Chủ Nhật, 18/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tình trạng giả mạo tài xế GrabBike: ai chịu trách nhiệm?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tình trạng giả mạo tài xế GrabBike: ai chịu trách nhiệm?

Chí Thịnh

Tình trạng giả mạo tài xế GrabBike: ai chịu trách nhiệm?
Theo quy định, tài xế GrabBike chỉ được nhận khách qua ứng dụng, không được chở khách ngoài ứng dụng (đi ngoài). Ảnh: Grab

(TBKTSG Online) - Tại các bến xe Mỹ Đình, bến xe miền Đông TPHCM, sân bay Tân Sơn Nhất… đã xuất hiện các tài xế xe ôm mặc áo GrabBike để mời khách hàng đi xe. Việc giả mạo này đã diễn ra từ khá lâu nhưng các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn chưa chú ý tới. Vậy, ai sẽ chịu trách nhiệm về tình trạng giả mạo GrabBike hiện nay…?

Hô biến trở thành GrabBike
Gần đây, việc các tài xế xe ôm tìm cách mua lại đồng phục GrabBike để giả mạo làm tài xế GrabBike trở nên phổ biến hơn. Đặc biệt là vào dịp Tết Mậu Tuất 2018 vừa qua với số lượng khách yêu cầu xe GrabBike đông đảo tại các bến xe, sân bay… nên việc giả mạo tài xế GrabBike lại rộ lên...

Hiện nay, các tài xế xe ôm truyền thống dễ dàng “hoá thân” thành nhờ khoác bộ đồng phục trang bị cho tài xế GrabBike (bao gồm áo khoác hoặc áo thun, nón bảo hiểm có logo Grab). Họ có thể mua các loại áo đồng phục, nón Grab... một cách dễ dàng thông qua mạng xã hội, các trang web bán hàng trực tuyến...

Trang phục của tài xế GrabBike đang được bán đầy dẫy trên các diễn đàn, mạng xã hội, trang rao vặt trực tuyến (như chotot.com)… với giá rẻ. Giá bán một nón bảo hiểm Grab khoảng 50.000-60.000 đồng; còn áo thun/áo khoác Grab chừng 30.000-100.000 đồng… Những người lái xe ôm giả mạo tài xế GrabBike thường chỉ cần trang bị nón hoặc áo Grab là đủ.

Thông thường, những bộ đồng phục dành cho đối tác GrabBike được sang nhượng lại từ chính các tài xế GrabBike đã ngừng tham gia dịch vụ và đã khóa tài khoản… Cũng có một số tài xế trao đổi trang phục GrabBike do họ chạy cả hai bên (GrabBike và UberMoto); khi chạy UberMoto họ chuyển đồng phục GrabBike cho tài xế xe ôm.

Theo lời các tài xế GrabBike, ở các điểm tập trung số lượng khách có nhu cầu gọi xe như bến xe hoặc sân bay, luôn có mặt đông đảo tài xế xe ôm khoác đồng phục GrabBike (giả mạo). Tại những điểm này, tài xế xe ôm thường hoạt động theo nhóm. Họ tìm cách xua đuổi tài xế GrabBike (mặc đồng phục) ra khỏi khu vực đón khách để khách hàng không thể gọi xe qua điện thoại di động. Sau đó, tiếp cận khách có nhu cầu để mời mọc họ đi GrabBike giá rẻ, không nhận khách qua ứng dụng như tài xế GrabBike thật.

Một tài xế GrabBike thật sẽ phải trang bị đầy đủ các loại nón bảo hiểm, áo khoác Grab... và thường sẽ mang giày. Ảnh: Grab

Khuyến cáo không thôi là chưa đủ
Hiện tượng giả mạo tài xế GrabBike đã khiến cho nhiều người tiêu dùng bị mắc lừa, trả số tiền cước đắt hơn so với khi yêu cầu GrabBike thật. Ví dụ, người viết bài đã đi xe GrabBike từ sân bay Tân Sơn Nhất về khu vực đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh với giá mổi chuyến vào khoảng 25.000-30.000 đồng (quãng đường dài 6-7 km), nhưng khi gặp tài xế GrabBike giả mạo được báo mức cước là 60.000-70.000 đồng.

Một số người tiêu dùng cho biết, vào dịp Tết Mậu Tuất khi xuống xe ở bến xe miền Đông, dù nhìn thấy màu xanh GrabBike đầy trước cổng nhưng không tài nào tìm được xe. Sau đó, sẽ có những tài xế mặc áo xanh của Grab hoặc đội nón Grab chạy tới, hỏi khách đi đâu và báo giá cao hơn gấp 2-3 lần so với giá họ đặt trên ứng dụng Grab.

Do không thể gọi xe qua ứng dụng nên nhiều người phải trả số tiền cao hơn để đi xe ôm giả mạo GrabBike. Đây chính là “đất sống” của cánh tài xế xe ôm khi khoác áo Grab để giả mạo tài xế GrabBike.

Khi trả lời báo chí, đại diện Grab Việt Nam cho biết theo quy định của hãng, tài xế GrabBike bắt buộc nhận yêu cầu từ khách hàng qua ứng dụng (GrabBike Driver). Đồng thời, khách hàng cũng nên yêu cầu GrabBike qua ứng dụng, không nên vẫy xe đi ngoài.

Trên thực tế, lẽ ra Grab Việt Nam phải tìm cách xử lý tình trạng giả mạo tài xế GrabBike vì nó đang gây thiệt hại cho người tiêu dùng, đây vừa là cách doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi và giữ chân khách hàng, đồng thời cũng là cách giữ uy tín thương hiệu. Nếu Grab Việt Nam quản lý đồng phục GrabBike chặt chẽ hơn sẽ góp phần hạn chế việc giả mạo tài xế GrabBike như hiện nay.

Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước (như công an, thanh tra giao thông…) cũng chưa bày tỏ sự quan tâm đến vấn nạn giả mạo tài xế GrabBike. Còn những đơn vị quản lý bến xe miền Đông, sân bay Tân Sơn Nhất… chưa tìm cách giải quyết vấn đề này, chưa thực hiện việc cảnh báo cho người tiêu dùng.

Các đơn vị quản lý các bến xe, sân bay … hoàn toàn có thể dựng bảng thông tin cảnh báo về hiện tượng giả mạo tài xế GrabBike này; thậm chí tạo điều kiện cho tài xế xe ôm truyền thống và tài xế GrabBike có chỗ đưa và đón trả khách thích hợp, an toàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách khi có nhu cầu đi lại bằng xe máy.

Bên cạnh đó, Grab Việt Nam cũng có thể phối hợp cùng cơ quan công an, chính quyền địa phương, đơn vị quản lý bến xe/sân bay... để ngăn chặn tình trạng giả mạo tài xế GrabBike, góp phần bảo vệ quyền lợi khách hàng, bảo vệ thương hiệu của chính doanh nghiệp.

Quy định của Grab đối với tài xế GrabBike

Theo quy định của Grab, khi tài xế tắt ứng dụng Grab, nhưng vẫn khoác đồng phục GrabBike để nhận khách là đã vi phạm bộ quy tắc ứng xử được cam kết trước đó. Tài xế GrabBike phải mặc đồng phục bao gồm áo khoác hoặc áo thun Grab, đội nón bảo hiểm Grab (một nón dành cho tài xế, một nón dành cho hành khách), mang giày hoặc dép có quai hậu. Tài xế GrabBike không được mặc quần short, quần đùi và mang dép lê. Đây cũng là quy chuẩn đồng phục đối với tài xế GrabExpress (giao hàng bằng xe máy.

Mời đọc thêm:

Grab tập trung vào dịch vụ taxi thay vì chia sẻ xe

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới