Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tờ Economist dự báo 2024

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong chuyên đề The World Ahead vào tuần trước, tờ Economist đưa ra nhiều dự báo cho nhiều lĩnh vực, trong đó có những dự báo liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Môi trường kinh doanh: Tình hình địa chính trị vẫn sẽ bao trùm lên môi trường kinh doanh, trong đó đáng chú ý là sự căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc; cuộc chiến ở Ukraine và dải Gaza vẫn sẽ tiếp diễn. Lạm phát sẽ giảm, lãi suất sẽ bớt căng thẳng; các trục trặc trong các chuỗi cung ứng sẽ giảm nhẹ cùng với giá cả các thương phẩm cũng dịu bớt. Nhưng GDP toàn thế giới sẽ chỉ tăng 2,2% do kinh tế của các nước phát triển chững lại; tình hình ở các nước đang phát triển có khá hơn. Doanh nghiệp sẽ phải đối diện với những quy định mới về môi trường và có thể phải bắt đầu đóng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ở mức 15%.

Ngành ô tô: Ngành ô tô vẫn hoạt động ở mức chừng mực trong năm 2024; doanh số toàn cầu chưa đạt mức trước đại dịch, so với năm 2023, sẽ chỉ tăng 3% lượng xe mới. Gần 25% xe mới sẽ là loại xe hybrid, một nửa trong số đó sẽ được bán ra ở Trung Quốc. Thị trường xe điện chưa có lãi, vẫn phải phụ thuộc vào chính sách khuyến khích của chính phủ các nước. Ngành sản xuất xe sẽ chú trọng nhiều hơn yếu tố sản xuất tại đâu vì người ta sẽ dựa vào đó để cấp ưu đãi. Các nước sẽ tăng cường các chính sách kích cầu đầu tư nhằm lôi kéo dây chuyền sản xuất xe điện và pin về với nước mình. Đi đầu trong lĩnh vực này là Mỹ với các khoản trợ cấp khổng lồ.

Ngành năng lượng: Mặc dù tiêu thụ năng lượng tái tạo sẽ tăng ở mức kỷ lục 11%, các loại nhiên liệu hóa thạch vẫn đáp ứng đến 80% nhu cầu năng lượng trong năm 2024. Tiêu thụ dầu sẽ tăng 1% cùng với mức phục hồi kinh tế nhưng sản lượng khai thác ở Ảrập Saudi và Mỹ tăng sẽ giữ giá dầu dưới mức 85 đô la/thùng. Tiêu thụ than đá và khí đốt cũng sẽ tăng vì mặc dù Anh và Ý sẽ đóng cửa các nhà máy điện chạy than nhưng mức tiêu thụ than đá ở châu Á sẽ tăng mạnh. Mặc cho các nỗ lực giảm khí phát thải, việc đốt nhiên liệu hóa thạch sẽ sản sinh lượng khí carbon cao hơn năm 1990 đến 70%.

Tiêu thụ điện gió và điện mặt trời sẽ tăng gấp đôi so với mức của năm 2019. Chi phí sản xuất năng lượng tái tạo sẽ giảm nhưng vẫn còn cao hơn mức năm 2020 chừng 10-15%. Trong năm sẽ có thêm ít nhất 11 lò phản ứng hạt nhân mới, kể cả ở các nước mới tham gia như Bangladesh và Thổ Nhĩ Kỳ. Đầu tư vào hydrogen sẽ tăng mạnh ở Đức, Jordan và nhiều nơi khác. Ngay cả như thế, điện hạt nhân và điện tái tạo sẽ chỉ cung cấp chưa đến 20% mọi nguồn năng lượng tiêu thụ. Một trong những trở ngại lại chính là do biến đổi khí hậu - hạn hán sẽ làm thủy điện giảm công suất.

Ngành bán lẻ: Lạm phát giảm sẽ làm doanh thu bán lẻ tăng 2%, tính theo giá trị thực trong năm 2024, cao gấp đôi năm 2023. Nhưng người tiêu dùng không dễ bỏ qua yếu tố lãi suất cao, mức tiết kiệm hộ gia đình giảm, và số vụ vỡ nợ tín dụng cá nhân tăng. Thị trường bán lẻ ở các nước phương Tây vẫn còn yếu; sau hai năm giảm sút, Anh và Đức sẽ phục hồi chậm, còn Mỹ sẽ vẫn chịu thêm một năm trầm lắng. Ngay cả Trung Quốc, thị trường bán lẻ lớn thứ nhì thế giới, sẽ chỉ tăng 4% so với mức tăng bình quân 7%/năm trong các năm trước đại dịch.

Các nhà bán lẻ trông chờ vào thị trường châu Á sẽ phải nhìn đến các nước Đông Nam Á - nơi Malaysia, Thái Lan và Việt Nam sẽ có mức tăng đáng kể. Một yếu tố cần ghi nhận là sự phát triển thương mại điện tử ở các nước đang phát triển như một hệ lụy của đại dịch. Nước có mức tăng mua bán online cao nhất là Ấn Độ nơi nhà nước có chính sách khuyến khích các công nghệ tài chính và các hình thức chuyển đổi số khác.

Sản xuất lương thực: Tờ Economist tiên đoán giá nhiên liệu và phân bón giảm, nông nghiệp được mùa trong năm 2024 sẽ đẩy giá nông sản xuống trong năm thứ hai liên tiếp. Nhưng vẫn còn những rủi ro cho hướng tiên đoán này cũng như rủi ro cho nguồn cung lương thực thế giới. Chiến tranh và thời tiết xấu sẽ gây đói kém cho hơn 345 triệu người. Hiện tượng El Nino, gây ra bởi nước ấm hơn ở Thái Bình Dương, sẽ dẫn đến thời tiết bất thường, làm kinh tế thế giới tổn thất đến 3.000 tỉ đô la. Mặc dù dự báo El Nino sẽ kết thúc vào giữa năm 2024, nó vẫn đe dọa sản lượng vụ mùa ở châu Phi, châu Á và Trung Mỹ. Chính phủ các nước sẽ tiếp tục đối phó bằng trợ giá và kiểm soát giá như Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu gạo, đường.

Ngành du lịch: Ngành du lịch kỳ vọng một tương lai sáng sủa hơn trong năm 2024. Để tránh chuyện cháy rừng và các đợt nóng, du khách sẽ tránh đi du lịch vào mùa hè; các hãng hàng không sẽ thay đổi lịch bay để đáp ứng. Lượng du khách quốc tế chừng 1,8 tỉ lượt sẽ tăng gần đến mức năm 2019, mặc dù du khách Trung Quốc vẫn lưỡng lự do căng thẳng địa chính trị và lo ngại về kinh tế ở nhiều nước trên thế giới.

Dự báo chi tiêu của khách du lịch sẽ đạt mức kỷ lục 1.500 tỉ đô la, một phần do giá cả cao hơn trước. Nếu tính cả các chuyến bay nội địa, du lịch bằng đường hàng không sẽ đạt mức cao như trước đại dịch. Các hãng sản xuất máy bay sẽ xoay xở với các đơn hàng dồn lại nhưng vẫn sẽ cung cấp đến gần 1.500 chiếc máy bay mới cho các hãng hàng không, trong đó có máy bay Airbus thân hẹp mới A321XLR, có thể bay đến 8.700 ki lô mét không dừng.

Công nghệ thông tin: Sau mấy năm chững lại, đầu tư vào công nghệ thông tin toàn cầu sẽ tăng vào năm 2024, ở mức khoảng 9%. Dự báo mức tiêu thụ máy tính cá nhân sẽ phục hồi, đạt con số 261 triệu chiếc, vẫn còn thấp hơn năm 2019. Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là điểm nóng khi doanh nghiệp trông cậy vào AI để tăng năng suất, giảm chi phí và quản lý rủi ro. Nhưng AI sẽ không tạo ra doanh thu cao như mọi người kỳ vọng.

Theo hãng tư vấn McKinsey, ba phần tư ứng dụng của doanh nghiệp trong lĩnh vực AI tạo sinh sẽ rơi vào bốn lĩnh vực: hoạt động khách hàng, tiếp thị và bán hàng, phát triển phần mềm, nghiên cứu và phát triển. AI tạo sinh sẽ hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp, chẳng hạn nhân viên có thể nhờ nó tóm tắt một tài liệu pháp lý trong phút chốc, hay giải thích một điều luật liên quan đến thuế khá phức tạp. Nhân viên tiếp thị chỉ cần gõ lời nhắc chính xác, AI sẽ cho ra đời bản thảo gần như hoàn chỉnh kế hoạch marketing cho toàn bộ công ty, trước đây cần cả tuần để biên soạn. Nhân viên bộ phận tin học có thể dùng AI để giúp họ lập trình nhanh hơn, thậm chí thiết kế và xây dựng trang web đúng như ý muốn. Các nghiên cứu cho thấy nhân viên ở mức độ dưới trung bình sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ AI tạo sinh, nhờ thế sẽ nâng năng suất chung của toàn doanh nghiệp.

Kim loại và khai khoáng: Mặc dù giá nông sản sẽ giảm vào năm 2024 nhưng giá hầu hết kim loại sẽ tăng. Đồng là kim loại tăng nhiều nhất do nền kinh tế số sẽ làm tăng cầu các sản phẩm như dây cáp và pin. Giá nhôm cũng tăng do nhu cầu của các hãng xây dựng châu Á và các hãng xe hơi. Giá thép cũng tăng nhưng vẫn còn thấp hơn mức đỉnh vào năm 2021 chừng 36%. Vàng và platinum sẽ tỏa sáng do nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn và do lãi suất chững lại.

Không hẳn tất cả các kim loại đều tăng giá. Nickel và zinc đạt mức giá cao vào năm 2022, còn giờ mức sản xuất gia tăng ở Indonesia và Trung Quốc sẽ kìm giá xuống. Chì cũng chịu áp lực giá giảm do việc chuyển hướng từ xe xăng, xe diesel sang xe điện. Thị trường lithium sẽ bão hòa khi Zimbabwe với trữ lượng lớn, gia tăng sản xuất. Các hãng sản xuất thép và nhôm sẽ chịu các loại phí mới theo luật lệ của EU.

Ngoài ra, các sự kiện thể thao lớn trong năm 2024 sẽ có tác động lên nền kinh tế. Paris sẽ đăng cai Olympic 2024 vào mùa hè. Các quy định chặt chẽ hơn về cho thuê nhà ngắn hạn cũng sẽ không ngăn người dân Paris chào đón hơn 1 triệu du khách vào dịp này qua các hợp đồng Airbnb. Vào tháng 6-2024, giải bóng đá Euro 2024 sẽ khởi tranh ở Đức. Rồi giải African Games ở Ghana, sau khi trì hoãn một năm, sẽ khai mạc vào tháng 8. Giải Copa America sẽ diễn ra ở Mỹ sau khi Ecuador rút lui không đăng cai nữa vì lý do an ninh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới