(KTSG Online) – Tỉnh Quảng Nam bắt đầu lấy ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch để thực hiện giai đoạn hai về triển khai Bộ tiêu chí du lịch xanh. Trên hành trình xanh này, doanh nghiệp kỳ vọng vào những cơ hội mới và chuẩn bị ứng phó với thách thức phía trước.
- Miền núi Quảng Nam phát triển kinh tế vườn rừng kết hợp trang trại
- Du lịch xanh với những bữa ăn tuần hoàn
Cuối năm 2021, tỉnh Quảng Nam ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh do địa phương xây dựng và phát triển có sự hỗ trợ của Dự án phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam của Thụy Sỹ (SSTP) và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam. Sau hai năm thực hiện (được xem như là giai đoạn một của chương trình), có 20 đơn vị/doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau được cấp chứng nhận du lịch xanh Quảng Nam và dán nhãn đáp ứng bộ tiêu chí du lịch xanh.
Cần nhiều cánh én…
Silk Sense Hoi An River Resort, một trong 20 đơn vị trên, bắt đầu thực hiện quy trình của một cơ sở lưu trú xanh từ năm 2018.
“Việc định vị và phát triển doanh nghiệp du lịch theo hướng xanh không chỉ mang lại lợi ích kinh doanh mà còn góp phần tích cực vào công tác bảo vệ môi trường, thúc đẩy bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương”, bà Hà Thị Diệu Viên, Quản lý dự án phát triển bền vững tại Silk Sense, nói và chia sẻ thêm Ban Giám đốc công ty đã lựa chọn đi theo con đường khách sạn không rác thải nhựa.
Để thực hiện mô hình trên, trong nhiều năm qua Silk Sense tìm kiếm và thực hiện nhiều giải pháp khác nhau như tìm kiếm giải pháp thay thế đồ nhựa dùng một lần, thay đổi hành vi tiêu dùng, làm việc với những đối tác cung cấp đáng tin cậy và cam kết với tiêu chí không rác thải nhựa cũng như quản lý phân loại và tái chế rác. Silk Sense cũng đã tham khảo nhiều tài liệu bao gồm Bộ tiêu chí Du lịch xanh tỉnh Quảng Nam, thông tin hướng dẫn của Hiệp Hội Du Lịch Việt Nam, thông tin hướng dẫn của tổ chức SSTP, các tài liệu trên trang web và Travelife Gold Checklist của tổ chức Travelife để xây dựng bộ tiêu chí khách sạn không rác thải nhựa của riêng mình.
Và đến cuối năm ngoái, việc đạt danh hiệu “Khách sạn không rác thải nhựa đầu tiên tại Việt Nam” từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là minh chứng cho nỗ lực trong 5 năm qua.
Trong khi đó, Emic Travel – một đơn vị lữ hành tại Hội An – đã thành công trong việc tạo dựng một hệ sinh thái trải nghiệm xanh dành cho khách của mình. Ông Lê Hoàng Hà, Giám đốc công ty, chia sẻ Emic Travel tập trung vào các “tour xanh”, cung cấp dịch vụ trải nghiệm sinh thái và văn hóa bản địa dành cho du khách. Những buổi thực hành làm phân bón hữu cơ, trồng và hái rau hữu cơ, thăm các cơ sở chuyên thực hiện tái chế, tuần hoàn sản phẩm và nấu một bữa ăn không dư thừa thực phẩm là các hoạt động thường có trong tour này.
“Các chị làm buồng phòng tại khu nghỉ dưỡng của chúng tôi hằng ngày thực hành các mô hình sinh thái, sau đó họ về lan tỏa tại gia đình và cùng người nhà thực hiện các hoạt động hướng đến môi trường xanh tại gia”, ông Vương Đình Mạnh, Giám đốc Hoi An La Siesta Resort & Spa, chia sẻ về cách làm xanh của cơ sở mình. Ông Mạnh cho biết thêm nhờ không dùng bao nylon, thay vào đó là các loại vật liệu khác và các đồ dùng thủy tinh, La Siesta đã giảm hơn 10 triệu tiền mua bao nylon hằng năm so với trước kia cũng như các cách làm khác để giảm tiền điện và các chi phí vận hành khác mà khách vẫn thấy thoải mái.
… để làm nên mùa xuân
Cả ba doanh nghiệp nói trên cũng như 17 doanh nghiệp còn lại, theo Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, đến nay vẫn “giữ được phong độ” và đang là tấm gương để các doanh nghiệp khác làm theo. Tuy nhiên theo người trong cuộc, cho dù có sự thành công bước đầu, nhưng 20 vẫn con số khiêm tốn so với tiềm năng về du lịch xanh của tỉnh Quảng Nam. Hơn nữa, sau hai năm đã bộc lộ những hạn chế cần điều chỉnh để chương trình này có thể đi đường dài, đặc biệt có đơn vị tư vấn quốc tế mới.
“Chúng ta vẫn còn thiếu cơ chế khuyến khích đầu tư, phát triển xanh. Chứng chỉ Du lịch xanh cấp tỉnh chưa mang lại giá trị về mặt thương hiệu. Doanh nghiệp chưa đánh giá được lợi ích kinh tế một cách rõ ràng. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến chứng chỉ. Các địa phương chưa triển khai du lịch xanh ở hầu hết các lĩnh vực nhất là thực hành du lịch xanh đối với điểm du lịch cộng đồng”, bà Lê Thị Châu Trinh, Trưởng phòng nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, đưa ra một loạt hạn chế sau hai năm thực hiện Bộ Tiêu chí Du lịch xanh tại buổi giới thiệu cách tiếp cận du lịch bền vững tại Quảng Nam và chứng chỉ du lịch xanh diễn ra sáng 17-1 tại Hội An.
Sự kiện này cũng là dịp để giới thiệu Dự án du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững (ST4SD) cho giai đoạn hai sau khi kết thúc giai đoạn một với sự hỗ trợ từ dự án SSTP.
“Để bộ tiêu chí này tiếp tục lan tỏa và thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia hơn thì cần phải làm nhiều hơn nữa”, bà Hoàng Quế Nga, chuyên gia về du lịch bền vững trực tiếp tham gia giai đoạn một triển khai Bộ tiêu chí Du lịch xanh Quảng Nam, chia sẻ. Bà Nga gợi ý cần nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp du lịch về việc thực hiện bộ tiêu chí này thông qua các buổi chia sẻ kinh nghiệm thực tế bên cạnh xây dựng bản đồ doanh nghiệp du lịch xanh Quảng Nam cho khách du lịch cũng như hợp tác với các tổ chức du lịch bền vững quốc tế để các doanh nghiệp có thể tiến lên bước tiếp theo, đó là đạt chứng nhận quốc tế.
Ở góc nhìn của đơn vị thực hiện, bà Nguyễn Thanh Tâm, quản lý An Villa – doanh nghiệp đạt chứng chỉ du lịch xanh Quảng Nam, mong muốn có những hướng dẫn cụ thể hơn và phù hợp hơn dành cho doanh nghiệp. “Các doanh nghiệp cần thấy được những lợi ích dù nhỏ nhưng có tính khuyến khích thì họ sẽ cân nhắc tham gia. Và họ sẽ thấy được rằng khách hàng cũng thích và thiên về lựa chọn ở những mô hình canh này”, bà Tâm chia sẻ.
Chia sẻ thêm về lợi ích của du lịch xanh, bà Viên từ Silk Sense cho hay theo báo cáo phản hồi về sự hài lòng của khách hàng tại doanh nghiệp mình, 100% khách hàng hài lòng và quan tâm đến các sản phẩm du lịch xanh, các chính sách về bảo vệ môi trường, cụ thể là chính sách thực hiện khách sạn không rác thải nhựa. “Tóm lại, du lịch xanh không chỉ là đòn bẩy cho phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, mà còn là chìa khóa mở ra cơ hội định vị thương hiệu, giúp doanh nghiệp thu hút và gìn giữ lòng trung thành của khách hàng quan tâm đến sứ mệnh bảo vệ môi trường”, bà Viên cho hay.
Trong khi đó, ông Đặng Mạnh Phước, CEO của The Outbox – công ty chuyên về tư vấn và nghiên cứu thị trường có trụ sở tại TPHCM, có cái nhìn khác về bộ tiêu chí du lịch xanh. Theo ông Phước, dán nhãn cho đơn vị đạt chứng chỉ du lịch xanh là quan trọng nhưng không phải là vấn đề tiên quyết. “Tỉnh Quảng Nam nên hướng du lịch xanh là chương trình xuyên suốt để từ đó doanh nghiệp thấy nhẹ nhàng hơn trong vấn đề đầu tư và tiếp cận các mô hình xanh”, ông Phước nói và cho biết thêm qua nghiên cứu thị trường ông thấy rằng du lịch xanh là yêu cầu bắt buộc từ du khách. Vì vậy địa phương và doanh nghiệp cần thay đổi hình thái vận hành mới trong khai thác du lịch.
Được biết, trong giai đoạn sắp tới, cùng với hỗ trợ từ ST4SD, Quảng Nam sẽ điều chỉnh Bộ tiêu chí Du lịch xanh hiện hữu theo hướng vẫn giữ lại 6 bộ tiêu chí tương ứng với 6 lĩnh vực trong du lịch và đánh giá lại các tiêu chí sao cho phù hợp hơn với điều kiện địa phương. Bên cạnh đó, sẽ có thêm bộ tiêu chí du lịch xanh cho nhà hàng và cơ sở mua sắm và trải nghiệm. Trong giai đoạn hai cũng sẽ xây dựng mô hình điểm du lịch xanh cũng như kết nối các điểm du lịch xanh, xây dựng tour du lịch xanh.
“Chúng tôi đang triển khai vườn Kybimo của mình để đấu nối với các điểm xử lý rác trong thành phố cũng như trồng rau hữu cơ phục vụ du khách”, ông Phạm Vũ Dũng, Giám đốc Công ty du lịch, dịch vụ Hoa Hồng tại Hội An, nói với KTSG Online và chia sẻ ông hy vọng đơn vị mình sẽ đáp ứng được các tiêu chí về du lịch xanh của tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn tới.