(KTSG Online) - Trong tháng 9-2022, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, tình trạng này tăng 14% lượt người và tăng 15,07% vụ việc.
Thông tin trên được ông Dương Thanh Bình, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, cho biết tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức vào ngày 10-10.
- Chủ tịch Quốc hội: sửa Luật Giá phải tôn trọng quyền định đoạt về giá của các tổ chức, cá nhân
- Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư ba dự án cao tốc và hai đường vành đai trọng điểm
Về con số được ônh Bình nêu trên, ông Trần Quang Phương, Phó chủ tịch Quốc hội, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những tồn tại đối với các bộ, ngành cũng như địa phương về việc giải quyết, trả lời đến các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể, đến kỳ báo cáo, có 1.653/4.200 vụ việc chưa nhận được văn bản trả lời; còn tình trạng nhiều vụ phức tạp, kéo dài được dư luận xã hội quan tâm chưa được giải quyết; trong lĩnh vực tư pháp, công tác kiểm soát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Viện Kiểm sát nhân dân đối với tòa án ít được thực hiện…
Về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV, ông Trần Quang Phương cho rằng, ngoài những nội dung đã được nêu trong báo cáo, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cụ thể. Các bộ, ngành cũng giải trình thêm về tình trạng một số bộ, ngành trả lời không đúng thời gian theo quy định, như y tế, giáo dục, lao động thương binh xã hội; có một số nơi trả lời nội dung chung chung như trả lời của Bộ Xây dựng về công tác kiểm tra, cấp phép xây dựng.
Bên cạnh đó, ông Phương cho rằng công tác phối hợp giữa các bộ, ngành chưa giải quyết kịp thời nên một số kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết như việc ban hành quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với phí thẩm định các đồ án quy hoạch; một số văn bản quy định của cơ quan thẩm quyền chưa rõ, gây khó khăn cho thực hiện; kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết do vướng mắc và thiếu thống nhất các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật như việc phê duyệt cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hàng năm theo Thông tư 04 của Bộ Công thương, quy định giao Bộ Tài chính hướng dẫn mức thu, quản lý, sử dụng phí thẩm định để đóng cửa mỏ và nghiệm thu đề án đóng cửa mỏ…
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, liên quan đến việc ban hành quy định mức thu, chế độ thu, nộp đối với phí thẩm định đồ án quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong quá trình triển khai thu nộp, Bộ Tài chính đã đề xuất với Bộ Xây dựng thực hiện đề án để Bộ Tài chính thẩm định, ban hành thông tư theo quy định. Dự kiến, trong tháng 10 này, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện đề án.
Liên quan đến kiến nghị về việc thu phí, lệ phí đối với việc thực hiện đề án đóng cửa mỏ trong Luật Khoáng sản, Bộ Tài chính có trách nhiệm quy định mức thu, quản lý và sử dụng phí thẩm định để đóng cửa mỏ, nghiệm thu thực hiện đề án đóng cửa mỏ. Tuy nhiên, Luật Phí là lệ phí lại không quy định loại phí này, bộ không được phép đề ra khoản phí ngoài luật định. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường để điều chỉnh nội dung này cho phù hợp với quy định của pháp luật về phí và lệ phí.