Chủ Nhật, 20/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tìm chút “nhà quê” trong Tết Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tìm chút “nhà quê” trong Tết Sài Gòn

Nguyễn Vinh

Tìm chút “nhà quê” trong Tết Sài Gòn
Những thị dân trẻ tuổi có dịp trải nghiệm cảm giác dạo bước trên con đường rơm rạ ngay trên đường hoa Tết ở Phú Mỹ Hưng. Ảnh: Nguyễn Vinh

(TBKTSG Online) - Những vị trí đắc địa của Sài Gòn hiện đại bỗng chốc trở nên dễ chịu, nhường chỗ cho đồng quê tha hồ “đổ bộ”. Nghĩ vui, cứ như là một cuộc “nông thôn hóa đô thị” (urban ruralization) diễn ra trong mấy ngày Tết nhứt.

Cuộc "trỗi dậy" của nông thôn giữa lòng đô thị ba trăm năm tuổi đời này, trước hết, là chất liệu. Những lễ hội Đường Hoa ngày Tết hầu hết là sử dụng chất liệu mộc mạc đồng quê như mây, tre, trúc, cây vườn, sình lầy... Tất cả tái hiện khung cảnh dân dã mộc mạc nông thôn: hồ sen, bụi chuối, thuyền hoa, hương đồng cỏ nội, thậm chí cả nhà tranh vách đất (thứ mà cho đến giờ, muốn tìm được ở thôn quê cũng đỏ cả con mắt)… Càng thôn quê càng thỏa mãn mối xao xuyến trở về. Càng dân dã càng lay động ký ức cộng đồng.

Chất liệu làm nên cảnh quan, cảnh quan góp phần làm nên tâm trạng. Một chút sắc thái của chợ hoa Sài Gòn cũ còn thấp thoáng nét khẩn hoang trên đại lộ Hàm Nghi, nơi xưa kia từng rộn ràng trên bến dưới thuyền ít nhiều gợi nhắc trong lòng những cư dân lưu xứ về một miền quê nào đó xa lắc hoài niệm, một quê xứ chỉ còn ngắn ngủi vỏn vẹn vài ba từ trong trang gia phả hay lý lịch. Một chút vườn quê trên con lộ Nguyễn Lương Bằng hay góc hồ Bán Nguyệt ở quận 7 biến thành đồng lúa gợi nhắc bến sông ngày giáp Tết nào đó ở miền Tây hay mảnh đồng yên ả miền Trung xa xôi để giọng ca ngọt ngào Hương Lan văng vẳng tâm trí có dịp đánh thức nỗi rưng rưng cho những ai đã và đang mơ “được làm mây/ mà bay khắp nơi giang hồ/ghé chốn quê xưa xa rời từ cất bước ly hương” (Còn thương rau đắng mọc sau hè – Bắc Sơn)…

Những bạn trẻ thích thú với hình ảnh chuồng trâu được dựng lên ngay giữa đường hoa của đô thị hiện đại. Ảnh: Nguyễn Vinh

Cuộc đổ bộ của thôn quê diễn ra trong khoảnh khắc những ngày Tết ngắn ngủi ấy một lần nữa minh chứng cái thiếu sót của những nhà xã hội học đô thị cho rằng đô thị và nông thôn là hai thực tại văn hóa đối lập. Sự vận dụng triệt để các tiêu chí như giai tầng xã hội, lĩnh vực sản xuất, đời sống tinh thần cộng đồng để phân định những đối lập giữa đô thị và nông thôn có lẽ chỉ nên áp dụng ở những xã hội đô thị có truyền thống lâu đời và ổn định. Nó hoàn toàn lý trí không cần thiết với những hình thái xã hội đô thị có đặc thù xuất phát điểm là nông thôn, hay đô thị trong một xã hội mang đậm “tâm tính nông thôn” - sự phát triển của nó gắn liền và cộng hưởng với nông thông cách chặt chẽ.

Không gian làng quê gợi nhớ gốc gác bản quán bên cạnh đô thị kiểu mẫu hiện đại. Ảnh: Nguyễn Vinh

Trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, hẳn rằng đã có lúc chúng ta ném vào tai nhau hai chữ “nhà quê” với ẩn ý miệt thị hay chế nhạo. “Nhà quê” để chỉ cái nghễnh ngãng ngơ ngác thiếu nề nếp, “nhà quê” để chỉ cái tùy tiện thiếu kỹ luật, “nhà quê” cũng để chỉ cái “quê mùa”, không sang, phản hiện đại… Mặc cho những "kỳ thị" cứ diễn ra thì trong đời sống thường nhật, “nhà quê” lặng lẽ chảy vào đô thị bao dung này trong cái ăn, cái mặc, giọng nói, tâm tính vùng miền…  và rồi Tết nhất, “nhà quê” tặng cho thị dân một giấc mơ được trở về.

Nhà tranh vách đất truyền thống nông thôn ở đường hoa Phú Mỹ Hưng thu hút nhiều người tham quan. Ảnh: Nguyễn Vinh

Trở về là một hành trình văn hóa. Trở về dưới mái nhà xưa cũ để sum vầy. Trở về với quê xứ để tìm thấy ngọn nguồn lai lịch. Ngay cả khi ta không có một mái nhà hay miền quê nào để về Tết, thì cái nhu cầu lần tìm quê xứ khiến ta bâng khuâng tự dựng nên một không gian, một miền hoài niệm nằm sâu trong gene, trong tâm thức văn hóa. Ta gặp nơi rơm rạ bước chân tổ tiên khẩn hoang. Ta nghe trong mùi khói chiều nỗi buồn hoài hương của những mảnh đời phiêu bạt trong cuộc Nam tiến. Ta thấy nơi nương bầu, ruộng lúa, thổ sản đi theo những bóng hình tần tảo nhập cư làm nên sự giàu có của một đô thị (người nhập cư đóng góp hơn 30% GDP vào TP.HCM) của thời hiện tại.

Không gian thiên nhiên trong lành, tình cảm ấm áp gần gũi của nông thôn giúp người ta tìm thấy sự thăng bằng trong đời sống đô thị hiện đại, tốc độ. Ảnh: Nguyễn Vinh

Trong khi viết hoa, tô đậm hai từ “Quê Nhà” trong các lễ hội Tết nơi đô thị, ta tìm thấy ở đó khoảng trời quá khứ trong trẻo, hiện tại đầy ân tình, và cả thế giới của những biểu tượng thanh bình sung túc ở tương lai mà ta hướng về.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới