Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tìm cách thâm nhập sâu thị trường Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tìm cách thâm nhập sâu thị trường Trung Quốc

T.Thu

Tìm cách thâm nhập sâu thị trường Trung Quốc
Da giày là một trong những mặt hàng Trung Quốc có lợi thế. Ảnh: Thu Nguyệt

(TBKTSG Online) – Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của Trung Quốc đang tăng cao, và đây có thể là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tận dụng thị trường này, trong khi một số thị trường truyền thống khác đang có dấu hiệu suy giảm nhu cầu do suy thoái kinh tế.

Trong một buổi gặp gỡ doanh nghiệp hôm 9-9, ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc điều hành của Công ty cổ phần phân tích và dự báo thị trường Việt Nam (AgroMonitor), cho biết gần đây nhiều thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam để tìm mua nông sản, khiến nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc tăng mạnh.

"Dù việc này có nhất thời hay kéo dài, thì cũng cho thấy nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của nước này đang tăng cao, tạo cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam phải tìm hiểu nhu cầu thực của thị trường Trung Quốc để có chiến lược dài hơi", ông Diệu cho biết.

Sang tận nơi tìm hiểu nhu cầu

Đầu năm 2011, mít nguyên liệu trong nước được doanh nghiệp nội địa thu mua với giá 3.000 đồng/kg. Tuy nhiên thương nhân Trung Quốc chấp nhận mua với giá 12.000 đồng/kg.

Ngay lập tức, công ty Vinamit JSC đi tìm hiểu xem thương nhân Trung Quốc bán hàng ở đâu tại nước họ, với giá báo nhiêu. Công ty này phát hiện mặt hàng này được bán lại cho thị trường Trung Quốc với giá 150.000 đồng/kg. Vinamit sau đó đã tăng giá thu mua mít trong nước để cạnh tranh và đưa qua hàng qua Trung Quốc bán.

“Tôi nghĩ họ bán với giá cao vậy thì tại sao mình không làm. Doanh nghiệp Việt Nam phải sử dụng phương pháp này để đẩy mạnh thị trường”, ông Nguyễn Lâm Viên, chủ tịch của Vinamit cho biết.

Trong khi việc kinh doanh của Vinamit tại thị trường nội địa bị giảm sút 20-30%, thì lại bật lên ở Trung Quốc. Hiện 80% sản lượng của Vinamit tập trung vào Trung Quốc, và sản phẩm Vinamit đã có mặt trong các siêu thị tại thị trường này.

Ông Phạm Quang Diệu cũng cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam nên tìm hiểu và mua bán trực tiếp với thị trường Trung Quốc thay vì thụ động để thương nhân Trung Quốc sang tận nơi thu mua.

Theo ông Viên, để tìm hiểu nhu cầu của Trung Quốc, doanh nghiệp nên biết tiếng Trung Quốc và hiểu văn hóa nước này. “Tôi nghĩ là do rào cản về ngôn ngữ, văn hóa làm cho chúng ta khó tiếp cận thị trường. Có ngôn ngữ mới hiểu được đối tác, sự tin tưởng gia tăng cao hơn”, ông Viên nói.

Vượt qua rào cản đầu tiên về ngôn ngữ, doanh nghiệp nên tiếp cận thật nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, để nắm bắt được thị trường vốn thay đổi thay nhanh này, theo ông Viên. Bản thân ông Viên cũng đã học tiếng Hoa để làm ăn với thị trường Trung Quốc.

Có chiến lược lâu dài

“Trung Quốc là thị trường tiềm năng và quan trọng, vì thế nên tính đến một chiến lược thị trường. Trong bộ phận kinh doanh của doanh nghiệp phải có những người am hiểu Trung Quốc để tìm hiểu họ một cách chủ động”, ông Diệu nói.

Bên cạnh việc tìm ra một địa bàn cụ thể tại Trung Quốc để thâm nhập, ông Viên cho rằng doanh nghiệp nên thuê những sinh viên Trung Quốc đang học tại Việt Nam để phân phối cho thị trường này, thay vì đi theo con đường từ thương lái mới đến thương nhân như Vinamit từng làm trước đây.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên có một chiến lược tăng giá hàng năm khi làm ăn tại thị trường này. Nguyên nhân là khách hàng Trung Quốc thường yêu cầu phải báo trước ba tháng cho mỗi lần tăng giá.

Việc tăng giá tại hệ thống phân phối ngoài siêu thị dễ dàng hơn tại các siêu thị. Tại Trung Quốc, nếu tăng giá mà không báo trước thì các siêu thị sẽ không nhận hàng, và đưa một sản phẩm khác vào thay thế, và khi đó doanh nghiệp sẽ rất vất vả để có thể quay lại siêu thị.

Việc đăng ký sở hữu thương hiệu cũng được coi là cần thiết khi làm ăn với thị trường Trung Quốc. “Thương hiệu là của mình, phải đăng ký thương hiệu để họ không động chạm vào thương hiệu của mình. Nếu họ yêu cầu độc quyền phân phối thương hiệu của mình tại Trung Quốc, thì phải quy định kỹ về doanh số, giá cả và phải tiếp cận được các đối tác phân phối của họ”, ông Viên nói.

Mặc dù đã đăng ký sở hữu thương hiệu, nhưng do quên đăng ký thương hiệu bằng tiếng Trung Quốc, nên Vinamit đã bị một khách hàng lâu năm lợi dụng sơ hở để đi đăng ký trước. Hiện Vinamit đã kiện đối tác này ra tòa án Trung Quốc, và theo ông Viên, khả năng thắng kiện của Vinamit là rất cao, vì chỉ cần chứng minh đây là đối tác lâu năm và việc họ lợi dụng sơ hở của Vinamit.

Hiện Trung Quốc cũng đưa ra rào cản kỹ thuật để hạn chế nhập thực phẩm của nước ngoài, nên doanh nghiệp cũng phải nắm rõ phương pháp kiểm dịch của Trung Quốc. “Nó thay đổi thường xuyên, nên phải cập nhật để ứng phó, nếu không sẽ bị đẩy hàng về, đặc biệt hàng trong siêu thị”, ông Viên cho biết thêm.

Ngoài ra, theo tiến sĩ Vũ Minh Khương, hiện đang giảng dạy tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học quốc gia Singapore), khi thâm nhập Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam nên tránh khai thác nhóm ngành mà nước này áp đảo hoặc chỉ khai thác được nếu nhắm vào thị trường ngách, gồm dệt may, đồ gỗ, thiết bị viễn thông, thuộc da, máy tính, khoáng sản không phải kim loại. Nhóm ngành doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác tại thị trường Trung Quốc là: thiết bị giao thông, cao su, nhựa, máy móc và thiết bị, sản phẩm giấy, hóa chất, thủy sản,…

Theo tiến sĩ Vũ Minh Khương, trong quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN, các nước ASEAN thường nhập khẩu nhiều hơn là xuất khẩu, nên thâm hụt thương mại cao, trong đó Việt Nam thâm hụt thương mại với Trung Quốc nhiều nhất. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, trong khi các nước ASEAN ráo riết khai thác thị trường Trung Quốc, thì Việt Nam lại lùi xa, cố gắng khai thác các thị trường khác và bỏ dần thị trường này do yếu tố tâm lý. Do đó, Việt Nam nên có chiến lược xúc tiến giao thương với Trung Quốc trong 5 năm tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới