Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tín dụng ngừng tăng trưởng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tín dụng ngừng tăng trưởng

(TBKTSG) – Một quan chức ngân hàng cho biết tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TPHCM tháng 4-2008 ước đạt 0,15-0,2% so với 31-3-2007 (quí 1-2008 vẫn còn tăng trên 10%).

Ông Fiachra Mac Cana, chuyên viên phân tích của công ty chứng khoán TPHCM, nhận định: “Tín dụng đã ngừng tăng trưởng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đạt mục tiêu của mình bằng cách ngăn cản các ngân hàng tiếp cận với mọi nguồn vốn, quy định trần lãi suất tiền gửi và lấy tiền mặt khỏi thị trường liên ngân hàng (thông qua việc bán ra đô la Mỹ)”.

Kẹt dây chuyền!

Nâng thuế xuất khẩu phân bón các loại từ 0% lên 40%, ngay trong tháng 5-2008, nhằm tránh tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh phân bón xuất ra nước ngoài lượng phân mua được từ lúc giá rẻ để kiếm lời, trong khi giá phân nội địa tăng và nông dân đang bước vào thời kỳ bón phân cho lúa. Đó là kiến nghị của PetroVietnam, cổ đông lớn nhất của Công ty Đạm Phú Mỹ lên Chính phủ.

Các nhà máy sản xuất phân bón trong nước như Bình Điền không còn bán trả chậm cho đại lý, đại lý không còn bán trả chậm cho nông dân.

Ở lĩnh vực sắt thép, một trong những tập đoàn tư nhân lớn vừa xuất trở lại lượng phôi thép họ nhập giá rẻ cuối năm ngoái với giá 880 đô la Mỹ/tấn, trong khi nhiều doanh nghiệp thép hiện phải nhập phôi với giá hơn 900 đô la Mỹ/tấn. Hạn chế tín dụng của ngân hàng đã khiến không ít doanh nghiệp không dám trữ nguyên liệu, vốn lưu động thiếu hụt đã buộc họ phải xoay xở, bán đi cả nguyên liệu đã nhập được với giá cạnh tranh để có tiền quay vòng.

“Cơ chế vận động của nền kinh tế đang bị trục trặc, nhất là ở khâu lưu thông hàng hóa. Chúng tôi cho các công ty xuất khẩu gạo vay 800 tỉ đồng để mua lúa. Họ chưa xuất được, ngân hàng không mất vốn, nhưng bị kẹt và những tính toán về sự lưu chuyển đồng vốn tắc luôn. Từ ngân hàng đến doanh nghiệp đang kẹt dây chuyền”, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, nhận xét.

Rõ ràng sự lưu chuyển của đồng tiền đang kém đi không phải chỉ do các ngân hàng thiếu thanh khoản, lo dự trữ bắt buộc mà còn do các khoản nợ đến hạn không đòi được. Khách hàng từ chối trả nợ, găm giữ tiền ngân hàng, sẵn sàng chịu phạt 150% lãi suất vay vì e ngại trả xong không vay được nữa.

Ông Nguyễn Đức Kiên, thành viên Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB, nói: “Mấy năm qua chưa bao giờ chúng tôi khó khăn như bây giờ, khách hàng chầu chực được vay nhưng ngân hàng từ chối vì đã đạt mức tăng trưởng tín dụng 30%, trong khi dư nợ của ACB mới bằng một nửa vốn huy động”.

Một doanh nghiệp sắt thép cho biết: “Nhập sắt thép giá rẻ có lợi cho công ty, cho đất nước. Nay buộc phải xuất khẩu ngược ra bên ngoài, giá thấp hơn giá quốc tế, chúng tôi vẫn có lời, nhưng những công ty cần thép trong nước thiệt hại, sắp tới họ sẽ phải nhập giá cao hơn. Vì sao ư? Vì cơ chế tín dụng không cho người mua vay tiền, làm sao người bán bán được”.

Ông Bình đề nghị một cơ chế tạm thời: khi khách hàng của ngân hàng A bán hàng cho khách hàng của ngân hàng B mà ngân hàng B cho vay, ngân hàng A thu được tiền, thì gửi vào ngân hàng B và ngược lại. Tuy nhiên cơ chế này cũng khó thực hiện vì chẳng ngân hàng nào muốn gửi tiền cho ngân hàng khác trong điều kiện thanh khoản eo hẹp như bây giờ.

Tín hiệu đáng ngại

Trong khi sự lưu chuyển vốn đang gặp khó khăn, ngày 29-4-2008 NHNN sửa đổi quy định chiết khấu, tái chiết khấu giấy tờ có giá. Theo đó, hạn mức chiết khấu sẽ được xác định hàng quí. Căn cứ vào tổng hạn mức chiết khấu cũng như mục tiêu ưu tiên đầu tư tín dụng trong từng thời kỳ, NHNN sẽ phân bổ hạn mức chiết khấu đối với từng ngân hàng.

Các ngân hàng được yêu cầu gửi hồ sơ, thông báo hạn mức chiết khấu cho NHNN chậm nhất vào ngày 15 tháng đầu tiên của quí. Nếu quá hạn đó mà không đăng ký, các ngân hàng sẽ không được phân bổ hạn mức.

Điều đó nghĩa là NHNN sẽ kiểm soát gắt gao hơn việc “bơm” tiền ra qua kênh chiết khấu. Nó cũng cho thấy NHNN chưa định hình được việc đưa tiền ra bao nhiêu là hợp lý, vừa đảm bảo thanh khoản, vừa chống lạm phát.

Việc này sẽ đẩy các ngân hàng vào thế tiến thoái lưỡng nan vì với trần lãi suất, họ không thể chủ động được nguồn vốn huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế, do đó sẽ khó biết việc cân đối nguồn vốn như thế nào. Mà khi đã không cân đối được nguồn, thì làm sao đăng ký hạn mức chiết khấu chính xác được? Sẽ có những ngân hàng có thể sẽ không thiếu vốn, nhưng cứ đăng ký cho chắc ăn. Như thế nhu cầu vốn có thể trở nên giả tạo và nó sẽ tác động ngay đến mặt bằng lãi suất.

Một dấu hiệu đáng ngại khác là tình hình trên thị trường liên ngân hàng chưa được cải thiện bao nhiêu. Lãi suất qua đêm tuy có giảm, nhưng không đáng kể, trong khi lãi suất các kỳ hạn từ một tháng trở lên vẫn tăng.

Hơn nữa, trái phiếu chính phủ, loại giấy tờ có giá phổ biến được cầm cố giữa các ngân hàng, đang mất giá do nhà đầu tư nước ngoài bán ra nhiều. Trái phiếu chính phủ loại hai năm đã được chiết khấu lên tới 16%/năm (giá mua thực trái phiếu chỉ khoảng 93.100 đồng trên mệnh giá 100.000 đồng cộng lãi suất đáo hạn khoảng 8%/năm). Gần đây nhất, trái phiếu do doanh nghiệp phát hành cũng đạt đỉnh 16%/năm cho năm đầu tiên, những năm sau lãi suất thả nổi, bằng lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng của bốn ngân hàng quốc doanh cộng thêm 4%/năm.

Như vậy cho dù tín dụng đã ngừng tăng trưởng, mặt bằng lãi suất vẫn chưa thể giảm ít nhất là trong tháng 5 này!

HẢI LÝ 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới