(KTSG) - Từ trước đến nay, chính sách tiền tệ nới lỏng nói chung và tăng trưởng tín dụng nói riêng được xem là một trong những giải pháp cốt lõi và quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Liệu điều này có còn đúng trong tình hình hiện nay?
- VietinBank: Dẫn đầu tăng trưởng tín dụng, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện
- NHNN sẽ xử lý cơ bản các tổ chức tín dụng yếu kém
Chậm lại là tất yếu?
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có Văn bản 4462/NHNN-CSTT yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện một số giải pháp về tín dụng và lãi suất. Cụ thể, bên cạnh mục tiêu tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 1-2% theo định hướng của Chính phủ, cơ quan này yêu cầu các TCTD tiếp tục triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng và phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quí 2-2024 ở mức 5-6%.
Dù vậy, khó có thể phủ nhận diễn biến tín dụng tăng trưởng chậm lại từ năm ngoái đến năm nay dường như là một hệ quả tất yếu. Theo số liệu cập nhật gần nhất của NHNN, tín dụng đến ngày 20-5 chỉ mới tăng 2,41% so với đầu năm, xấp xỉ số tuyệt đối là 327.000 tỉ đồng. Nếu so sánh với mức tăng trưởng 1,34% đạt được vào cuối quí 1, có thể thấy gần hai tháng qua tín dụng chỉ tăng thêm chưa đến 1,1%, tương đương với gần 145.200 tỉ đồng.
Với tốc độ như vậy, không dễ để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 5-6% trong nửa đầu năm nay. Theo điều tra của Vụ Dự báo, thống kê (NHNN) về xu hướng kinh doanh quí 2-2024, các TCTD dự báo huy động vốn toàn hệ thống tăng 3,5% trong quí 2-2024 và tăng 9,9% trong năm 2024. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng bình quân 3,8% trong quí 2-2024 và tăng 13,6% trong năm 2024.
Nhìn lại năm 2023, dù tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 13,78%, nhưng thực tế cũng chủ yếu tăng trong những tháng cuối năm là chính, chủ yếu do các TCTD chạy chỉ tiêu cuối năm để lấy dư địa cho tăng trưởng năm sau, nên có thể nói tốc độ tăng giai đoạn cuối năm thiếu thực chất. Cụ thể, quí 1-2023 chỉ tăng 2,56%, hết quí 2 tăng 4,71%, hết quí 3 tăng 6,95%, đến cuối tháng 11 cũng chỉ tăng 9,17% và riêng tháng 12 đã kịp tăng thêm 4,22% nữa, tương đương một phần ba mức tăng của cả năm.
Vì sao phải chấp nhận?
Đầu tiên, về mặt số học, khi quy mô ngày càng lớn thì tốc độ tăng trưởng tương đối xét theo phần trăm cũng ngày càng khiêm tốn hơn là điều dĩ nhiên. Đơn cử như cuối năm 2016, quy mô tín dụng đạt 5,5 triệu tỉ đồng, năm 2017 dư nợ tăng thêm hơn 1 triệu tỉ đồng đã tương đương tốc độ tăng là 18,3%. Năm 2023, dư nợ tín dụng tăng thêm hơn 1,6 triệu tỉ đồng, nhưng phần trăm tăng chỉ ở mức 13,78% như đã nói.
Do đó, nếu nhìn vào phần trăm tăng trưởng những năm sau này và so sánh với giai đoạn trước khi quy mô tín dụng còn thấp để kết luận cao hay thấp là không có nhiều ý nghĩa. Nếu phải so sánh, cần xét trên tỷ lệ so với quy mô nền kinh tế theo giá so sánh để nhìn nhận thực chất hơn, và thống kê cho thấy quy mô tín dụng/GDP của Việt Nam đã liên tục tăng lên mức cao trong những năm qua và đã đến ngưỡng rủi ro cần lưu ý, theo như nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB). Cụ thể, năm 2021 là hơn 123% GDP, năm 2022 là 124,9% GDP và đến cuối năm 2023 là hơn 132,7% GDP.
Giai đoạn trước, các ngân hàng thường cho vay lại để trả nợ cũ và lãi vay phát sinh, nên khoản vay sau lớn hơn khoản vay trước là bình thường. Tuy nhiên, trong hơn ba năm qua, để hạn chế nợ xấu tăng nhanh trên sổ sách, các ngân hàng tích cực cơ cấu nợ cho khách hàng, nhưng khi đã tái cơ cấu nợ rồi thì các ngân hàng lại không dám cho vay thêm vì e ngại phát sinh thêm nợ xấu.
Ngoài câu chuyện đơn thuần về mặt số học, cũng có những yếu tố đã ảnh hưởng lên tăng trưởng tín dụng trong hơn hai năm trở lại đây. Cần nhắc lại rằng bất động sản là một trong những kênh hút vốn tín dụng mạnh trong nhiều năm qua, hoặc nếu không vay đầu tư bất động sản thì các nhu cầu vay khác cũng dựa trên tài sản bảo đảm (TSBĐ) là bất động sản.
Do đó, khi giá nhà đất tăng ngân hàng cũng có thể cho vay thêm vì TSBĐ tăng giá trị. Tuy nhiên từ năm 2022 đến nay, giá nhà đất đã giảm đáng kể, ngân hàng thời gian qua khi cho vay định giá TSBĐ là bất động sản thấp hơn nhiều so với trước.
Đặc biệt, một loạt tập đoàn lớn bị xử lý gần đây vì các vi phạm như Vạn Thịnh Phát, FLC, Tân Hoàng Minh - vốn là những vòi hút vốn tín dụng khổng lồ, nay đang phải xử lý tài sản để trả nợ. Hoặc nhiều đại gia bất động sản khác cũng đang gặp khó khăn về dòng tiền, thủ tục pháp lý dự án bị vướng mắc nên rõ ràng không thể tiếp cận vay vốn tín dụng ngân hàng được. Cũng cần lưu ý Chính phủ từ năm ngoái đến nay đã cảnh báo các ngân hàng không được phép cho vay sân sau.
Về phía ngân hàng, với nợ xấu vẫn đang tiếp tục đi lên, rủi ro trong nền kinh tế tiềm ẩn lớn, nên cũng có động lực kiểm soát chặt hơn chính sách phát triển tín dụng. Ngoài ra, giai đoạn trước, các ngân hàng thường cho vay lại để trả nợ cũ và lãi vay phát sinh, nên khoản vay sau lớn hơn khoản vay trước là bình thường. Tuy nhiên, trong hơn ba năm qua, để hạn chế nợ xấu tăng nhanh trên sổ sách, các ngân hàng tích cực cơ cấu nợ cho khách hàng, nhưng khi đã tái cơ cấu nợ rồi thì các ngân hàng lại không dám cho vay thêm vì e ngại phát sinh thêm nợ xấu.
Tín dụng có phải là cây đũa thần?
Từ trước đến nay, chính sách tiền tệ nới lỏng nói chung và tăng trưởng tín dụng nói riêng được xem là một trong những giải pháp cốt lõi và quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nói cách khác, tín dụng từ lâu luôn được xem là cây đũa thần để kích thích nền kinh tế; và thực tế điều này có vẻ đúng trong những năm về trước, khi đi kèm với tăng trưởng tín dụng cao là tốc độ tăng GDP sau đó cũng lên mức cao.
Tuy nhiên, mối liên kết này trong những năm gần đây dường như đã có những hạn chế nhất định. Đặc biệt kể từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, câu chuyện dường như không phải nằm ở phần cung vốn, mà chủ yếu do khả năng hấp thụ vốn đã suy giảm nghiêm trọng. Vì vậy, khi buộc phải tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, nhưng khu vực sản xuất không có nhu cầu vì thiếu đơn hàng, triển vọng tiêu dùng yếu, dòng vốn tín dụng rất dễ chạy vào các kênh đầu tư tài sản có tính đầu cơ cao.
Người đứng đầu NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, xu hướng tăng trưởng tín dụng thấp không chỉ riêng ở Việt Nam mà đây là xu hướng chung của thế giới khi các nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. Với Việt Nam, tín dụng tăng trưởng thấp do đầu ra của sản xuất, kinh doanh còn yếu. Các lĩnh vực có vốn vay lớn như là thị trường bất động sản hiện có những khó khăn về yếu tố pháp lý.
NHNN cho rằng việc Chính phủ tăng cường chỉ đạo thúc đẩy đầu tư công là giải pháp đúng và trúng, bởi vì khi sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu thì việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng sẽ tác động lan tỏa dòng tiền đối với doanh nghiệp, từ đó kích hoạt lại tín dụng từ hệ thống ngân hàng. Nói cách khác, chính sách tài khóa đang được kỳ vọng sẽ kéo tăng trưởng nhiều hơn, ngoài chính sách đẩy mạnh đầu tư, có thể xem xét miễn giảm các loại thuế để kích cầu tiêu dùng.
Để làm được điều này, điều quan trọng hơn là phải đẩy nhanh cải cách các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, mạnh dạn vay vốn đầu tư. Đừng để các dự án khởi nghiệp phải tìm đường ra nước ngoài đăng ký để được hưởng những cơ chế ưu đãi và thuận tiện về chính sách. Tiếp tục cải thiện thị trường lao động, nâng cao tay nghề và tăng năng suất lao động để đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế.
Với các hoạt động cho vay, cần phải nhanh chóng cải cách các điều kiện tín dụng, hạn chế dần việc cho vay mà chỉ nhìn vào TSBĐ. Phát triển tài chính vi mô, các khoản vay nhỏ lẻ để hỗ trợ khởi nghiệp kinh doanh. Phía NHNN cũng cho biết đã “nhiều lần báo cáo và kiến nghị, với 95% doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, cần có những giải pháp hỗ trợ tăng cường. Ví dụ, bảo lãnh các doanh nghiệp để vay vốn tại ngân hàng có thể sẽ thúc đẩy tín dụng tăng mạnh hơn”.
Tín dụng, hỗ trợ cho tăng trưởng, là chuyện đương nhiên từ bao đời nay. Tín dụng, mở đường cho tăng trưởng, lại là câu chuyện khác hẳn, buộc ngân hàng phải chấp nhận đương đầu với rủi ro cao. Tuy nhiên, trạng thái tăng trưởng, xét về phương diện kinh tế học, đều có hai mặt, lợi và hại. Trong đó, đáng quan tâm nhất là làm thế nào để duy trì sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Điều này buộc phải có sự cân nhắc, đánh đổi. Không có ổn định vĩ mô, sẽ bất ổn mọi thứ. Có ổn định vĩ mô, chỉ bất ổn một vài thứ.
3L –> 3C. 3L : Lạm phát/ Lãi suất/ Lòng tin. Ba yếu tố này là nền tảng của kinh tế vĩ mô, không quản được sẽ dẫn đến hậu quả lớn. 3C : Chán/ Chạy/ Chết. Khi không còn lòng tin thì mọi hoạt động kinh doanh rơi vào trạng thái chán chường. Tài sản và vốn liếng sẽ tìm đường chạy thoát thân, gây ra chảy máu tri thức và tiền tệ vô cùng nguy hiểm. Lúc đó, nền kinh tế sẽ ở vào vị thế cửa tử.