Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tín hiệu tích cực cho lãi suất – kỳ vọng gì trong giai đoạn tới?

Triệu Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Đang xuất hiện những tín hiệu tích cực hơn có thể giúp mặt bằng lãi suất ổn định trở lại. Đó là các yếu tố nào? Và liệu xu hướng lãi suất thời gian tới sẽ được hỗ trợ từ đâu?

Việc tỷ giá đã hạ nhiệt nhờ nguồn cung ngoại tệ tiếp tục dồi dào và đồng đô la Mỹ đi xuống trên thị trường quốc tế có thể tạo điều kiện thuận lợi cho nhà điều hành mua ngoại tệ.

Tín hiệu tích cực

Sau giai đoạn tăng nhanh trong quí 2-2024 và nửa đầu quí 3-2024, tốc độ tăng lãi suất huy động vốn của các ngân hàng dường như đang chậm lại trong thời gian gần đây, thậm chí đã có một vài ngân hàng bất ngờ ngược dòng - giảm lãi suất trở lại. Có thể kể đến như Ngân hàng Bắc Á đã điều chỉnh khung lãi suất tiền gửi giảm 0,1-0,2 điểm phần trăm tùy kỳ hạn từ giữa tháng 8 vừa qua, sau năm lần tăng liên tiếp trước đó từ tháng 4 đến tháng 7.

Trước đó, đầu tháng 8, Ngân hàng Đông Nam Á giảm đều 0,25 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1-36 tháng. Hay gần nhất là Ngân hàng An Bình giảm 0,15 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên từ ngày 4-9. Diễn biến này báo hiệu xu hướng đi lên ở lãi suất tiền gửi có thể đảo chiều trong thời gian tới, hay ít nhất là chững lại, bất chấp tín dụng vẫn đang tăng trưởng tích cực hơn.

Theo chia sẻ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng toàn ngành sau khi đạt mức 6,63% tính đến ngày 26-8, thì cập nhật đến ngày 7-9 đã leo lên mức 7,15% - cao hơn mức tăng 5,53% của cùng kỳ năm 2023. Đại diện NHNN trong cuộc họp báo Chính phủ mới đây cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay là có thể đạt được. Cuối tháng 8 vừa qua, nhà điều hành đã có văn bản tăng room tín dụng năm 2024 cho một số ngân hàng tăng trưởng tín dụng tốt và đáp ứng điều kiện.

Đã xuất hiện một số yếu tố hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất huy động vốn ổn định hơn.

Đầu tiên là động thái bơm ròng trở lại của NHNN qua kênh thị trường mở và tín phiếu. Sau khi bơm ròng 61.358 tỉ đồng trong tháng 7, NHNN tiếp tục bơm ròng 50.305 tỉ đồng trong tháng 8, đồng thời đã ngừng phát hành tín phiếu từ ngày 26-8 đến nay. Và chỉ trong ba phiên giao dịch đầu tiên của tháng 9, cơ quan này đã bơm ròng thêm 27.792 tỉ đồng.

Động thái giảm lãi suất phát hành tín phiếu cùng với bơm ròng thanh khoản tiền đồng cho hệ thống có lẽ đã, đang và sẽ góp phần tác động tích cực đến mặt bằng lãi suất của nền kinh tế.

Song song đó, NHNN cũng đã giảm lãi suất phát hành tín phiếu xuống còn 4,2%/năm từ ngày 20-8, đánh dấu lần giảm thứ 2 chỉ trong vòng một tháng. Trước đó, vào ngày 5-8, lãi suất tín phiếu và lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá trên OMO cũng đã được điều chỉnh giảm 0,25 điểm phần trăm xuống còn 4,25%/năm. Động thái giảm lãi suất nói trên cùng với bơm ròng thanh khoản tiền đồng cho hệ thống có lẽ đã, đang và sẽ góp phần tác động tích cực đến mặt bằng lãi suất của nền kinh tế.

Đơn cử như trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất kỳ hạn qua đêm sau khi chạm đỉnh cao 4,98%/năm vào ngày 9-7, đến cuối tháng 8 vừa qua đã giảm chỉ còn quanh 4%/năm. Tương tự, lãi suất kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần cũng giảm lần lượt 0,63 điểm phần trăm và 0,49 điểm phần trăm trong cùng khoảng thời gian, trong khi kỳ hạn 1 tháng giảm 0,35 điểm phần trăm. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp cũng giảm nhẹ ở các kỳ hạn 7,10 và 15 năm trong tháng 8.

Theo chia sẻ từ đại diện NHNN, cơ quan này đã có các biện pháp để từng bước hạ lãi suất. Theo đó, hiện nay, lãi suất cho vay những khoản mới trung bình là 6,23%/năm, giảm 0,86 điểm phần trăm so với cuối năm 2023. Lãi suất huy động là 3,84%/năm, tăng 0,23 điểm phần trăm, ở mức nhỏ với một số ngân hàng nhỏ. Điều này cho thấy dù các ngân hàng đã liên tục tăng lãi suất trong hơn năm tháng qua, nhưng vẫn không ở mức quá cao so với thời điểm đầu năm nay.

Kỳ vọng thêm điều gì?

Theo giới phân tích, với một số động thái nới lỏng chính sách hơn được thực hiện gần đây, như giảm lãi suất và bơm ròng trên kênh tín phiếu và OMO, nới room tín dụng, nhà điều hành có thể tiếp tục mở rộng cung tiền trong những tháng cuối năm nay thông qua việc mua ròng ngoại tệ trở lại để gia tăng dự trữ ngoại hối.

Có bốn cơ sở để kỳ vọng vào một kịch bản tích cực như vậy.

Đầu tiên là tăng trưởng cung tiền trong nền kinh tế vẫn đang ở mức rất thấp, do đó còn nhiều dư địa để mở rộng lớn hơn. Theo cập nhật gần nhất từ trang web của NHNN, tổng phương tiện thanh toán đến hết tháng 5-2024 chỉ mới tăng 0,82% so với đầu năm nay. Việc nhà điều hành phải can thiệp tiếp tục bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá trong tháng 6 có lẽ đã càng thu hẹp mức tăng trưởng khiêm tốn nói trên.

Thứ hai là lạm phát vẫn đang được kiểm soát tốt dưới mục tiêu 4,5%, tạo điều kiện để mở rộng cung tiền và nới lỏng chính sách hơn. Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tám tháng đầu năm 2024 chỉ tăng 4,04% so với cùng kỳ năm trước; trong khi lạm phát cơ bản cũng chỉ tăng 2,71%, do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là những yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản. Ngoài ra, việc thị trường vàng đã được bình ổn hiệu quả cũng góp phần giảm bớt áp lực lên lạm phát.

Thứ ba là việc tỷ giá đã hạ nhiệt nhờ nguồn cung ngoại tệ tiếp tục dồi dào và đồng đô la Mỹ đi xuống trên thị trường quốc tế có thể tạo điều kiện thuận lợi cho nhà điều hành mua ngoại tệ. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chắc chắn sẽ giảm lãi suất cơ bản đô la Mỹ trong cuộc họp vào tháng 9 này, đánh dấu động thái chính thức đảo chiều chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới, cũng sẽ góp phần củng cố cho định hướng nới lỏng hơn của nhà điều hành.

Thứ tư là với dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong những năm qua do phải bán ra can thiệp thị trường ngoại hối, mà một số ước tính cho thấy đã rớt về dưới ngưỡng 12 tuần nhập khẩu, thấp hơn mức khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là phải từ 12-14 tuần nhập khẩu, nhà điều hành càng có động lực để tăng cường tích lũy dự trữ ngoại hối trở lại trong giai đoạn tới.

Về phần mình, các ngân hàng cũng sẽ nỗ lực đa dạng hóa nguồn vốn kinh doanh để giảm bớt sự phụ thuộc vào huy động từ thị trường dân cư, hạn chế áp lực lên lãi suất huy động. Đó có thể là tích cực tăng vốn điều lệ theo kế hoạch đã đặt ra, từ việc phát hành thêm cổ phiếu cho đến chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ lại, tìm kiếm nguồn vốn tài trợ thương mại quốc tế, cho đến tiếp tục tăng cường phát hành giấy tờ giá.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, lũy kế tám tháng đầu năm 2024, đã có 227 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ trị giá 215.583 tỉ đồng và 13 đợt phát hành TPDN ra công chúng trị giá 22.733 tỉ đồng. Đáng chú ý, riêng lượng trái phiếu phát hành của nhóm ngân hàng đã chiếm tỷ trọng hơn 72%. Trong bối cảnh hoạt động phát hành TPDN của các nhóm khác vẫn rất khó khăn, dòng vốn đầu tư đã tập trung vào trái phiếu ngân hàng và xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng củng cố thêm nguồn vốn kinh doanh dài hạn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới