(KTSG Online) - Dữ liệu gần đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy vốn ngân hàng đang đổ mạnh vào các chủ đầu tư dự án bất động sản, trái ngược với tín dụng cho cá nhân là người mua nhà và các nhà đầu tư. Khi cầu tín dụng để mua bất động sản có xu hướng đi xuống, phần nào phản ánh sức mua của thị trường tiếp tục giảm so với giai đoạn trước.
- Hà Nội tìm cách thúc đẩy gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội
- Vốn chảy vào các quỹ bất động sản giảm sâu giữa nỗi lo lãi suất
Theo số liệu của NHNN tính đến cuối tháng 9-2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt 2,74 triệu tỉ đồng, tăng 6,04% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong đó, tín dụng tập trung vào mục đích tiêu dùng hoặc tự sử dụng chiếm 64% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 36%.
Trong 9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh bất động sản có sự tăng trưởng rất cao với 21,86%, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước. Còn tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng, tự sử dụng lại có xu hướng giảm (giảm gần 4% so với cuối năm 2022).
Việc tín dụng kinh doanh bất đông sản tăng phần nào cho thấy các giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản đang dần phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng tích cực triển khai cho vay theo các chương trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nhà ở.
Trong khi đó, về phía người mua, năm 2023 là năm đầu tiên dư nợ tín dụng tiêu dùng bất động sản có xu hướng giảm trong 3 năm qua. Đây là điểm cần chú ý khi cầu tín dụng để mua bất động sản có xu hướng đi xuống, phần nào phản ánh sức mua của thị trường tiếp tục giảm so với giai đoạn trước.
Tuy nhiên, đại diện NHNN cho biết, chất lượng tín dụng bất động sản tiềm ẩn những rủi ro cần chú ý trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như thu nhập của người dân đều bị ảnh hưởng. Tỷ lệ nợ xấu tín dụng bất động sản đến tháng 9-2023 (2,89%) đã tăng so với thời điểm tháng 12-2022 (1,72%).
Bà Hà Thu Giang ,Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, cho rằng an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng chịu nhiều sức ép. Bởi lẽ nhu cầu tín dụng bất động sản thường là với thời hạn trung và dài hạn trong khi đó nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn với mức lãi suất thay đổi theo thị trường. Do đó, nếu các tổ chức tín dụng không cân đối được kỳ hạn giữa huy động và cho vay phù hợp, có thể đối mặt với rủi ro thanh khoản. Bên cạnh đó còn có sự tập trung cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tại một số tổ chức tín dụng, với tốc độ tăng trưởng cao.
Về thị trường bất động sản, theo thống kê của Bộ Xây dựng, số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trên cả nước có xu hướng giảm trong thời gian gần đây. Cơ cấu sản phẩm nhà ở vẫn không hợp lý, dư thừa sản phẩm ở phân khúc cao cấp trong khi thiếu nhà ở vừa túi tiền, đặc biệt thiếu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của các đối tượng thu nhập thấp tại đô thị.
Nguyên nhân là nhiều chủ đầu tư thận trọng hơn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường; thiếu quỹ đất sạch; vấn đề tài chính liên quan đến đất đai, khó tiếp cận nguồn vốn; các tồn tại chưa tháo gỡ về pháp lý dự án... Tính chung 9 tháng năm 2023, lượng giao dịch chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước. Lượng giao dịch phục hồi nhờ sự “hấp thụ” dần của hàng loạt các động thái hỗ trợ của Chính phủ và một phần dòng tiền quay trở lại do lãi suất giảm.
Chia sẻ tại hội nghị bàn về tín dụng cho bất động sản mới đây, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng), cho rằng đây là khoảng thời gian hết sức quan trọng, mang tính quyết định cho sự chuyển mình của thị trường bất động sản. Cùng với các nút thắt về pháp lý, nguồn vốn, thì niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư chính là “chốt chặn cuối cùng” cần giải tỏa để thị trường thực sự trở về trạng thái bình thường.
Nghịch lý lớn nhất với bất động sản, 80% vướng mắc là pháp lý chứ không phải dòng tiền. Nhưng cần nói lại cho rõ, hành lang pháp lý thì có, cho dù chưa hoàn hảo, nhưng việc thực thi pháp lý mới quan trọng hơn. Hiểu như thế nào/ Làm hoặc vận dụng ra sao/ Ai tham mưu/ Ai quyết định … ? Trách nhiêm quản lý nhà nước, đang là mớ lòng bong, lẩn quẩn. Doanh nghiệp thì chờ đợi. Ngân hàng phải chạy theo. Mọi việc vì thế cứ dậm chân tại chỗ.