8. Sự kiện do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức.
Ông Todd R. Johnson, chuyên gia về rừng và biến đổi khí hậu của USAID, cho rằng phát triển vùng nguyên liệu mây tre lá không chỉ giúp doanh nghiệp có nguồn sản xuất mà còn giúp bà con sống dựa vào rừng có nguồn thu nhập ổn định. Doanh nghiệp sẽ có lợi thế cạnh tranh khi tham gia chuỗi xuất khẩu mây tre lá này.
Tuy nhiên, để có thể tận dụng những cơ hội trên, theo các doanh nghiệp và những người trong cuộc, có nhiều thách thức cần phải giải quyết.
Ông Lê Bá Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft), thông tin nguồn nguyên liệu mây tre lá đang bị suy giảm nghiêm trọng và thiếu sự quy hoạch tổng thể.
“Trong số 1,5 triệu ha tre, chúng ta có 210.000 ha trồng. Tuy nhiên lượng tre thoái hóa không dùng được chiếm số lượng lớn. Có những nơi đường vào khai thác không có nên người dân để chết không thu hoạch vì chi phí lấy tre vận chuyển cao hơn giá bán với 600 đồng/kg”, ông Ngọc đưa ra ví dụ. Ông cho biết thêm, vùng nguyên liệu có chứng chỉ (FSC – Quản lý rừng) còn ít (5.384 ha) và chưa liên kết tốt với thị trường để đem lại lợi ích cao hơn cho người trồng.
Theo ông Ngọc, Việt Nam chưa có vùng nguyên liệu mây có chứng chỉ FSC và chưa đến 20% doanh nghiệp mây tre lá Việt Nam có thể đáp ứng được một số tiêu chuẩn hợp chuẩn, điều này làm giảm cơ hội để doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ông Lê Thái Tính, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu Vĩnh Long, quan tâm đến vấn đề lao động. Theo ông Tính, lao động làng nghề xu hướng giảm trong dài hạn. “Chính sách truyền thông, đào tạo cho lực lượng lao động nhàn rỗi ở các địa phương một cách hiệu quả là giải pháp nhằm tối ưu hóa lực lượng lao động làng nghề tham gia hoạt động sản xuất và tăng thu nhập”, ông Tính nói. Ông cho hay lực lượng đông và tay nghề cao là rất cần thiết cho ngành đặc thù này. Riêng tại công ty của mình, ông Tính cho biết có 20.000 lao động trực tiếp và gián tiếp trên khắp cả nước để khai thác và sản xuất các sản phẩm khác nhau.
Ở khía cạnh chuyên gia, bà Diệp Thị Mỹ Hạnh từ Làng tre Phú An (Bình Dương), đề xuất xây dựng con đường tre để giúp cải thiện cuộc sống người dân, ứng phó với biến đổi khí hậu bên cạnh nối liền những cộng đồng dân tộc sống xung quanh cây tre với những người làm khoa học để cùng nhau phát triển bền vững cây tre và gìn giữ môi trường.
Cũng trong khuôn khổ tọa đàm, lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do USAID tài trợ với 4 công ty và hợp tác xã trong ngành hàng mây tre lá được tổ chức, gồm Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Lục Đông, Công ty TNHH Đức Phong, Công ty TNHH SX & TM Bamboo Vina, Hợp tác xã Làng nghề truyền thống mây tre đan Xóm Bui.
Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay Thủ tướng chính phủ vừa ban hành Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7-7-2022 về việc “phê duyệt chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030”.Trong đó, Việt Nam đặt mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công do các làng nghề sản xuất đạt 4 tỉ đô la đến năm 2025 và đạt 6 tỉ đô la đến năm 2030. Theo quyết định này, việc phát triển nguyên liệu tập trung phục vụ làng nghề cũng như xây dựng các mô hình làng nghề tiêu biểu gắn với vùng nguyên liệu có chứng chỉ bền vững được đặc biệt ưu tiên.