Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

‘Tôi đã khóc, cho mình và cho cả nhân viên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

‘Tôi đã khóc, cho mình và cho cả nhân viên

Đào Loan

(TBKTSG Online) – Ngày 14-3-2020, đúng mười ngày sau khi sinh con gái, Trần Thị Thanh Tâm, người sáng lập chuỗi khách sạn nhỏ Chez Mimosa tại TPHCM phải làm một việc mà cô cho rằng khó khăn nhất từ trước đến nay. Đó là, thông báo cho nhân viên nghỉ việc vì khách sạn không còn khách, phải đóng cửa.

'Tôi đã khóc, cho mình và cho cả nhân viên
Trần Thị Thanh Tâm (thứ hai từ trái sang) cầm tay mẹ cùng hai khách hàng và ông xã (bìa phải) trước căn homestay Chez Mimosa. Ảnh: NVCC

“Cô Thu, một nhân viên cỡ tuổi mẹ tôi đã bật khóc. Cô ấy bảo khóc vì thương cho cả tôi vì Chez Mimosa là tâm huyết, là ước mơ mà tôi đã gầy dựng trong những năm qua. Tôi cũng khóc. Quê của cô, của nhiều nhân viên khác trong khách sạn này cũng là nơi chôn rau cắt rốn của tôi, hơn ai hết tôi hiểu, để họ quay về vào lúc này coi như là làm đứt đoạn kế mưu sinh của hàng chục gia đình. Thế nhưng, giữ lại cũng không được vì ngay tại thành phố này, tôi thực sự cũng không biết phải làm sao để níu giữ doanh nghiệp của mình”, gần một tháng sau khi thực hiện việc khó khăn đó, khi trò chuyện với TBKTSG Online, Tâm vẫn không nén được xúc động.

Covid-19 không chừa một ai, ngay cả những doanh nghiệp có tài sản hàng chục ngàn tỉ đồng cùng bề dày chinh chiến hàng thập kỷ trên thương trường cũng bị đánh bại. Vì vậy, việc một doanh nghiệp nhỏ, mới tham gia thị trường chỉ vài năm như Chez Mimosa gục ngã là không lạ. Thế nhưng, đằng sau đó là câu chuyện cần phải kể về niềm đam mê, sự tận tụy cùng cái tâm của một doanh nhân có tuổi đời còn khá trẻ, có ước mơ đẹp là làm nên sự nghiệp riêng cho mình và đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người còn khốn khó. Hiện tại, uớc mơ đó đang bị Covid-19 chặn lại nên đang cần lực đỡ để tiếp nối.

Cô gái vùng muối mơ có khách sạn riêng

Nhân viên đang làm phòng khách sạn Chez Mimosa. Ảnh: NVCC

Tâm sinh năm 1981, ở vùng quê nghèo Diễn Châu, Nghệ An, nơi nhiều người dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” với nghề làm muối mà vẫn khó khăn. Nghèo đến nỗi, năm 2003, khi tốt nghiệp ngành du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, cô gái trẻ không có nổi chiếc xe máy làm phương tiện đi làm ở thủ đô mà phải lên Sapa làm việc chỉ vì lý do khách sạn ở đó bao cả phần chi phí ăn, ở cho nhân viên.

Sau một năm làm việc, dành dụm tiền mua được chiếc xe máy, Tâm trở lại Hà Nội làm tiếp tân cho khách sạn Sofitel Plaza Hà Nội rồi lần lượt qua các khách sạn hạng sang khác tại Hà Nội và TPHCM như InterContinental Westlake Hanoi, Majestic, Rex, Park Hyatt Saigon. Từ vị trí là nhân viên lễ tân của ngày đầu đi làm, Tâm liên tục được cất nhắc lên các vị trí cao hơn. Đến cuối năm 2013, khi đầu quân cho Park Hyatt Saigon, Tâm trở thành người Việt đầu tiên giữ vị trí giám đốc khối lưu trú với mức lương lên đến chín con số.

Từ chỗ không có nổi chiếc xe máy để đi làm, cô đã mua được căn hộ cho bố mẹ sau nhiều năm nỗ lực. Thế nhưng, giấc mơ của Tâm không chỉ có thế. “Ngay từ năm đầu đại học tôi đã làm thêm ở khách sạn. Tôi thích nghề này và mơ ước có chuỗi khách sạn riêng của mình, tự quyết mọi việc và đưa bà con làm muối quê mình vào làm việc”, cô nói.

Năm 2015, Tâm thuê căn nhà bốn phòng với giá 1.000 đô la Mỹ/tháng ở quận 4, TPHCM để ở hai phòng và dùng làm dịch vụ homestay. Hai phòng này rộng, có diện tích rộng lên đến 35 m2 /phòng, có ban công thoáng, yên tĩnh, được đầu tư 300 triệu đồng để thiết kế lại theo kiểu Pháp cổ.

Nhờ có kinh nghiệm làm khách sạn nhiều năm, cô lên thiết kế 3D và tiếp thị trên nhiều kênh bán phòng trước khi sửa sang nên chỉ một tháng sau khi thuê và hoàn tất việc sửa chữa, homestay có tên Chez Mimosa (Ngôi nhà Mimosa) đã có khách thuê.

Lúc này, cô vừa là chủ nhà, vừa là người dọn phòng, người bưng bê, phục vụ bữa sáng kèm các việc để gia tăng sự tương tác giữa chủ nhà với khách thuê như trò chuyện, chơi cầu lông cùng với khách… Khi có khách nhận phòng trễ, Tâm không nề hà việc thức dậy nấu mì lúc 1 – 2 giờ sáng để khách trọ không đói bụng giữa đêm.

Nhờ chăm chút phòng ốc và dịch vụ nên những lời nhận xét của khách trên các trang tư vấn du lịch trực tuyến của Chez Mimosa rất cao, điểm trung bình luôn từ 9,7 – 9,8 điểm. Khách thuê liên tục với giá 700.000 đồng/đêm.

“Tôi muốn có nhiều phòng hơn nhưng không có nhiều tiền. Tiền tiết kiệm được thì đã mua nhà cho gia đình mà nhà lại chưa có sổ hồng để thế chấp vay từ ngân hàng nhưng dầu sao, tôi cũng đã may mắn với hai phòng khởi nghiệp này”, Tâm nói.

Đầu năm 2016, cô lập gia đình. Được sự ủng hộ của ông xã, Tâm chính thức rời bỏ công việc có mức lương hấp dẫn ở khách sạn để thực hiện giấc mơ của riêng mình.

Nhờ sự thành công của homestay Chez Mimosa, một số người đã tin tưởng cho vay thêm để đầu tư. Từ năm 2016 – 2019, Tâm khai trương thêm năm khách sạn gồm Chez Mimosa Boutique, Chez Mimosa Home, Chez Mimosa Corner, Chez Mimosa Petite và Chez Mimosa Local tại quận 1 và quận 4. Mỗi khách sạn có từ 10-12 phòng, tuy nhỏ nhưng phòng luôn bảo đảm yêu cầu là rộng, thiết kế ấn tượng, cơ sở vật chất như giường, gối, drap phải tương đương khách sạn cao cấp và chất lượng phục vụ cao. Mỗi phòng có giá thuê từ 1 – 1,6 triệu đồng/đêm nhưng thường xuyên kín khách thuê. Phần lớn người thuê đến từ châu Âu và Mỹ.

Vậy là, đến cuối 2019, Tâm thực hiện được một phần ước mơ. Hệ thống khách sạn tạo công ăn việc làm cho 45 người, gần một nửa trong số đó là những người làm muối, bốc vác từ quê nhà Nghệ An. Những người chưa từng tiếp xúc với người nước ngoài, không biết một chữ tiếng Anh đã được cô đào tạo để có thể chào hỏi, nói chuyện được với khách và có thu nhập từ 7-10 triệu đồng mỗi tháng.

Tròng trành trong “bão”

Nhân viên của Chez Mimosa. Hiện tại, toàn bộ nhân viên đã phải tạm nghỉ việc vì khách sạn không có khách do Covid-19. Ảnh: NVCC

Tuần trước, Tâm phải nhập viện cấp cứu vì huyết áp tăng quá cao. Sau nhiều đêm mất ngủ, lo toan tìm cách hỗ trợ nhân viên, tìm đường ra cho doanh nghiệp, sức lực của người phụ nữ đang trong thời kỳ ở cữ đã không chịu nổi.

Xuất viện về nhà, cô lại quay về với đầy ắp nỗi lo. Đã hết cách rồi. Từ đầu tháng 3 này, lượng khách giảm mạnh vì Covid -19. Đến giữa tháng này, lượng đơn đặt phòng cho tháng 4 và tháng 5-2020 bị hủy toàn bộ. Công ty không thể phạt tiền khách vì dịch bệnh Covid-19 là trường hợp bất khả kháng. Ban đầu, khách sạn còn cố gắng gom khách về lại một nơi, cho nhân viên chia nhau nghỉ để mọi người vẫn có lương nhưng sau đó thì rơi vào tình trạng không thể cầm cự.

Giờ này, tất cả khách sạn đều phải đóng cửa trong khi tiền thuê nhà hằng tháng vẫn phải trả. Thậm chí, mới đây có chủ nhà sợ mất tiền còn đòi Tâm phải thanh toán hai tháng tiền thuê nhà/lần. Thêm vào đó là tiền lãi cho các khoản vay đầu tư. Để có một khách sạn có từ 10-12 phòng đẹp cho thuê, công ty phải bỏ vào đó tròm trèm 2 tỉ đồng chỉ để sửa chữa và đầu tư trang thiết bị. Dù đã gom góp tiền lời của khách sạn mở trước đầu tư cho căn mở sau nhằm giảm tiền vay nhưng số tiền lãi mỗi tháng vẫn rất lớn.

“Không có một đồng doanh thu nhưng mỗi tháng tôi lại cần đến 500 triệu đồng để lo các khoản chi trả”, Tâm nói và cho biết đã từng có tính toán rất tốt đẹp cho năm nay, rằng nếu tình hình kinh doanh phát triển như những năm qua thì đến năm 2020, công ty sẽ bắt đầu có lãi. Thế nhưng, Covid-19 ập đến và dập tan tất cả.
“Mẹ đã từng nói là tại sao tôi không cứ đi làm rồi dành dụm mua nhà, mua đất riêng cho mình, mở mang kinh doanh làm chi cho khổ nhưng tôi có giấc mơ riêng mình. Tôi đã làm và trong lòng lúc nào cũng muốn làm vì nhiều người khác nữa”, Tâm nói.

Những người khác, đó là những người như cô Thu, nhân vật kể ở đầu bài viết này, người vào Chez Mimosa để làm nhân viên phục vụ phòng rồi vì nhận thấy công việc tiến triển tốt nên đã rủ chồng vào cùng làm; là cô bé mới tròn 18 tuổi, sống với bà ở quê không có chỗ làm nên Chez Mimosa nhận về; là anh nhân viên vừa làm “gà trống nuôi con” vừa nuôi cả mẹ già; là cậu trai trẻ không có tiền đi xuất khẩu lao động vào làm khách sạn làm việc để nuôi cả gia đình…

“Nhìn từng nhân viên lần lượt xếp giỏ về quê mà rơi nước mắt. Có người còn không đủ tiền về xe, không phải vì họ tiêu hoang mà làm được bao nhiêu đều đã gửi cả về cho gia đình. Chỗ ở, bữa ăn thì đã có khách sạn hỗ trợ nên cứ có lương là gửi về nuôi con, gửi trả tiền vay xây nhà… nên trong túi chẳng còn gì”, Tâm nói.

Số nhân viên đi cũng khó. Số quyết ở lại TPHCM cũng không dễ dàng gì. Mới đây, cô phải gọi mấy nhân viên về khách sạn ở vì họ hết tiền thuê trọ. “Dầu sao khách sạn cũng không có khách nên tôi cho nhân viên ở tạm, đưa thêm gạo muối đỡ đần lúc khó khăn”, Tâm nói.

Ban đầu, có 10 người ở lại nhưng nay còn tám vì hai người vừa về quê. Còn hai nhân viên khác nữa, là hai người khó khăn nhất, không có điều kiện về thì cô giữ lại, trả công 5 triệu đồng/tháng để tưới cây, coi khách sạn trong mùa dịch để họ có chút tiền gửi về nuôi mẹ già, con nhỏ.

“Thực sự là tôi cần được giúp sức”

Khách sạn Chez Mimosa Petite, một trong những khách sạn của Chez Mimosa đóng cửa. Ảnh: NVCC

Trò chuyện với TBKTSG Online, Tâm cho biết liên tục tìm hiểu những thông tin hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ nhưng không kỳ vọng gì nhiều vào việc được hỗ trợ. “Muốn vay để trả lương nhân viên hay vay để trả lãi thì phải có tài sản nhưng tôi không có”, cô nói.

Tất cả nhà đều đi thuê, “tài sản” mà doanh nghiệp này có chỉ là những hợp đồng thuê nhà dài hạn từ bảy năm trở lên, giấy tờ về các khoản đầu tư đã bỏ vào khách sạn cùng các khoản thuế mà công ty đã đóng. E rằng, bao nhiêu đó khó có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận được các khoản vay ưu đãi của chính phủ để vượt qua khó khăn.

“Nhưng thực sự là tôi cần được giúp sức. Tôi rất cần các khoản vay ưu đãi đó, cần được vay không lãi suất hoặc vay lãi suất thấp và trả khi việc kinh doanh phục hồi để cứu công ty”, Tâm nói và cho biết, vừa có một chủ nhà đã đồng ý không lấy tiền thuê nhà đến khi hết dịch. Điều này vượt cả sự mong đợi của cô nhưng chưa đủ để công ty vượt qua khó khăn. Cô mong có thêm nhiều trợ lực khác, đặc biệt là từ chính phủ vì phải nhiều tháng sau hết dịch thì khách mới quay lại.

Doanh nhân này có niềm tin mạnh mẽ là thị trường sẽ hồi phục. Tâm mong, “sống “ qua được đợt dịch này để gọi nhân viên quay trở lại. Hiện giờ, cô vẫn đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên, mong tìm được con đường duy trì doanh nghiệp, chờ ngày trở lại thương trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới