Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tổ chức chính quyền đô thị TPHCM đáp ứng yêu cầu về bộ máy tinh gọn, hiệu quả

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tổ chức chính quyền đô thị TPHCM đáp ứng yêu cầu về bộ máy tinh gọn, hiệu quả

Y.M

(TBKTSG Online) - Theo Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, Thành phố sẽ không tổ chức HĐND phường, quận. Lãnh đạo Sở Nội vụ TPHCM cho hay khi không tổ chức HĐND quận, phường, bộ máy chính quyền của thành phố sẽ được tinh gọn, quyền dân chủ, giám sát của người dân được tăng cường.

Theo chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu sẽ thảo luận về việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM. Dự kiến, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về đề án nêu trên vào ngày 27-10 và bỏ phiếu thông qua vào giữa 11 sắp tới.

Tổ chức chính quyền đô thị TPHCM đáp ứng yêu cầu về bộ máy tinh gọn, hiệu quả
Việc ban hành Nghị quyết tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM là rất cấp thiết đối với một đô thị đặc biệt như TPHCM. Ảnh minh họa: TTXVN

Đảm bảo quyền làm chủ của người dân

Trong cuộc chia sẻ với báo chí, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, cho rằng việc ban hành Nghị quyết Tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM là việc rất cần thiết thời điểm hiện tại.

"Mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt như TP.HCM. Để xóa bỏ trở ngại và giúp thành phố phát huy hết tiềm năng, việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị chính là lời giải", Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho biết.

Điểm chính của đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM là không tổ chức HĐND cấp quận, phường. Khi đó, bộ máy chính quyền cơ sở được tinh gọn, tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại quyền dân chủ, tiếp nhận thông tin của người dân sẽ chịu ảnh hưởng.

Trước những lo ngại trên, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân khẳng định quyền đại diện của người dân khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại thành phố sẽ tiếp tục được duy trì và tăng cường qua nhiều kênh. Hệ thống chính quyền điện tử sẽ phát huy vai trò cung cấp, công bố các thông tin, quy định, chính sách mới một cách công khai, minh bạch.

"Các buổi đối thoại giữa người dân và lãnh đạo UBND các cấp được tăng cường. Thành viên UBND các cấp sẽ được phân công tham gia buổi họp từng khu phố, lắng nghe trao đổi, tiếp nhận thư góp ý và gửi phiếu xin ý kiến trực tiếp", ông Huỳnh Thanh Nhân cho hay.

Đối với việc giám sát hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức Đảng, cấp ủy cùng cấp, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) sẽ tiếp tục được duy trì và nâng cao vai trò, trách nhiệm. Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam TPHCM đã xây dựng đề án “Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp giai đoạn 2020-2030”.

Như vậy, việc thực hiện Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, về cơ bản không xáo trộn đến hoạt động, sinh hoạt của người dân.

Quận 2 trong tương lai gần là trung tâm thương mại, tài chính mới của TPHCM. Ảnh minh họa: vnanet.vn

Điểm mới của chính quyền đô thị tại TPHCM

"TPHCM đã có kinh nghiệm thực tiễn 7 năm từ kết quả thành công của quá trình thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường trên diện rộng, số lượng đơn vị hành chính thí điểm nhiều nhất cả nước (gồm tất cả 24 quận, huyện và 259 phường) từ năm 2009 đến năm 2016 theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội", ông Huỳnh Thanh Nhân cho biết.

So sánh với 2 địa phương đã tổ chức mô hình chính quyền đô thị là Hà Nội và Đà Nẵng, lãnh đạo Sở Nội vụ cho hay Hà Nội là địa phương chưa thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội được xây dựng khi chưa có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019.

Tại Đà Nẵng, mô hình tổ chức chính quyền đô thị được thực hiện khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 chưa có hiệu lực thi hành.

"Việc thực hiện chính quyền đô thị ở TPHCM mang tính đồng bộ, toàn diện, khác với Hà Nội và Đà Nẵng. Việc không tổ chức HĐND quận, phường tại TP.HCM đã được quy định ở luật, khi Quốc hội cho phép", lãnh đạo Sở Nội vụ TP.CM cho hay.

Phân tích về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, ông Huỳnh Thanh Nhân cho biết các quận, phường sẽ có cơ quan chính quyền là UBND quận, phường. Đối với các huyện, xã, thị trấn, cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND.

"Việc tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM không chỉ quy định về bộ máy chính quyền, mà còn có các quy định đặc thù về phân cấp quản lý, chính sách tài chính khiến bộ máy hoạt động hiệu quả, tự chịu trách nhiệm cao hơn", lãnh đạo Sở Nội vụ TPHCM thông tin.

Đánh giá về tác động của việc thực hiện không tổ chức HĐND quận, phường, ông Huỳnh Thanh Nhân cho rằng phương án tổ chức này là hợp lý, không ảnh hưởng đến kết quả hoạt động thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, chăm lo đời sống người dân. Bên cạnh đó, đề án tạo được tiếng nói chung và đồng thuận của người dân thành phố trong quá trình thực hiện.

Khác với TP Hà Nội và TP Đà Nẵng, Đề án chính quyền đô thị tại TPHCM được xây dựng sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 đã có hiệu lực. Trong đó, đã quy định chính quyền địa phương ở cấp huyện, xã là cấp chính quyền địa phương (có HĐND và UBND), trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương (không có HĐND). Như vậy, việc không tổ chức HĐND ở phường, quận đã được quy định ở Luật, khi Quốc hội cho phép.

Theo đề án, mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại TPHCM bao gồm: TPHCM trực thuộc Trung ương (có HĐND, UBND), các huyện (có HĐND, UBND), TP trực thuộc TPHCM (đang đề xuất thành lập TP Thủ Đức - có HĐND, UBND), còn lại các quận, phường (phường thuộc quận, phường thuộc TP Thủ Đức) không có HĐND.

Tinh gọn bộ máy, thúc đẩy hiệu quả công việc

Tại buổi giao ban báo chí sáng ngày 23-10 do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo TPHCM tổ chức, Sở Nội vụ TPHCM đã cung cấp thông tin về Đề án tổ chính quyền đô thị tại TPHCM.

Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Trương Văn Lắm - người theo sát đề án này từ giai đoạn đầu - tại cuộc họp cho hay, từ năm 2009-2016, thành phố đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở tất cả huyện, quận, phường theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) và các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tổng kết hơn 6 năm thực hiện đã cho thấy nhiều kết quả tích cực. Đây là cơ sở thực tiễn quan trọng để triển khai thực hiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với TPHCM.

Mặt khác, TPHCM là đô thị loại đặc biệt. Trong quá trình phát triển vẫn gặp nhiều trở ngại, chưa phát huy hết tiềm năng. Nguyên nhân là mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM là rất cấp thiết.

Theo ông Trương Văn Lắm, Đề án chính quyền đô thị TPHCM có ba nội dung cơ bản: (1) Không tổ chức HĐND quận, phường nhằm tinh gọn, đổi mới mạnh mẽ và linh hoạt hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đô thị đặc biệt. (2) Thành lập một số thành phố trên địa bàn TPHCM theo hình thức thành phố thuộc thành phố. (3) Một số cơ chế, chính sách đặc thù tại TPHCM.

Trao đổi với báo giới, ông Lắm cũng cho biết khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, không tổ chức HĐND quận, phường thì nhiệm vụ của HĐND quận, phường sẽ chuyển sang HĐND thành phố, UBND thành phố, UBND quận, phường.

Những công việc có liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội sẽ được bố trí chuyển sang các tổ chức khác cho phù hợp, không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan sẽ tiếp nhận. Như vậy, có những bộ phận sẽ gánh thêm nhiệm vụ. Đây là bắt buộc khi thực hiện tinh giảm tổ chức bộ máy, không muốn cũng phải làm. Tới đây nếu được thông qua, Thành phố sẽ quán triệt, làm công tác tư tưởng với cả những người nghỉ, người điều chuyển công việc, những người ở lại nhận thêm việc...

Đại biểu HĐND quận, huyện, phường chủ yếu là đại biểu kiêm nghiệm, nên việc tổ chức, bố trí lại công ăn việc làm cho các đại biểu không gặp khó khăn gì. Với một số đồng chí lãnh đạo HĐND chuyên trách, thành phố và các quận tổ chức sắp xếp vào vị trí công tác khác, đảm bảo quyền lợi cho cán bộ. Với những cán bộ không thể sắp xếp lại theo đúng nguyện vọng thì phải tổ chức giải quyết theo cơ chế tinh giảm biên chế, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Khi áp dụng tinh giảm biên chế, ngoài cơ chế chính sách của Trung ương về chế độ cho cán bộ tinh giảm thì TPHCM đã có nghị quyết riêng, thêm một lần trợ cấp để tạo điều kiện cho cán bộ tìm công việc mới.

Việc tổng kết hơn 6 năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại thành phố Hồ Chí Minh (từ năm 2009 đến 2016) cho thấy nhiều kết quả tích cực.

Về cơ sở chính trị và căn cứ pháp lý, thời gian qua, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở đô thị, nông thôn và hải đảo là nhiệm vụ quan trọng, luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc khóa XII đã chỉ rõ: “Hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt theo luật định”.

Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”.

Tiếp đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 đã quy định: “Chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương”.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới