Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tín dụng xanh: đắt đỏ nhưng ‘đáng tiền’

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Dòng vốn cho tín dụng xanh được đánh giá là khó tiếp cận và đắt đỏ, nhưng mang lại lợi ích trong dài hạn. Bên cạnh các yếu tố ảnh hưởng khách quan, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp nên có cách tiếp cận riêng và cần thực hiện ngay.

Tín dụng xanh không phải là tín dụng ‘rẻ’

Một chủ đề được thảo luận rất sôi nổi trong Diễn đàn Kinh tế Xanh tổ chức ngày 22-4 bởi Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, là làm thế nào để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn “xanh” để thay đổi hoạt động sản xuất của mình.

Các diễn giả đều đánh giá khả năng tiếp cận vốn là thách thức rất lớn với doanh nghiệp muốn "xanh hóa" hoạt động. Ảnh: Lâm Vũ.

Cụ thể, tại phiên thảo luận với chủ đề: “Sản xuất xanh, lựa chọn để thay đổi”, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, USAID, cho biết hiện có rất nhiều doanh nghiệp gặp khó về tiếp cận vốn.

“Tại sao nhiều doanh nghiệp không làm? Vì họ không có điều kiện để tiếp cận vốn dài hơi, khi mà các phương án kinh doanh trước đó thường chỉ đến từ ngân hàng với khoảng 4-5 năm”, ông Sơn nói.

Chia sẻ tương tự, bà Lương Phương Mai, Giám đốc Khối khách hàng Doanh nghiệp lớn khu vực phía Nam và Bất động sản, HSBC Việt Nam, đánh giá khẩu vị tài trợ của ngân hàng Việt Nam thường chỉ quanh mức 10 năm, do đó những tài sản thương mại cần thời gian đầu tư 15-20 năm thì sẽ gặp khó khăn.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Thiên Minh Group, thành viên Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, nhấn mạnh thách thức của các dự án xanh là chi phí.

Các dự án xanh sử dụng công nghệ cao giá không rẻ, thêm nữa khâu vận hành liên quan đều sẽ tốn tiền hơn phương thức truyền thống. Do đó, dòng tiền dự án sẽ đội lên, sẽ rất khó để vay ngân hàng. “Tôi thực sự chưa thấy ai vay các dự án có ý nghĩa với giá rẻ”, ông Minh nói.

Tuy nhiên, ở góc độ là tổ chức tín dụng hoạt động trên quy mô toàn cầu, bà Mai cho nhấn mạnh rằng tín dụng xanh không đồng nghĩa là tín dụng “rẻ”, tức đo đếm bằng lãi suất để doanh nghiệp có thể tiếp cận. Nếu nhận được tài trợ cho các dự án xanh, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm hơn nhờ nhận được nhiều giá trị khác trong tương lai. Theo đó, chi phí có thể tăng lên, nhưng sẽ tác động dương đến dòng tiền, giúp dòng tiền dài hạn nhìn chung sẽ giảm đi.

“Lợi ích không chỉ đến từ việc tiết kiệm bao nhiêu lãi vay, mà lợi tích từ tính thanh khoản, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, chúng đều là sức khỏe tài chính của doanh nghiệp”, bà Mai chia sẻ.

Các diễn giả tham gia sự kiện Diễn đàn Kinh tế Xanh. Ảnh: Lâm Vũ.

Chi tiết này cũng được ông Sơn đồng tình. Khẩu vị của các tổ chức nước ngoài, nơi sẵn lòng cung cấp dòng vốn giá rẻ, thường tập trung vào các doanh nghiệp có thêm yếu tố phát triển bền vững. Do đó, nếu doanh nghiệp có “chỉ tiêu xanh” trong hoạt động, khả năng tiếp cận được vốn sẽ được mở ra rất nhiều.

Mặt khác, theo bà Mai, nếu doanh nghiệp chọn đứng ngoài xu thế chuyển đổi hoạt động sang “xanh” thì thậm chí sẽ đối mặt với rủi ro chi phí còn cao hơn trong tương lai, khi thị trường áp đặt các tiêu chuẩn môi trường khắt khe hơn. Chẳng hạn, doanh nghiệp gây phát thải sẽ phải bỏ tiền mua chứng chỉ carbon từ thị trường, để bù lại phần phát thải của mình.

Đại diện HSBC Việt Nam cũng đánh giá, hiện các doanh nghiệp đứng trước áp lực về chuyển đổi xanh, không chỉ ở năng lượng tái tạo mà còn rất nhiều mảng khác. Theo thống kê, các ngành giao thông, năng lượng và nông nghiệp là những lĩnh vực phát thải nhiều nhất, mang tính hiệu ứng nhà kính lớn nhất. Tuy nhiên, đây là rủi ro nhưng đồng thời cũng là cơ hội.

Doanh nghiệp nên tiếp cận từng bước

Vì không đủ tài lực, các công ty con trong tập đoàn Thiên Minh có cách tiếp cận riêng với chuẩn xanh, được chọn lọc thực hiện từ từ và rất sớm. "Những chuyển đổi không cần quá phức tạp, cao siêu", ông Kiên nhấn mạnh.

Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, du lịch, lữ hành và công nghệ hàng không này cũng xác định các yếu tố để phát triển bền vững là không ảnh hưởng môi trường, phá hủy tự nhiên, bảo tồn, bảo tồn văn hóa địa phương, phát triển kinh tế địa phương và cộng đồng.

Theo đó, các tiêu chí cụ thể là đảm bảo không sử dụng nhựa, sử dụng nhà cung cấp địa phương, lao động địa phương, trong đó đảm bảo tối đa người lao động là phụ nữ với mức thu nhập cao nhất có thể. Các dự án hiện nay của Thiên Minh khuyến khích khách hàng đi bộ và sử dụng xe đạp, đồng thời tập đoàn cũng sẽ nghiên cứu sử dụng các xe điện, giảm dần ô tô động cơ đốt trong.

Theo ông Minh, cái lợi đầu tiên là sẽ có khách hàng và tiếp theo là những nhân sự trẻ (hiện chiếm đa số trong tập đoàn) sẽ ủng hộ xu hướng này. Mặt khác, sự chuẩn bị từ trước cho các doanh nghiệp là không thừa, vì nếu chính sách tương lai phân biệt rõ ràng hơn về môi trường thì các doanh nghiệp có tiếp cận rõ ràng từ đầu sẽ có lợi thế.

Trên thực tế, hiện đã có rất nhiều tập đoàn đã xác định phương hướng đặt tiêu chuẩn sản xuất xanh từ lâu. Chẳng hạn như tập đoàn sản xuất thép NS BlueScope đặt mục tiêu giảm 30% lượng phát thải carbon trong giai đoạn 2018-2030 với nhiều biện pháp và đang có kết quả tốt. Nhà sản xuất xe ô tô VinFast với tham vọng về xe điện đã ngừng sản xuất động cơ đốt trong, hay các doanh nghiệp dệt may khởi động các dự án liên quan đến tái chế, sử dụng rác thải nhựa từ bao bì và chai lọ để làm giày thể thao.

Trong lĩnh vực bất động sản, NovaGroup cũng đã có dự án nhà ở đạt chứng nhận xanh EGDE năm 2016, giúp cắt giảm lượng tiêu thụ tài nguyên đáng kể. Hiện các dự án mà tập đoàn này triển khai cũng hướng đến các chuẩn xanh, như phủ xanh 70% diện tích và sử dụng nguồn năng lượng từ điện mặt trời.

Mảng xanh tại dự án Aqua City.

Tuy nhiên, thách thức lớn vẫn sẽ nằm ở các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa đủ sức lực để thực hiện chuyển đổi sản xuất xanh.

HSBC đã tài trợ khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ cho các dự án xanh tại Việt Nam, trải rộng nhiều ngành nghề.

Bà Mai, HSBC đưa ra khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam nếu có ý tưởng sản xuất xanh thì mạnh dạn trao đổi với ngân hàng về chuyện tài trợ. “Tại HSBC, không cần thiết phải có dự án mới tới nói chuyện. Có những trường hợp chúng tôi đối thoại với nhau để chia sẻ kinh nghiệm ở các quốc gia khác, để thị trường cùng nhau thay đổi nhận thức, gieo ý tưởng sản xuất xanh cho doanh nghiệp”, bà Mai nói.

Hiện một cách thức tài trợ phổ biến hiện nay là tín dụng liên kết bền vững. Ngân hàng sẽ tài trợ vốn theo tiến độ thực hiện các chỉ tiêu xanh mà doanh nghiệp cam kết. Chẳng hạn, nếu mức khí thải giảm đến mức nhất định thì lãi suất giảm, nếu không đạt thì lãi suất sẽ tăng lên.

“Điều này sẽ tạo ra hành lang khuyến khích doanh nghiệp, vì không thể ngay lập tức chuyển từ “nâu” sang xanh được”, bà Mai nói.

Một rủi ro liên quan đến hoạt động đầu tư xanh còn là các quy định quản lý. Chẳng hạn như thời gian qua, nhiều dự án điện mặt trời không kịp hoàn thành tiến độ để được hưởng giá bán điện ưu đãi, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 vào năm ngoái, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và xã hội nói chung.

Theo đánh giá của đại diện Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, USAID, chính sách đang đi quá chậm so với thực tiễn thị trường, thay vào đó, các nhà quản lý nên tạo ra môi trường thuận lợi để kích thích thị trường vận hành hiệu quả nhất. “Điều quan trọng nhất là khơi thông được dòng vốn thông qua chính sách thúc đẩy”, ông Sơn nhấn mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới