Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Toàn cầu sẽ thiếu hụt năng lượng nếu cắt giảm đầu tư vào khai thác dầu khí

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Mỹ và châu Âu đang cắt giảm đầu tư vào thăm dò, khai thác và sản xuất dầu khí để tiến tới mục tiêu phát thải khí carbon bằng không (zero) vào năm 2050.  Thời điểm đó, sản lượng dầu mỏ sẽ giảm đến 73%. Nhưng hiện giờ, vẫn chưa rõ là nguồn năng lượng tái tạo có thể được tạo ra đủ nhanh để giữ tốc độ tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch không tăng lên hay không. Nguy cơ thiếu hụt năng lượng toàn cầu đang treo lơ lửng.

Các nước phương Tây đang giảm đầu tư vào thăm dò và sản xuất dầu khí để tiến tới mục tiêu phát thải bằng không vào năm 2050. Tuy vậy, toàn cầu có thể lâm vào khủng hoảng dầu mỏ của thập niên 1970. Đồ họa: Nikkei Asia

Nhu cầu và giá nhiên liệu hóa thạch vẫn tăng

Giá khí đốt thiên nhiên (gas) đã tăng gấp ba ở châu Âu kể từ đầu năm nay. Trong khi các nước giàu có đổ xô tìm nguồn gas, vốn tạo ra lượng khí thải carbon thấp hơn xăng dầu, Nga lại đang hạn chế xuất khẩu nguồn tài nguyên này bởi họ đang cắt giảm nguồn nhiệt điện than đốt. Giá gas tăng vọt cũng phản ánh nhu cầu cao hơn của các nhà máy sản xuất điện từ khí đốt ở Nga.

Điều kiện thời tiết không thuận lợi khiến các nhà máy điện gió ở lục địa già tạo ra ít điện hơn. Giá gas tăng vọt khó lòng buộc thế giới quay trở về dùng điện than, trong bối cảnh xu hướng khí phát thải bằng zero đang tăng tốc.

Tuy nhiên, khi việc khai mở các mỏ than mới chậm lại, giá than đang gia tăng ở châu Á hay các nơi khác do nhu cầu sử dụng than vẫn cao ở các nền kinh tế mới nổi.

Nhu cầu dầu mỏ trong năm 2050 dự kiến sẽ giảm đến 76% từ mức của năm 2020, trong khi khí đốt tự nhiên dự kiến giảm 56% và than là 89% – theo lộ trình giảm lượng phát thải về zero do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố vào tháng 5-2021.

Nhưng nhiều chuyên gia nói rằng các dự báo của IEA chỉ là những con số lý thuyết nhằm đạt được mục tiêu phi carbon hóa. “Nhu cầu khó có thể giảm mạnh đến năm 2050”, nhà kinh tế cấp cao Yoshikazu Kobayashi của Viện Kinh tế năng lượng Nhật Bản (IEEJ) nói với Nikkei Asia.

Viện này đã xây dựng hai kịch bản về nhu cầu năng lượng toàn cầu. Trong kịch bản chuẩn, tức là các xu hướng trước đây vẫn tiếp tục, IEEJ dự báo nhu cầu năng lượng cơ bản ở các nước giàu chỉ giảm 11% vào năm 2050 từ mức hiện nay. Trong khi đó, nhu cầu của các nền kinh tế mới nổi lại tăng hơn 50%. Vì thế, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng 36%, trong khi khí thiên nhiên sẽ tăng 57%.

Trong kịch bản còn lại, với những tiến bộ trong công nghệ phi carbon hóa và dự phóng về nhu cầu năng lượng toàn cầu cao hơn, IEEJ dự báo nhu cầu dầu mỏ tăng 8% và khí đốt tăng 16%. Ở các nền kinh tế mới nổi, nhu cầu dầu mỏ vẫn mạnh, chủ yếu là ở dạng gasoline (xăng) và khí thiên nhiên được sử dụng là chất đốt công nghiệp.

Trong khi Mỹ và châu Âu (đường tím) giảm hơn 50% đầu tư vào khai thác nhiên liệu hóa thạch, mức đầu tư của các nước Trung Đông (đường vàng), Trung Quốc (đường đỏ) và Nga (đường xanh) vẫn không giảm nhiều. Đồ họa: Nikkei Asia

Khủng hoảng dầu mỏ có thể quay lại

Mặc cho các dự báo nhiên liệu hóa thạch sẽ gia tăng, các hãng dầu khí lớn của Mỹ và châu Âu vẫn cắt giảm đầu tư cho các mỏ khí. Bởi quá trình phi carbon hóa đã trở thành ưu tiên hàng đầu khi cổ đông trở nên rất nhạy cảm đối với các vấn đề biến đổi khí hậu.

Hãng nghiên cứu Rystad Energy của châu Âu dự báo tổng vốn đầu tư của sáu hãng dầu khí lớn nhất của Mỹ và châu Âu chỉ đạt 56,8 tỉ đô la trong năm 2021, giảm hơn 50% từ mức 120 tỉ đô la của năm 2015.

Từ quy mô của năm 2020, sản xuất dầu thô sẽ giảm 21% vào năm 2030, và 73% vào năm 2050 nếu các nhà thăm dò khí đốt ngừng đầu tư vào lúc này – theo tính toán của IEA nhằm đạt lượng phát thải zero. Nếu các quốc gia chậm trễ trong nỗ lực phi carbon hóa, nguồn cung ứng dầu mỏ sẽ không thể đáp ứng nhu cầu trong tương lai.

Các nước giàu năng lượng ở Trung Đông nhận biết khả năng này và đang cố sức tận dụng. CEO Amin Nasser của hãng Aramco ở Saudi Arabia phát biểu hồi tháng trước rằng: “Chúng tôi đang làm việc tích cực để mở rộng năng lực sản xuất. Tình trạng đầu tư quá kém trên toàn cầu thật ra lại là cơ hội lớn với chúng tôi”.

Nhưng Ellen Wald của Hội đồng Atlantic, một cơ quan tư vấn ở Mỹ, cảnh báo rằng thế giới sẽ gặp nguy cơ lớn. “Nếu tiếp tục giảm sản xuất dầu, nước Mỹ sẽ đối diện với viễn cảnh sẽ nhập dầu từ một số ít ỏi các nhà sản xuất như Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Saudi Arabia và Nga. Đây không chỉ là mối đe dọa về chính trị mà cả đối với nền kinh tế”, bà nói.

Nếu chỉ một khu vực trở thành nguồn cung chủ yếu, nguy cơ lặp lại khủng hoảng dầu mỏ thập niên 1970 sẽ gia tăng.

Thời tiết cực đoan do trái đất nóng lên gây thiệt hại lớn trên toàn thế giới, như lũ lụt, hạn hán và cháy rừng. Tiến tới nền kinh tế toàn cầu không phát thải là thách thức lớn, nhưng thế giới phải đạt được để giới hạn sự gia tăng nhiệt độ và nguy cơ thiên tai. Mức độ khó của bài toán có thể được giải bằng cách chia nhỏ thành các nguồn cung ứng năng lượng khác nhau, trong khi vẫn thúc đẩy phát triển công nghệ mới cần thiết cho quá trình phi carbon hóa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới