Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tín dụng phục hồi mạnh – mừng nhưng cũng lo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tín dụng phục hồi mạnh – mừng nhưng cũng lo

Tuệ Nhiên

(KTSG) Chỉ trong vòng 12 ngày cuối tháng 3-2021, dư nợ tín dụng đã kịp tăng thêm 134.212 tỉ đồng, chiếm 50% mức tăng của cả quí 1. Động lực nào thúc đẩy tín dụng tăng nhanh đến thế và dẫn đến sự khác biệt đáng kể so với cùng kỳ năm 2020?

Tín dụng phục hồi mạnh - mừng nhưng cũng lo
Tín dụng tăng mạnh trong giai đoạn cuối tháng 3 có lẽ còn đến từ việc chạy chỉ tiêu ở các ngân hàng để đạt kế hoạch quí 1 đề ra. Ảnh: THÀNH HOA

Tập trung tăng nửa cuối tháng 3

Dư nợ tín dụng toàn ngành tính đến giữa tháng 4-2021 đã ở mức xấp xỉ 9,5 triệu tỉ đồng, tăng 307.000 tỉ đồng, tương ứng tăng 3,34% so với cuối năm 2020. Mức tăng này gấp 4,3 lần so với cùng kỳ năm 2020 tính theo số tuyệt đối, cho thấy nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế đã gia tăng mạnh mẽ trở lại.

Trong con số tăng trưởng tín dụng 2,93% của ba tháng đầu năm nay, thì vốn rót vào cho vay kinh doanh bất động sản và xây dựng cũng tăng đến 2,94%, với dư nợ tuyệt đối đến cuối tháng 3 đã lên tới 1,85 triệu tỉ đồng, chiếm 19,6% trong tổng dư nợ của nền kinh tế.

Đáng lưu ý là dư nợ tín dụng chỉ tập trung tăng mạnh trong tháng cuối cùng của quí 1, đặc biệt là giai đoạn nửa cuối tháng 3. Cụ thể, số liệu thống kê cho thấy dư nợ tín dụng sau khi tăng 0,76%, tương ứng tăng 69.857 tỉ đồng trong tháng 1, đến tháng 2 bất ngờ giảm nhẹ 9.352 tỉ đồng, theo đó mức tăng chỉ còn đạt 0,66% so với đầu năm, đến cuối tháng 3 mức tăng đạt 2,93%, tương ứng tăng 269.342 tỉ đồng so đầu năm, tăng 208.837 tỉ đồng chỉ tính riêng trong tháng 3.

Trước đó, số liệu công bố của Tổng cục Thống kê tính đến ngày 19-3 cho thấy tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt 1,47% so với đầu năm, tương ứng mức tăng hơn 135.130 tỉ đồng. Như vậy, chỉ trong vòng 12 ngày cuối tháng 3, dư nợ tín dụng đã kịp tăng thêm 134.212 tỉ đồng, chiếm 50% mức tăng của cả quí 1. Trong nửa đầu tháng 4 tín dụng đang ghi nhận chỉ tăng nhẹ thêm 37.690 tỉ đồng.

Phân tích chi tiết như vậy để thấy yếu tố mùa vụ, diễn biến dịch bệnh và nền kinh tế đang ảnh hưởng lên hoạt động cho vay của ngành ngân hàng như thế nào. Đơn cử như dư nợ giảm nhẹ trở lại trong tháng 2, ngoài do dịp Tết Nguyên đán khách hàng có xu hướng tất toán các khoản vay và ngại vay mới, thì một đợt dịch bùng phát ngay thời điểm trước Tết rõ ràng cũng ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế và nhu cầu vay vốn cho các hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, tháng 3 chứng kiến nền kinh tế khởi sắc hơn, cộng thêm dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát thành công và kết thúc kỳ nghỉ Tết dài đã thúc đẩy các hoạt động kinh doanh được đẩy mạnh trở lại, từ đó cũng làm tăng nhu cầu vay vốn. Đặc biệt, tín dụng tăng mạnh trong giai đoạn cuối tháng 3 có lẽ còn đến từ việc chạy chỉ tiêu ở các ngân hàng để đạt kế hoạch quí 1 đề ra, làm đẹp báo cáo tài chính và số liệu cho kỳ họp đại hội đồng cổ đông.

Động lực từ hoạt động công nghiệp…

Với mức dư nợ tuyệt đối hiện nay đã lên tới 140% GDP, thuộc nhóm nước có tỷ lệ cao theo đánh giá của quốc tế, lãnh đạo NHNN mới đây cũng nhận định rằng tỷ lệ này tiếp tục tăng cao và vốn vay trung, dài hạn cũng dựa nhiều vào ngân hàng sẽ tạo áp lực lớn đối với việc cân đối vốn của hệ thống ngân hàng và cân đối vĩ mô.

Triển vọng phục hồi của nền kinh tế vẫn là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng lên hoạt động cho vay của ngành ngân hàng khi không chỉ thúc đẩy nhu cầu vay vốn để mở rộng đầu tư sản xuất trong giới doanh nghiệp, vay tiêu dùng và kinh doanh của khách hàng cá nhân, mà còn khiến ngân hàng nới lỏng các điều kiện, tiêu chuẩn cho vay hơn so với giai đoạn trước đây, khi rủi ro của nền kinh tế đã giảm xuống.

Đặt các số liệu vĩ mô trong quí đầu năm nay so sánh tương quan với cùng kỳ năm 2020 sẽ thấy được nền kinh tế ảnh hưởng thế nào lên hoạt động tín dụng. Tăng trưởng GDP quí 1 năm nay đạt 4,48%, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quí 1-2020, trong đó hoạt động sản xuất công nghiệp tăng 6,5%, cũng cao hơn mức tăng chưa đến 5,3% của quí 1-2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quí 1 năm nay tăng 5,1%, trong khi quí 1-2020 chỉ tăng 4,7%, còn nếu tính riêng tháng 3 thì năm nay tăng 9,2%, trong khi tháng 3-2020 giảm 0,8%.

Một chỉ số khác cũng cho thấy công nghiệp đang hồi phục mạnh là chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) tháng 3 đã tăng vọt lên 53,6 điểm, phản ánh sức khỏe của lĩnh vực sản xuất cải thiện mạnh mẽ, cùng với niềm tin kinh doanh lên mức cao nhất trong 20 tháng qua. Điều này càng tạo động lực cho các doanh nghiệp tăng cường vay vốn để mở rộng đầu tư và tăng tốc các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại, sau khi đã trải qua giai đoạn trì trệ trong năm 2020.

Thực tế dư nợ cho vay trong lĩnh vực công nghiệp cũng đạt mức tăng trưởng khá cao so với các phân khúc khác trong những tháng đầu năm nay. Theo số liệu dư nợ tín dụng chi tiết cập nhật đến cuối tháng 2 từ trang web của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong tổng mức tăng 0,66% so với đầu năm, lĩnh vực công nghiệp tăng hơn 2%, kế tiếp là vận tải và viễn thông tăng 0,9%, các hoạt động dịch vụ khác tăng 0,86%, trong khi nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng nhẹ 0,16%, thương mại giảm 0,1% còn xây dựng giảm đến 0,67% so với đầu năm. Còn theo chia sẻ mới đây của NHNN, đến cuối tháng 3, riêng dư nợ ngành công nghiệp hỗ trợ cũng tăng 3,04% so với đầu năm.

Về phía ngân hàng, trước tình trạng thừa vốn sau khi đã tăng mạnh được nguồn vốn tự có trong những năm qua nhờ tăng vốn điều lệ và phát hành các giấy tờ có giá dài hạn, cũng như lượng tiền gửi tiếp tục tăng trưởng khả quan và cao hơn dư nợ tín dụng trong năm 2020 vừa qua, thời điểm hiện tại các ngân hàng càng phải cạnh tranh cho vay và đẩy vốn ra, nhất là khi rủi ro trong nền kinh tế đã giảm xuống đáng kể như đã nói ở trên và tranh thủ khi biên lãi suất vẫn còn đang ở mức hấp dẫn.

Ngoài ra, nếu như trước đây hoạt động cho vay bị san sẻ khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nóng, giúp các doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn từ các nhà đầu tư cá nhân, thì với việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bị thắt chặt từ đầu quí 4 năm ngoái, nhiều doanh nghiệp buộc phải quay về với kênh tín dụng truyền thống tại các ngân hàng.

Và thị trường tài sản

Mặt bằng lãi suất thấp, trong đó lãi suất cho vay dù giảm chậm hơn lãi suất huy động, nhưng nếu so với giai đoạn trước cũng đã đi xuống đáng kể, phần nào thúc đẩy nhu cầu tín dụng trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, hệ quả tất yếu là cầu vay vốn không chỉ tăng mạnh ở các hoạt động sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, mà còn ở các nhu cầu vay đầu tư để rót vốn vào các thị trường tài sản.

Thị trường bất động sản nóng sốt liên tục tại hàng loạt địa phương trong thời gian gần đây cùng với nhu cầu vay vốn gia tăng là minh chứng rõ nhất cho hiện tượng này. Thực tế trong con số tăng trưởng tín dụng 2,93% của ba tháng đầu năm nay, thì vốn rót vào cho vay kinh doanh bất động sản và xây dựng cũng tăng đến 2,94%, với dư nợ tuyệt đối đến cuối tháng 3 đã lên tới 1,85 triệu tỉ đồng, chiếm 19,6% trong tổng dư nợ của nền kinh tế.
Trong khi đó, đứng về góc độ nhà điều hành, với mức dư nợ tuyệt đối hiện nay đã lên tới 140% GDP, thuộc nhóm nước có tỷ lệ cao theo đánh giá của quốc tế, lãnh đạo NHNN mới đây cũng nhận định rằng tỷ lệ này tiếp tục tăng cao và vốn vay trung, dài hạn cũng dựa nhiều vào ngân hàng sẽ tạo áp lực lớn đối với việc cân đối vốn của hệ thống ngân hàng và cân đối vĩ mô. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới