(KTSG) - Dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) dài 128,8 ki lô mét, tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỉ đồng, được Chính phủ đề xuất triển khai theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) và hoàn thành trong năm 2026.
- Đầu tư hơn 25.500 tỉ đồng làm cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành
- Thẩm định dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành trước 30-9
Tạo động lực phát triển Tây Nguyên
Theo Tờ trình của Chính phủ, đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài 128,8 ki lô mét. Trong đó, đoạn đi qua tỉnh Đắk Nông dài 27,8 ki lô mét, qua tỉnh Bình Phước dài 101 ki lô mét (đã bao gồm 2 ki lô mét kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa).
Dự án được đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 với quy mô bốn làn xe, tốc độ thiết kế 100-120 ki lô mét/giờ, bề rộng nền đường 24,75 mét; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư một lần theo quy hoạch (sáu làn xe, bề rộng nền đường 32,25 mét).
Trong số năm dự án thành phần, dự án đường cao tốc sẽ triển khai theo hình thức PPP. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 25.540 tỉ đồng, trong đó vốn Nhà nước tham gia 12.770 tỉ đồng (gồm ngân sách trung ương 10.536,5 tỉ đồng, ngân sách địa phương 2.233,5 tỉ đồng - gồm Bình Phước 1.233,5 tỉ đồng và Đắk Nông 1.000 tỉ đồng); vốn nhà đầu tư tham gia 12.770 tỉ đồng. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.111 héc ta. Thời gian thi công xây dựng từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành trong năm 2026.
Tại phiên thảo luận tổ về chủ trương đầu tư dự án vào cuối tuần trước (25-5-2024), các đại biểu Quốc hội nhất trí đầu tư dự án này để kết nối vùng Tây Nguyên với Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và TPHCM, qua đó, tạo động lực phát triển cho Tây Nguyên và Đông Nam bộ cũng như tăng cường bảo đảm an ninh, quốc phòng. Điều các đại biểu quan tâm là tính khả thi của hình thức PPP cũng như mốc thời gian hoàn thành dự án.
“Cần tránh một ngày nào đó, Quốc hội lại thảo luận và cho phép đầu tư bằng ngân sách nhà nước với dự án đường cao tốc này”; “Bình Phước và Đắk Nông còn nghèo, chưa tự chủ được tài chính, phải nhờ hỗ trợ của Trung ương, vì thế việc phải đối ứng hơn hai ngàn tỉ đồng rất khó khăn”; “Chủ trương đầu tư dự án bây giờ Quốc hội mới thảo luận mà thời gian hoàn thành dự kiến là 2026, điều này chắc không đạt được” - các đại biểu nêu ý kiến.
Không lo việc thu hút nhà đầu tư?
Băn khoăn của đại biểu là có cơ sở. Thực tế triển khai các dự án đầu tư theo hình thức PPP thời gian qua cho thấy việc thu hút các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng tham gia đầu tư các dự án gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong báo cáo thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ bổ sung các cơ sở để bảo đảm tính khả thi cho dự án, tránh trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc không huy động được vốn tín dụng cho dự án, dẫn đến phải chuyển đổi sang hình thức đầu tư công làm kéo dài thời gian, giảm hiệu quả đầu tư.
Tuy nhiên, cũng trong phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định với các đại biểu rằng không cần phải quá lo lắng trong việc thu hút nhà đầu tư với dự án này.
“Gốc vấn đề là phương án tài chính của dự án”, ông Thắng nói. Cụ thể, thời gian thu phí của dự án này không quá dài, khoảng 18 năm, trong đó đã bảo đảm được hết phần lãi suất ngân hàng, tỷ suất đầu tư và tương đối tương đồng với ba dự án PPP của cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành và sắp tới sẽ thu phí.
“Trước đây, khi không có phần vốn Nhà nước tham gia, các dự án BOT có thời gian thu phí rất dài, thường là 30 năm, dự án nào thật tốt cũng phải trên 20, 25 năm. Với dự án này, thời gian 18 năm sẽ nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư chuyên đầu tư BOT”. Ngoài ra, việc dự án được áp dụng cơ chế về chia sẻ doanh thu cũng là điều kiện thuận lợi hơn để thu hút các nhà đầu tư tham gia.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết với dự án này, đã có nhà đầu tư quan tâm. Được biết, từ tháng 5-2022, liên danh Vingroup - Techcombank đã đề xuất thực hiện dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành theo hình thức PPP và Bộ GTVT đã có văn bản chấp thuận giao liên danh Vingroup - Techcombank chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Đến tháng 10-2023, liên danh này khẳng định tổng số vốn dự kiến tối đa mà nhà đầu tư có thể thu xếp tham gia vào dự án là 16.000 tỉ đồng.
Về phần tham gia của ngân sách trung ương, Chính phủ kiến nghị Quốc hội chấp thuận bố trí 8.770 tỉ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 và 1.500 tỉ đồng từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025. Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế cho rằng, đề xuất của Chính phủ là phù hợp với các nghị quyết của Quốc hội.
Về phía địa phương, HĐND tỉnh Bình Phước và HĐND tỉnh Đắk Nông đã ban hành nghị quyết dự kiến nguồn vốn để triển khai hai dự án này. Cụ thể, HĐND tỉnh Bình Phước đã thông qua Nghị quyết về bố trí vốn xây dựng cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (đoạn qua tỉnh Bình Phước) với tổng kinh phí 1.474 tỉ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2024-2026. HĐND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết 25/NQ-HĐND về việc bổ sung, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025.
Trên cơ sở này, Đắk Nông sẽ cân đối bố trí 1.000 tỉ đồng nguồn ngân sách địa phương để chi trả một phần kinh phí thực hiện dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành.
Vậy nhưng, có vẻ Ủy ban Kinh tế vẫn chưa yên tâm nên đã đề nghị các địa phương cam kết chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc bố trí nguồn ngân sách địa phương cho dự án.
Mốc hoàn thành năm 2026: “Cơ bản khả thi”?
Trong Tờ trình, Chính phủ khẳng định mốc hoàn thành dự án vào năm 2026 “cơ bản khả thi”. Lý do là theo phương án thiết kế sơ bộ, trên phạm vi dự án không có công trình đặc biệt. Phần lớn là công trình cầu đơn giản, nền đường đào đắp thông thường, không phải xử lý đất yếu, nguồn cung cấp vật liệu cơ bản đáp ứng nhu cầu. Dự án cũng đã được chuẩn bị đầu tư từ năm 2023, phấn đấu thi công xây dựng từ năm 2025.
Đồng thời, Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội cho áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai dự án nhanh hơn, như: cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu với các gói thầu tư vấn, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; được áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng... Ủy ban Kinh tế và các đại biểu Quốc hội đều nhất trí với đề xuất của Chính phủ.
Mặc dù vậy, các đại biểu Quốc hội vẫn cho rằng mục tiêu hoàn thành dự án vào năm 2026 là thách thức lớn. Một mặt, dự án này giao cho Bình Phước là cơ quan chủ quản, trong khi tỉnh chưa có kinh nghiệm trong việc triển khai dự án lớn. Mặt khác, thời gian thực hiện dự án nhóm B, C mất 3-5 năm vẫn chưa xong. Do đó, Chính phủ cần xem xét lại mốc hoàn thành dự án, có thể kéo dài thêm 2-3 năm nữa để tránh phải điều chỉnh.
Dự kiến, vào ngày 17-6, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Sự cần thiết của dự án đã được các đại biểu Quốc hội thống nhất cao, song tính khả thi của dự án, cả về nguồn lực và tiến độ, chắc chắn sẽ được phân tích kỹ lưỡng và đa chiều trước khi xem xét thông qua vào ngày 28-6.
Giá dịch vụ sẽ được tính toán hợp lý
Theo Bộ GTVT, trong hồ sơ dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành trình Quốc hội, các thông số như lãi suất vốn vay, lợi nhuận vốn chủ sở hữu... được tính toán theo đúng quy định pháp luật. Việc lựa chọn lãi suất vốn vay (10,7 %/năm), tỷ suất lợi nhuận (11,77 %/năm), mức giá dịch vụ (2.100 đồng/xe tiêu chuẩn/ki lô mét vào năm 2027) cơ bản phù hợp với các thông số tài chính, mức giá dịch vụ của ba dự án thành phần đầu PPP trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã hoàn thành đưa vào khai thác.
Đối với cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành nói riêng và các tuyến cao tốc khác nói chung đều có các tuyến quốc lộ song hành nên người dân có quyền lựa chọn đi cao tốc hay đi quốc lộ. Vì vậy, việc lựa chọn mức giá dịch vụ hợp lý sẽ bảo đảm doanh thu hiệu quả nhất và thực hiện được chức năng điều tiết giao thông giữa cao tốc và quốc lộ song hành.