(KTSG Online) – Với nền kinh tế đang phát triển, Indonesia có tỷ lệ dân số trẻ lớn, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng sẽ mang lại nhiều tiềm năng về chi tiêu cho các mặt hàng tiêu dùng.
- Doanh nghiệp Việt ‘bỏ quên’ thị trường cho người Hồi giáo
- Tăng trưởng bền vững phải gắn kết với phát triển xanh
Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận thị trường đông dân nhất trong khu vực ASEAN với hơn 250 triệu người và thường yêu cầu có chứng nhận Halal đối với ngành hàng thực phẩm.
Thông tin trên được ghi nhận tại hội thảo “Thúc đẩy hợp tác thương mại Indonesia – Việt Nam” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) vào ngày 15-9.
Indonesia là quốc gia có số dân theo Hồi giáo lớn nhất thế giới. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm Halal của Indonesia đã đạt 220 tỉ đô la Mỹ vào năm 2018 và dự kiến tăng lên hơn 330 tỉ đô la vào năm 2025. Đây là một thị trường đầy tiềm năng cho cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nhất là các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chất lượng và đạt được chứng chỉ Halal.
Và khi hàng hóa Việt được đón nhận tại thị trường Indonesia, các doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng tiếp cận được thị trường 2,2 tỉ người Hồi giáo tại 112 quốc gia trên thế giới.
Tại sự kiện, ông Trần Phú Lữ, Phó giám đốc ITPC, cho rằng thị trường thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo trên thế giới được đánh giá lên tới 1.500 tỉ đô la, thế nhưng, năng lực xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam còn khá khiêm tốn, mới chỉ đạt khoảng 10,5 tỉ đô la trong năm 2021.
Khu vực Đông Nam Á – Nam Á – Nam Thái Bình Dương là thị trường xuất khẩu tiềm năng đối với sản phẩm Halal, với số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal khoảng 860 triệu người (chiếm 66% tổng số người Hồi giáo trên thế giới). Đây là khu vực thị trường tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất thế giới với khoảng 470 tỉ đô la.
Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thuỷ sản lớn trên thế giới, nằm ở vị trí địa lý gần những thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal lớn. Tuy nhiên, thực tế xuất khẩu thực phẩm của các doanh nghiệp Việt vào thị trường Halal mới chỉ là bước đầu khai phá.
Mỗi năm, chỉ có khoảng 50 công ty Việt được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm.
Tương tự, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Giám đốc Marketing Văn phòng chứng nhận Halal (HCA Việt Nam), lợi ích của chứng chỉ Halal là vô cùng lớn. Nó giúp doanh nghiệp có thể đáp ứng được các yêu cầu khi xuất khẩu vào các quốc gia Hồi giáo; được người Hồi giáo tin tưởng mua, sử dụng; được người tiêu dùng (cả người theo đạo Hồi và người ngoại đạo) trên thế giới lựa chọn vì đáp ứng cả các yêu cầu về kiểm soát chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nền công nghiệp Halal hiện rất đa dạng với nhiều sản phẩm, dịch vụ như bánh kẹo; thực phẩm, đồ uống; sản phẩm từ sữa; bánh mì; thực phẩm hữu cơ, GMO; thảo dược; mỹ phẩm; chất bôi ngoài da; dược phẩm; nước hoa; ngân hàng; trái phiếu và chứng khoán; du lịch; logistics và chuỗi cung ứng; giáo dục và đào tạo; dịch vụ thực phẩm…
Cũng theo bà Hằng, thị trường các quốc gia Hồi giáo có rất nhiều tiềm năng để doanh nghiệp Việt khai thác. Hiện nay có 57 quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), 2,2 tỉ người Hồi giáo đang sinh sống tại 112 quốc gia trên thế giới (chiếm 25% dân số thế giới) và có tốc độ phát triển 2,9%/năm.
Phát biểu tại hội thảo, ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự Indonesia tại TPHCM, cho biết GDP của Indonesia đạt 1.186 tỉ đô la vào năm 2021 với mức tăng trưởng là 3,69%. Thành tựu này không chỉ mang lại lợi ích chung cho nhân dân Indonesia mà còn góp phần tạo nên môi trường kinh tế ổn định cho khu vực. Ông Agustaviano cũng nhấn mạnh thương mại là điểm mạnh mà Indonesia mong muốn được hợp tác với các nước khác, đặc biệt là Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Indonesia 7 tháng đầu năm 2022 đạt 8,073 tỉ đô la, tăng 23% so cùng kỳ năm 2021, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 2,7 tỉ đô la, tăng 21% so cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia gồm thủy sản, cà phê, hóa chất, chất dẻo nguyên liệu, hàng dệt, may, giày dép các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày, sắt thép các loại… Chuyến thăm chính thức Indonesia của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đồng thời tham gia đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban Hợp tác song phương Việt Nam-Indonesia (JCBC-4) vào tháng 7-2022 đã góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia phát triển mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa. Hai bên đã nhất trí đạt được mục tiêu thương mại song phương mới là 15 tỉ đô la đến năm 2028. Bên cạnh đó, năm 2023 là năm hai nước sẽ kỷ niệm một thập kỷ quan hệ đối tác chiến lược.