Tòa án Ý sẽ xét đơn của Vietnam Airlines
![]() |
Vietnam Airlines cho biết sẽ bảo vệ quyền lợi của mình bằng mọi khả năng có thể trong vụ kiện do ông Maurizio Liberati khởi kiện. Ảnh: Mộng Bình |
(TBKTSG Online) – Vào ngày 2-4, Tòa sơ thẩm Roma (Ý) sẽ xem xét đơn đặc biệt xin hủy bản án do tòa này phán quyết năm 2000 với bất lợi nghiêng về phía Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).
Trong thông báo gửi tới Thời báo Kinh tế Sài Gòn Onine chiều ngày 16-3, Vietnam Airlines cho biết đây sẽ là phiên cuối xem xét đơn xin hủy án của Vietnam Airlines liên quan đến vụ kiện của bên nguyên đơn, ông Maurizio Liberati, sau 5 phiên xem xét của Tòa sơ thẩm Roma.
Theo Vietnam Airlines, phán quyết năm 2000 của Tòa sơ thẩm Roma dựa hoàn toàn vào lời khai đơn phương của nguyên đơn, và có dấu hiệu của sự dàn xếp và tạo dựng chứng cứ giả với mục đích trục lợi giữa nguyên đơn với luật sư của Công ty Falcomar.
Vietnam Airlines cũng khẳng định không có bất cứ mối quan hệ pháp lý nào với nguyên đơn. Năm 1992, hãng chỉ ký hợp đồng chọn Công ty Falcomar (Ý) làm đại lý bán vé máy bay, và hợp đồng này có điều khoản quy định rõ Vietnam Airlines sẽ không chịu trách nhiệm đối với bất kỳ hợp đồng/thỏa thuận nào với bên thứ ba do Falcomar ký kết.
Do vậy, theo Vietnam Airlines, đơn kiện của ông Liberati gửi đến Tòa sơ thẩm Roma yêu cầu Falcomar và Vietnam Airlines thanh toán các chi phí gần 537.910.000 lia (gần 277.800 euro) cho những công việc mà ông ta thực hiện cho Falcomar với tư cách là đại diện cho Vietnam Airlines trong thời gian từ tháng 9-1991 đến 12-1992 là hết sức vô lý.
Ngày 30-11-1995, Tòa sơ thẩm Roma tiến hành phiên tòa đầu tiên và Vietnam Airlines không tham dự phiên tòa này. Đến ngày 7-3-2000, tòa đã ra bản án buộc Vietnam Airlines phải bồi thường 4.851.891.000 lia không kể thuế và các chi phí khác cho ông Liberrati, sau nhiều phiên tòa từ năm 1995. Trong thời gian này, Vietnam Airlines cho biết đã không được tống đạt bản án cũng như thông tin liên quan nào về vụ kiện.
Ngày 2-5-2002, Vietnam Airlines nhận được thư của ông Liberati yêu cầu trả số tiền 4.370.584 euro trong vòng 30 ngày, nếu không sẽ thực hiện các hành động pháp lý khác. Đến thời điểm này, Vietnam Airlines mới biết bản án của Tòa sơ thẩm Roma vì ông Liberati đã gửi 1 trang bản sao trích lục án quyết số 8395 ngày 07-3-2000 của tòa được gửi kèm với thư.
Ngày 18-2-2004, Ủy ban đòi nợ và tịch biên của Pháp thông báo phong tỏa số tiền 1.334.411,94 euro tại tài khoản thu bán đại lý tại Pháp của Vietnam Airlines để bảo đảm cho việc thi hành bản án của Tòa sơ thẩm Roma năm 2000.
Vào tháng 3 và 4-2004, Vietnam Airlines mời luật sư tư vấn và làm đại diện tại Ý cũng như tập hợp tài liệu để chuẩn bị kháng án. Trong quá trình này, Vietnam Airlines đã phát hiện có dấu hiệu của sự dàn xếp giữa ông Liberati và luật sư của công ty Falcomar nhằm mục đích trục lợi.
Do vậy năm 2005, Vietnam Airlines đã nộp đơn lên Tòa Sơ thẩm Roma kèm với những chứng cứ mới liên quan đến vụ kiện để yêu cầu tòa hủy bản án năm 2000. Những chứng cứ này liên quan đến việc ông Liberati đã cùng với luật sư của Falcomar xây dựng kịch bản để đòi tiền bồi thường, và rồi vào năm 1998 Falcomar tự tuyên bố giải thể để chuyển phần trách nhiệm sang Vietnam Airlines với tư cách là bị đơn thứ 2.
Tháng 8-2006, Vietnam Airlines đã chuyển nộp 5.200.000 euro bao gồm số tiền bị tịch biên vào tài khoản của Chủ tịch đoàn luật sư Paris khi được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính Việt Nam, và theo lệnh của Tòa phúc thẩm Paris để tạm giữ chờ kết quả của các phiên tòa xem xét vụ kiện tại Ý.
Trước đó vào tháng 4-2004, Vietnam Airlines cũng đã gửi đơn kháng án lên Tòa phúc thẩm Roma, đề nghị xem xét lại bản án của Tòa sơ thẩm Roma năm 2000. Nhưng ngày 16-12-2008 Tòa phúc thẩm đã ban hành phán quyết không chấp nhận đơn kháng án này, sau 7 phiên xem xét.
MỘNG BÌNH