Tìm hướng đi cho vàng, tỷ giá
GS.TS. Trần Ngọc Thơ
![]() |
XX |
(TBKTSG) - Phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình trên TBKTSG tuần rồi về mục tiêu trọng tâm của chính sách tiền tệ trong thời gian tới đã thu hút sự quan tâm của thị trường(*). Phát biểu này đã nhận được sự phản hồi của nhiều chuyên gia, trong đó có phản hồi mà TBKTSG đăng sau đây để bạn đọc tham khảo.
NHNN làm nhiệm vụ xuất nhập khẩu vàng?
Xin bắt đầu với câu chuyện giá vàng. Ổn định thị trường vàng bằng cách đưa chúng vào hoạt động có tổ chức là điều hiển nhiên. Điều thiếu sót duy nhất của chủ trương này là vì sao cho đến nay, đã gần nửa năm kể từ khi có Nghị quyết 11, mà nghị định về quản lý thị trường vàng vẫn chưa ra đời. Vẫn chưa thấy thống đốc khẳng định dứt khoát thời điểm nghị định này ra đời.
Song, có một điều dư luận đặc biệt quan tâm trong dự thảo nghị định quản lý thị trường vàng, đó là có khả năng NHNN là tổ chức duy nhất được phép xuất nhập khẩu vàng. Nếu thực như thế, liệu rằng điều này có làm ổn định được giá trị đồng Việt Nam như ông kỳ vọng? Giả dụ NHNN hoặc một ai đó biết trước vào một thời điểm nào đó sẽ nhập vàng thì điều gì sẽ xảy ra. Có khả năng nào sau đó NHNN cho tỷ giá tăng lên? Hoặc một ai đó biết trước thời điểm nào đó tỷ giá tăng, nên ngay từ bây giờ họ sẽ nhập vàng. Nhập vàng mà biết trước tỷ giá tăng là một bài toán kinh tế có siêu lợi nhuận nhưng rủi ro chỉ bằng 0 bởi vì nhà nhập khẩu sẽ tăng giá vàng nội địa cho tương đồng với tỷ giá tăng lên sau đó.
Chủ thể “ai đó” trong câu hỏi này khá tế nhị. Có thể ai đó là một cái gì đó cụ thể hoặc cũng có thể ai đó là một đầu mối được NHNN cho phép xuất nhập khẩu vàng. Minh bạch như tổ chức xếp hạng tín nhiệm nổi tiếng thế giới Standart & Poor’s mà còn bị FBI điều tra về việc có hay không cung cấp trước thông tin hạ điểm tín nhiệm trái phiếu chính phủ Mỹ cho thị trường để các nhà đầu tư bán tống bán tháo cổ phiếu trước đó. Điều này cho thấy mâu thuẫn quyền lợi là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu như có sự nhập nhằng.
Do NHNN vừa làm nhiệm vụ điều hành tỷ giá lại kiêm nhiệm vụ kinh doanh nên kịch bản trên hoàn toàn có khả năng xảy ra bất kỳ lúc nào. Thị trường sau này thay vì nhìn vào những tín hiệu lạm phát, lãi suất, nhập siêu hay quan hệ cung cầu để dự báo tỷ giá thì giờ chỉ việc nhìn vào động thái xuất nhập khẩu vàng của NHNN để đồn đoán hướng đi của tỷ giá sắp tới. Chính sách tiền tệ như thế liệu có làm ổn định giá trị tiền đồng Việt Nam phần nào đã có câu trả lời.
Trong cuộc tranh luận về nợ công của Mỹ hiện nay, do đảng Cộng hòa không đồng tình với chủ trương tăng thuế của Tổng thống Obama vào tầng lớp giàu có của Mỹ nên chẳng những một số thành viên của đảng Cộng hòa mà nhiều nhà kinh tế và phần đông người dân Mỹ đã ví von rằng có lẽ đảng Cộng hòa là cổ đông ở Wall Street nên mới bênh vực người giàu mạnh mẽ như thế. Tình huống này có thể xảy ra bất kỳ nơi nào trên thế giới nếu như nhà nước vừa đá bóng vừa thổi còi. Nếu tình huống này đúng trong trường hợp “ông chủ” là ngân hàng trung ương kiêm luôn nhiệm vụ kinh doanh vàng thì chính sách tiền tệ sẽ tự động bị vô hiệu hóa do xung đột lợi ích nhóm.
Ổn định giá trị tiền đồng Việt Nam bằng cách nào?
Trong bài trả lời phỏng vấn TBKTSG, thống đốc cho rằng trọng tâm của chính sách tiền tệ xuyên suốt thời gian tới là ổn định giá trị đồng Việt Nam.
Nhưng ổn định giá trị đồng Việt Nam là gì?
Thống đốc có giải thích là ổn định chứ không phải cố định đứng yên một chỗ. Ông cho rằng ổn định là làm cho tỷ giá không biến động ngoài vòng kiểm soát hoặc không biến động với mức độ lớn không lường trước được. Rối rắm bắt đầu từ đây. Ông đã nói một chân lý quá ư là hiển nhiên, vì đâu có ngân hàng trung ương nào muốn cho đồng tiền của mình trôi nổi ngoài tầm kiểm soát.
Tháng 3 năm nay, Thống đốc FED là ông Ben Bernanke ra điều trần trước Quốc hội Mỹ đã nhận được một câu hỏi khôi hài nhưng hóc búa từ nghị sĩ Ron Paul về việc định nghĩa thế nào là đồng đô la. Đáp lại, Ben Bernanke đã định nghĩa rằng đô la là đồng tiền có thể dùng để mua quần áo, thực phẩm, xăng dầu và mọi thứ có trong rổ hàng hóa.
Có lẽ ông muốn hàm ý đô la là đồng tiền có giá trị để người dân không phải sống chết đi mua vàng mà dùng nó để mua mọi thứ có trong rổ hàng hóa. Vậy thì chính sách tiền tệ mà FED đang áp dụng với hậu quả là làm cho đồng đô la yếu đi vài chục phần trăm thời gian qua có phải là không ổn định nếu chiếu theo góc nhìn của thống đốc?
Có lẽ là không, vì đồng đô la mất giá để đánh đổi bằng nhập siêu giảm, tiêu dùng nội địa tăng, được tính toán dựa trên nền tảng của một mức lạm phát mục tiêu phù hợp, suy cho cùng là để mọi người có niềm tin vào đồng đô la cho dù tỷ giá có lên xuống mạnh như thế nào.
Như vậy cách hiểu ổn định giá trị đồng Việt Nam theo kiểu không để cho nó lên xuống mạnh là một khái niệm rất dễ dẫn đến rối rắm trong điều hành.
Cách đặt vấn đề đúng nên là làm sao để người dân và các nhà đầu tư có niềm tin vào đồng Việt Nam. Đồng Việt Nam có thể lên hay xuống giá tùy theo diễn biến của thị trường nhưng việc điều hành xuyên suốt của bất kỳ đời thống đốc nào nên là hướng đến mục tiêu kiên trì chống lạm phát. Lạm phát thấp tự thân nó sẽ làm cho niềm tin vào đồng Việt Nam tăng lên.
Nếu theo đuổi kiên trì một mục tiêu duy nhất chống lạm phát, NHNN mới có đủ luận cứ để bác bỏ những chính sách tiền tệ chỉ hướng về phục vụ cho một số nhóm lợi ích nào đó.
Vẫn chưa thấy hướng đi dài hạn của chính sách tiền tệ
Phóng viên đặt vấn đề, phải bắt đầu từ đâu để bảo vệ giá trị đồng Việt Nam. Có lẽ do chưa có luận cứ về việc thế nào là ổn định giá trị đồng Việt Nam nên phần trả lời của thống đốc chỉ tản mạn trong hai ý chính.
1. Qua bài phỏng vấn, có thể thấy Thống đốc cho rằng cần phải bắt đầu bằng việc giảm chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và đô la. Tôi hoàn toàn đồng ý với ông về ý tưởng này. Nhưng nếu cứ mãi dùng biện pháp hành chính bằng việc ép lãi suất đồng đô la xuống, thậm chí có đề xuất cho rằng lãi suất đồng đô la nên bằng 0%, e rằng không ổn trong dài hạn, tuy rằng chúng có thể làm dịu thị trường trước mắt.
Điều này khiến cho cả xã hội cùng nhau nghĩ chiêu lách luật để vay nợ bằng đô la với lãi suất rẻ mạt, sau đó bán đô la lấy tiền đồng để kinh doanh hoặc đầu cơ. NHNN không thể nào đủ nguồn lực để kiểm tra các chiêu thức này. Sức ép mua lại đô la trả nợ sau đó có khả năng làm cho đồng Việt Nam mất giá nhiều hơn. Việc tín dụng bằng đồng đô la thời gian qua cao gấp hàng chục lần so với tín dụng đồng nội tệ đã phát đi những tín hiệu nguy hiểm của rủi ro tỷ giá thời gian tới. Có lẽ do lo ngại như thế nên ông có trấn an thị trường rằng từ nay đến cuối năm đồng Việt Nam chỉ có thể dao động tối đa 1%, thậm chí NHNN sẽ để cho đồng Việt Nam lên giá? Tôi tin rằng sau phát biểu này thì làn sóng vay nợ bằng đồng đô la sẽ còn tăng thêm nữa vì rủi ro tỷ giá đã được NHNN bảo hiểm thay cho các doanh nghiệp. Mà một khi Nhà nước đứng ra làm thêm nhiệm vụ bảo hiểm thay cho thị trường thì thật là tai hại.
Có cảm giác những tuyên bố trước đó về chính sách tỷ giá của NHNN là linh hoạt theo cung cầu của thị trường hoặc thả nổi có sự quản lý của Nhà nước chỉ dừng lại là lời cam kết! Tất cả dễ làm cho mọi người nghĩ rằng tỷ giá được đạo diễn theo một mục đích nào đó. Ai đó mà biết trước như thế thì phần thắng cầm chắc trong tay. Đối chiếu chính sách tỷ giá theo kiểu muốn nó như thế nào thì nó như thế đấy với việc chỉ có NHNN được phép độc quyền trong sân chơi vàng mới thấy lo. Chính vì vậy, điều mà mọi người chờ đợi nhất là những giải pháp căn cơ và dài hạn hơn.
2. Có lẽ do quá đặt nặng việc ổn định giá trị đồng Việt Nam theo nghĩa định lượng lên và xuống nên thống đốc phát ra thông điệp từ nay đến cuối năm để cho đồng Việt Nam lên giá là ổn định. Thậm chí thống đốc còn biến thành một nhà tư vấn đầu tư khi khẳng định người dân chỉ nên giữ tiền đồng là tốt nhất. Trong thế giới đầy bất định ngày nay, việc một nhà hoạch định chính sách kiêm luôn nhà tư vấn đầu tư sẽ có rất nhiều rủi ro. Chỉ cần một lần sai, niềm tin vào uy tín cá nhân và cũng là niềm tin vào chính sách dễ bị sụt giảm mạnh. Như đã từng có lời khuyên “nếu là nhà đầu tư tôi sẽ mua cổ phiếu”.
Mong rằng nghị định về quản lý vàng và chính sách tiền tệ của NHNN thời gian tới bớt đi những biện pháp hành chính và có nhiều công cụ thị trường hơn.
_______
(*) Bài “Giá vàng, tỷ giá đi về đâu?” TBKTSG số ra ngày 11-8;
Xem thêm phần hai phỏng vấn này trên số báo này - bài “Áp dụng biện pháp hành chính càng lâu, bất cập càng lớn”, tr.18.