Chủ Nhật, 15/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tính chuyện giúp nông dân miền Trung khôi phục kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tính chuyện giúp nông dân miền Trung khôi phục kinh tế

Nhân Tâm

Tính chuyện giúp nông dân miền Trung khôi phục kinh tế

(TBKTSG Online) - Cùng với sự hỗ trợ về giống và vật tư từ Nhà nước và chính quyền địa phương và nghị lực của chính mình, người nông dân miền Trung đang dần khôi phục lại sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại năng nề sau 9 cơn bão liên tiếp.

Nông dân tại làng rau Trà Quế, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão. Ảnh: Nhân Tâm

Từ chuyện vườn rau, cây ăn trái ở Quảng Nam

“Sau cơn bão số 10 vườn rau gần như mất trắng. Ngay cả cây rau húng quế kiên cường nhất cũng không chịu nổi”, ông Nguyễn Lên, 62 tuổi, nói. Ông Lên là một trong hơn 200 nông dân tại làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Trong cuộc đời 40 năm làm nông, ông Lên than đây là lần đầu tiên nông dân ở làng rau của ông chứng kiến nhiều cơn bão liên tiếp như vậy mùa cuối năm. Sau cơn bão số 10, ông mua lại giống và dần trồng lại một vài loại rau như cải, xà lách, húng quế… trên mảnh đất hơn 650m2 của mình.

Ông Lên sống chung với một người chị và ba người con cùng một con dâu. Các con ông lâu nay kiếm sống nhờ cung cấp các dịch vụ du lịch, nhưng đã bị mất thu nhập từ nhiều tháng nay do khách du lịch sụt giảm đáng kể. Hiện nay, tất cả trông chờ vào những luống rau của ông, thu hoạch hằng ngày, đem ra chợ bán.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND thành phố Hội An, cho biết để giúp nông dân khôi phục sản xuất sau thiên tai, UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành, xã, phường tập trung thực hiện nhanh một số việc.

Trong đó, các xã phường tổng hợp thiệt hại về nông nghiệp gửi về thành phố để báo cáo tỉnh đề nghị hỗ trợ. Hội An sẽ giải ngân ngay kinh phí 500 triệu đồng được tỉnh cấp để hỗ trợ cho nông dân, tập trung vào việc hỗ trợ giống (rau màu) và nguồn kinh phí 2,5 tỉ đồng cho sửa chữa hạ tầng nông nghiệp (sửa chữa, nạo vét kênh mương bị hư hỏng,...).

“Thành phố cũng sẽ giải ngân nguồn kinh phí tỉnh cấp theo chính sách bảo vệ, phát triển đất trồng lúa để giúp nông dân sản xuất vụ Đông Xuân bên cạnh chuẩn bị và hỗ trợ nông dân tiêu thụ hoa cây cảnh trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới”, ông Hùng cho biết và chia sẻ thêm rằng Hội An cũng đang kêu gọi mạnh thường quân, các nhà hảo tâm chung tay giúp cho nông dân và khu vực nông nghiệp (tặng giống cây trồng, con vật nuôi).

Bên cạnh Hội An, các vùng nông nghiệp, cây ăn trái ở Quảng Nam như Tiên  Phước, Đại Lộc hay Điện Bàn cũng đang dần trở lại sản xuất.

Nhà ông Đồng Thanh Cường tại huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam và các nông dân đang vất vả khôi phục lại các loại cây trồng sau lũ. Cả 40 gốc măng cụt từ 15 năm tuổi trở lên của ông sau những trận bão vừa qua nhiều cây nghiêng ngã, cây còn trụ được thì cũng gãy cành nhánh.

Nông dân miền Trung đang cố gắng phục hồi các ruộng lúa, chuẩn bị cho vụ Đông - Xuân với sự hỗ trợ của Nhà nước. Ảnh: Nhân Tâm

“Công sức chăm bón bấy lâu, chừ cây nào cũng bị lay gốc. Cây nào chống được thì chống lên rồi, nhưng sợ nó bị lay gốc bởi gió, rễ đã đứt thì rất khó, nhưng phải cố cứu. Từ mùa này xem như bỏ, đến 3 năm sau nếu cây còn xanh thì mới hy vọng đơm bông kết trái lại được”, ông Cường nói.

Ông Nguyễn Hữu Dân, một nông dân khác tại huyện Tiên Phước cũng đang loay hoay với vườn chuối 3ha và 100 gốc sầu riêng đã được một năm tuổi. Những cây chuối lớn bị ngã rạp ông đã chặt bỏ, chỉ giữ lại cây con để chăm cho nó lên lại. Sầu riêng thì trước bão ông đã chặt tỉa ngọn nên ít ngã đổ. Cây nào bị gió lay gốc thì giờ chăm lại, cứu sống được chừng nào tốt chừng đó.

Theo ông Trầm Quế Hương, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, huyện đã thực hiện các biện pháp, phương án hỗ trợ nông dân phục hồi các vườn cây ăn quả. Trước mắt, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện đã cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân chăm sóc lại các vườn cây bị ngã đổ. Trong đó hỗ trợ và hướng dẫn cho người dân các biện pháp kỹ thuật dựng lại cây bị ngã đổ sao cho không bị đứt rễ; phổ biến cách thức sử dụng các loại phân bón, keo dán giúp cây liền sẹo, không bị vi khuẩn, sâu bệnh xâm nhập.

Đến chuyện vực dậy cây lúa và thủy hải sản

Trong khi đó, tại buổi tổng kết công tác sản xuất trồng trọt - bảo vệ thực vật năm 2020 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 vừa được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên - Huế tổ chức, một số hoạt động ưu tiên được đưa ra. Đó là tập trung khắc phục thiệt hại do lũ lụt, kiểm tra và có kế hoạch tu sửa đê bao ngăn mặn, kênh mương nội đồng; rà soát giống lúa để chuẩn bị gieo cấy vụ Đông Xuân 2020-2021 và tiếp tục triển khai, thực hiện chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa phê chuẩn phân bổ giống cây trồng hỗ trợ (không thu tiền) cho các địa phương khắc phục thiên tai. UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tiếp nhận và phân phối đến người dân bị thiệt hại do thiên tai gây ra đảm bảo đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, theo đúng quy định.

Theo đó, phân bổ 1.000 tấn hạt giống lúa và 1,5 tấn hạt giống rau, xuất từ nguồn dự trữ Quốc gia cho các huyện, thị xã và thành phố Huế để hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra. Cụ thể, huyện Phong Điền được hỗ trợ 216.151 kg giống lúa và 34 kg giống rau; Quảng Điền 215.400 kg giống lúa và 126 kg giống rau; Hương Trà 82.000 kg giống lúa và 54 kg giống rau; Hương Thuỷ 140.351 kg giống lúa; Phú Vang 297.351 kg giống lúa và 1.286 kg giống rau; Phú Lộc 32.000 kg giống lúa; thành phố Huế 16.747 kg giống lúa.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Công ty cổ phần Giống cây trồng vật nuôi tỉnh Thừa Thiên - Huế, Công ty Giống rau quả Trung ương - Chi nhánh Tổng công ty Rau quả, Nông sản - Công ty cổ phần để tiếp nhận và giao trực tiếp cho UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế để cấp phát kịp thời hạt giống đến người dân đảm bảo đủ số lượng, chất lượng nguồn giống để gieo trồng kịp thời vụ.

Việc hỗ trợ này xuất phát từ việc nhiều địa phương đang thiếu giống cây trồng sau lũ, khiến nông dân gặp khó khăn trong việc khôi phục sản xuất.

Ngoài nguồn giống tại chỗ trong dân và hỗ trợ từ tỉnh, nhiều hợp tác xã trên địa bàn đã chủ động sử dụng nguồn lúa giống xác nhận được cung ứng tại Công ty Cổ phần Giống Cây trồng Vật nuôi tỉnh. Theo Hợp tác xã nông nghiệp Thủy Thanh, vụ Đông Xuân tới hợp tác xã dự kiến đưa vào gieo trồng khoảng 310 ha các loại giống lúa khác nhau với khoảng 30 tấn giống các loại.

Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình, đợt mưa lũ kéo dài vừa qua đã gây ngập lụt diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh, làm thiệt hại 8.861ha lúa, hoa màu, cây trồng; 41.231 tấn hạt giống; 1.038.521 con gia súc, gia cầm; 4.383ha nuôi trồng thủy sản... 493 lồng, bè nuôi thủy, hải sản và 228 phương tiện khai thác thủy hải sản bị hư hại. Tổng thiệt hại toàn ngành Nông nghiệp trong hai đợt mưa lũ vừa qua ước tính 1.780 tỉ đồng.

Riêng đối với lĩnh vực thủy sản, Sở đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương kiểm tra, tiến hành tu sửa, gia cố bờ đê, cửa cống, sửa chữa máy móc thiết bị, vệ sinh, khử trùng và cải tạo ao để chuẩn bị bước vào vụ nuôi mới; chủ động kế hoạch nhập đủ số lượng cá giống bị trôi để khôi phục sản xuất, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu con giống của người nuôi trên địa bàn. Ngoài ra, Sở cũng đã kiểm tra, gia cố các công trình thủy lợi, đầu mối, đập dâng bị sạt lở do lũ, bảo đảm đủ nước cho sản xuất vụ Đông-Xuân...

Nuôi thủy sản lồng bè tại tỉnh Bình Định. Trong các cơn bão vừa qua, nuôi trồng thủy sản tại các địa phương như Bình Định, Phú Yên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh: baobinhdinh.gov.vn

Về thủy sản nói chung, để hỗ trợ nhanh người dân phục hồi sản xuất, Tổng cục Thủy sản đã kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ trên 76 triệu giống tôm thẻ chân trắng, 150 tấn thức ăn hỗn hợp nuôi tôm nước lợ, 15 tấn sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, với trị giá 71 tỉ đồng.

Tổng cục Thủy sản cũng đã phối hợp với Cục Thú y và Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức 10 lớp tập huấn tại 5 tỉnh cho người dân nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng bởi mưa bão về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản mùa mưa bão, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Có thể nói, mùa mưa bão vừa qua đã gây thiệt hại rất lớn đến sản xuất nông nghiệp tại miền Trung. Tuy nhiên, với tinh thần chịu thương chịu khó, các nông dân không thể ngồi yên mà phải khôi phục dần với sự trợ giúp của chính quyền và các mạnh thường quân.

Nói như nông dân Nguyễn Lên tại Quảng Nam, những người nông dân chịu khổ quen rồi, họ chấp nhận làm lại từ đầu để “kiếm cái ăn” cho mùa Tết sắp tới và năm sau.

Sinh kế bền vững cho bà con sau bão

Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Saigon Times Club dự kiến phối hợp với Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và các mạnh thường quân tổ chức khảo sát tại một làng miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam để thực hiện tái thiết một ngôi làng bị thiệt hại nghiêm trọng sau đợt mưa bão vừa qua.

Việc tái thiết sẽ bao gồm, xây dựng lại nhà cửa, cung cấp cây giống, vật nuôi phù hợp và tư vấn làm nông nghiệp và dịch vụ du lịch theo hướng bền vững, giúp bà con kiếm sinh kế sau khó khăn.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới