Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tín dụng bất động sản: Ngân hàng nói không ‘siết’ nhưng doanh nghiệp vẫn than khó

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các đại diện ngân hàng thương mại cũng như Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định không siết tín dụng bất động sản (BĐS). Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS cho rằng vẫn rất khó để tiếp cận vốn trong thời điểm này.

Đây là hai luồng ý kiến trái chiều giữa ngân hàng và doanh nghiệp tại tọa đàm "Khơi thông nguồn vốn cho thị trường BĐS" được Viện Kinh tế Xanh tổ chức ngày 7-6 tại TPHCM.

Ngân hàng khẳng định không siết tín dụng bất động sản. Ảnh minh họa: H.P

Theo ông Nguyễn Đình Vinh - Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), cho vay tiêu dùng BĐS tại VietinBank tính đến thời điểm hiện nay tăng khoảng 24% so với đầu năm. Tuy vậy, thời gian vừa qua, nhiều thông tin cho thấy có những địa phương ghi nhận giá BĐS tăng đột biến chỉ trong vòng vài năm. Do đó mới có câu chuyện kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực này.

“Ngày 7-4 vừa qua chúng tôi có nhận được Công điện của Thủ tướng về việc chấn chỉnh hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng như đấu giá quyền sử dụng đất. Các ngân hàng chúng tôi không có một văn bản nào siết chặt hay hạn chế tín dụng vào BĐS. Thực tế, ngày 1-6 vừa qua, chúng tôi có ký một văn bản chỉ đạo toàn hệ thống của VietinBank về việc hướng dẫn các chi nhánh trong việc cho vay vốn liên quan đến các dự án BĐS”, ông Vinh nói.

Đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khẳng định BĐS đóng vai trò quan trọng của nền kinh tế, BĐS khu công nghiệp, BĐS nhà ở và BĐS nghỉ dưỡng đang rất tiềm năng nên BIDV vẫn cho vay bình thường. Đặc biệt, tới đây BIDV cũng tham gia các dự án khu công nghiệp lớn ở phía Nam và các lĩnh vực BĐS tiêu dùng thuộc nhà ở riêng lẻ. Trong điều kiện tăng trưởng tín dụng 6,51% nhưng cho vay tiêu dùng, người mua nhà vẫn chiếm gần 13,9%, nên không có chuyện hạn chế cho vay hay siết tín dụng BĐS.

Tuy nhiên, dưới góc độ doanh nghiệp BĐS, ông Nguyễn Minh Nhật, Phó tổng giám đốc Tập đoàn BĐS Vạn Xuân, cho biết các kênh huy động vốn từ khách hàng, cổ phiếu, trái phiếu và từ các quỹ đầu tư, vốn từ ngân hàng… hiện nay đều đang vướng. Cái vướng lớn nhất của doanh nghiệp là về vốn và hành lang pháp lý. Để bán được hàng thì doanh nghiệp phải hoàn thành phần nền móng và hồ sơ pháp lý. Để làm được tới khâu này thì vốn từ đâu ra? Phải nhờ vào tín dụng từ ngân hàng.

Doanh nghiệp làm hồ sơ vay ngân hàng từ 3 – 4 năm nay, hiện có khoản vay hơn 2.000 tỉ đồng đang chờ ngân hàng giải ngân. Nhưng các ngân hàng từ tháng 3 đến nay bảo “hết room” nên chưa chịu giải ngân và cho biết từ tháng 6 sẽ giải ngân lại với mức độ hạn chế. Một số ngân hàng ngưng giải ngân cho khách hàng mua nhà hình thành trong tương lai.

“Đại diện ngân hàng bảo vẫn cho vay bình thường nhưng ở góc độ doanh nghiệp tôi xin chia sẻ là không bình thường chút nào. Tôi có cảm giác là ngân hàng có 2 luồng phê duyệt hồ sơ. Tôi đi gặp các ngân hàng, mỗi ngân hàng nói một kiểu nên doanh nghiệp rất là rối. Trong khi đó, từ nay đến cuối năm doanh nghiệp BĐS rất cần nguồn vốn từ ngân hàng”, ông Nhật nói.

Có đồng quan điểm, bà Võ Thị Hồng Mai, Phó tổng giám đốc Công ty Asian Holding, cho rằng khách hàng có đối tượng mua nhà để ở cũng có đối tượng mua đầu tư, nhưng tổng số lượng khách cần tới nhu cầu đòn bẩy tài chính từ ngân hàng khoảng 20–30%. Sau khi có thông tin ngân hàng siết tín dụng thì thị trường vốn trầm lắng lại thêm ảm đạm và khó khăn hơn. Chúng tôi cũng mong muốn ngành ngân hàng tháo gỡ khó khăn, “nới room” tín dụng cho doanh nghiệp và cả khách hàng để thị trường có thể ấm lại trong 6 tháng cuối năm.

Tại tọa đàm, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng rất chia sẻ với các doanh nghiệp BĐS nhưng ngay từ "siết" tín dụng đã làm ảnh hưởng tâm lý người mua. Trong khi Ngân hàng Nhà nước chưa bao giờ ra văn bản nào nói việc sẽ siết tín dụng, chặn tín dụng… Vì chặn là chặn đường phát triển của thị trường BĐS, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Ngân hàng cho vay đúng, đảm bảo an toàn hệ thống là điều rất cần thiết chứ không phải siết.

Các ngân hàng thương mại được quyền quyết định chuyện cho vay BĐS ở tất cả các dự án lớn, nhỏ. Ngân hàng Nhà nước chỉ quản lý, giới hạn mức cho vay đối với các dự án quá lớn để tránh tình trạng rót vốn quá nhiều vào một dự án, có thể xảy ra nợ xấu.

“Đầu tư BĐS là đầu tư dài hạn nhưng lâu nay ngân hàng dùng nguồn vốn cho vay ngắn hạn để cho vay BĐS. Chính điều đó đã làm cho các ngân hàng đứng trước nhiều rủi ro lớn. Bong bóng BĐS đã lên thì rất to nhưng khi xẹp xuống, phần còn lại chính là nợ xấu ngân hàng”, ông Tú nêu ý kiến.

2 BÌNH LUẬN

  1. DN than khó vì sự lựa chọn dòng tiền không còn như trước. Một khi nguồn tiền từ chứng khoán và trái phiếu bị chặn lại phần lớn, mọi nhu cầu gần như phải đổ xô vào hệ thống ngân hàng. Trước đây NH đã quá tải vì gánh vác đến 70% vốn kinh doanh cho nền kinh tế, nay càng quá tải hơn thì không có gì lạ. Chỉ có hai cách. Một là sớm hoàn thiện thị trường vốn đa dạng và minh bạch hơn. Hai là, cơ cấu lại hiệu quả đầu tư theo hướng cắt giảm ngay những gì còn tồn tại, kích hoạt lại những gì đã và đang bị đóng băng trên thị trường. Phải khẳng định ta vốn không thiếu nguồn lực, mà chỉ thiếu nguồn lực hoạt động có hiệu quả.

  2. Phát hành trái phiếu, thực ra tiện đủ đường. Doanh nghiệp hầu như làm chủ cuộc chơi. Không có ai kiểm tra giám sát việc sử dụng vốn, dùng đảo nợ hay đầu tư cũng không ai rõ. Không tạo ra sự cạnh tranh từ mặt bằng lãi suất chính thống, vì so với tiền gởi/ tiền vay thì lãi suất trái phiếu rất hấp dẫn. So với tín dụng đen thì lãi suất càng vô cùng hấp dẫn. Mọi cuộc chơi đều như vậy. Khi dễ có tiền trong tay, thì dễ xem trời là vung, muốn thao túng mọi thứ. Đối với người kinh doanh cẩn trọng thì không thể như vậy, càng dễ có tiền, càng có khả năng phạm sai lầm nhiều hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới