Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tội lỗi ta mang

Huỳnh Trọng Khang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ở tuổi 45, Ferdinand von Schirach bước vào văn đàn bằng tập truyện ngắn Verbrechen (tạm dịch: Tội ác) và trở thành cuốn bán chạy nhất của tờ Spiegel suốt 54 tuần, đưa tên tuổi của Ferdinand von Schirach vượt khỏi châu Âu. Tại Việt Nam, độc giả được gặp Ferdinand von Schirach qua tuyển tập truyện ngắn sau Verbrechen: Tội Lỗi do Lê Quang dịch, NXB Hội Nhà Văn phát hành.

Ferdinand von Schirach, trước khi cho ra đời tác phẩm đầu tay Verbrechen, từng được biết đến là một luật sư chuyên về án hình sự. Ông đem kinh nghiệm nghề nghiệp của mình vào Verbrechen và kinh nghiệm này cùng với tài năng văn chương đã đáp đền ông xứng đáng. Suốt 54 tuần, Verbrechen nằm trong danh sách bán chạy nhất của tờ Spiegel, tác phẩm cũng được mấy chục nước mua bản quyền, đưa tên tuổi vị luật sư người Đức này vượt khỏi châu Âu đến nhiều nơi trên thế giới.

Tội lỗi là tên tuyển tập truyện ngắn của Ferdinand von Schirach sau Verbrechen, tiếp nối mạch cảm hứng từ việc tiếp cận các vụ án trong quá trình hành nghề của ông. Nhà văn đã đưa những câu chuyện từ hồ sơ lên trang văn, dĩ nhiên nó không trơ khắc như một bài báo nói chuyện pháp đình hoặc một bộ phim tài liệu dựng lại hiện trường tội ác, Ferdinand von Schirach vận dụng vào đấy lối kể tài tình, tạo tác trên chất liệu hiện thực để làm các truyện trong tập này trở nên hấp dẫn.

Luật sư viết văn không hiếm, có thể kể ngay trường hợp Harper Lee với tiểu thuyết Giết con chim nhại. Hay John Grisham với hàng loạt tiểu thuyết có bối cảnh tòa án, những phiên xử căng thẳng, bộ máy hành pháp phức tạp hoặc đời sống của những người làm nghề luật. Tác phẩm của họ hấp dẫn người đọc bởi câu chuyện về hành trình cam go đòi lại công lý, nơi nhân vật luật sư biến thành người hùng đấu tranh để những tiếng nói bé nhỏ được cất lên; tận cùng là sự phân tranh đạo đức, niềm tin giữa một bên là đòi hỏi thứ công lý báo thù thỏa mãn cá nhân với một bên là các thiết chế ràng buộc của pháp luật.

Tội lỗi là tổng hợp tình huống mà đôi khi chỉ trong một khoảnh khắc con người bị trượt đi giữa lằn ranh thiện ác, chỉ nhích một mảy may thôi, cơ sự đã hoàn toàn đổi khác. Tác giả đã cắt lớp hiện thực ra thành từng mẩu nhỏ soi chúng dưới lớp kính hiển vi lạnh lùng nhưng không hà khắc. Ferdinand von Schirach duy trì một nhãn quan điềm tĩnh của luật sư, tên các truyện trong tập này cũng thể hiện điều đó: Lễ hội, Dấu vết, Khai sáng, Trẻ ranh, Giải phẫu, Người kia, Tập ảnh, Áp lực, Tuyết rơi, Chìa khóa, Cô đơn, Tư pháp, Đền bù, Gia đình, Bí mật.

Mười lăm truyện ngắn cả thảy như mười lăm hồ sơ vụ án, mười lăm trạng huống tồn tại trong đời sống con người, mười lăm lát cắt giải phẫu bản chất của tội lỗi. Ở truyện ngắn Giải phẫu, nhân vật tôi bào chữa cho một tài xế lái Mercedes đâm chết một chàng trai hai mươi mốt tuổi. Tài xế gây tai nạn bị kết án mười tám tháng tù treo. Độc giả nếu chưa đọc truyện, nghe tới đây chắc hẳn sẽ thấy bất công và chờ mong tác giả sẽ tiếp tục đòi công lý trên trang giấy. Không phải vậy, bởi gã trai hai mươi mốt tuổi cất trong xe mình bộ dụng cụ giải phẫu và đang trên đường bước tới định bắt cóc cô gái hắn ám ảnh thì bị tài xế lái Mercedes tông chết.

Hành động tông xe gây chết người là một tội lỗi, nhưng tội lỗi này lại có thể ngăn chặn một tội ác. Ferdinand von Schirach đặt con người trước những lựa chọn đạo đức như vậy. Vì thế, truyện ngắn của von Schirach có thể rất gọn gàng nhưng dư ba mà nó gieo vào tâm trí người đọc thì dai dẳng.

Ngay truyện đầu tiên trong tập, “Lễ hội”, độc giả bị kéo vào một trạng thái bứt rứt khó chịu. Một vụ hiếp dâm rành rành tưởng chừng không có gì phức tạp, nhưng do hàng loạt hành động bình thường ngỡ là tất yếu từ những người liên quan mà cuối cùng không ai bị buộc tội, nạn nhân không đòi được công bằng và cuộc sống lại tiếp tục như thể trên đời này chưa từng xảy ra một tội ác.

“Đám đàn ông được thả. Họ đi qua cửa sau, quay về với vợ con họ và cuộc sống của họ. Họ tiếp tục đóng thuế và trả các món vay tín dụng, họ cho con đến trường và không đả động gì nữa đến vụ này. Chỉ có ban nhạc là giải thể. Không hề có phiên xử nào”.

“Đám đàn ông được thả. Họ đi qua cửa sau, quay về với vợ con họ và cuộc sống của họ. Họ tiếp tục đóng thuế và trả các món vay tín dụng, họ cho con đến trường và không đả động gì nữa đến vụ này. Chỉ có ban nhạc là giải thể. Không hề có phiên xử nào”.

Nhưng thâm tâm những kẻ thủ ác có yên ổn không? Nửa đời còn lại nạn nhân phải sống thế nào? Cả các nhân chứng nữa, họ nghĩ gì khi pháp luật không tỏ ra hiệu nghiệm trong việc bảo vệ quyền và phẩm giá con người? Cả các luật sư bào chữa thắng cho bị cáo, chính họ cũng thấy cái câu “Bào chữa là chiến đấu cho các quyền của người bị buộc tội” ghi trong “Sổ tay luật sư hình sự”, mà họ tin tưởng, họ ngỡ mình thấu hiểu, nhưng đến cuối cùng chính họ cũng hoài nghi điều đó. “Chúng tôi không nhìn nhau, và khi xuống tàu chúng tôi biết là sự đời sẽ chẳng bao giờ đơn giản như trước nữa”.

Trong cái chỗ không đơn giản ấy, nhà văn đã chọn thế đứng cho mình. Người kể chuyện trong vai luật sư của Ferdinand von Schirach thường xuất hiện ở đoạn cuối truyện, sau khi độc giả đã nắm được tình hình vụ án. Nhân vật luật sư này thường có cái nhìn khách quan, không bộc lộ cảm xúc, không thiên lệch, mà cung cấp vài dẫn chứng pháp lý như cách khép lại hồ sơ vụ án. “Mọi chuyện lắng xuống, như tất cả trong đời cô từng lắng xuống”. (truyện “Áp lực”)

Nhưng vụ án có thật sự khép lại? Phải chăng các nhân vật của Ferdinand von Schirach theo cách nào đó đều là hậu duệ hoặc là những biến thể của Joseph K. trong tác phẩm Vụ án của Franz Kafka, những con người hoang mang đứng trước ngạch cửa pháp luật. Vụ án là một tác phẩm chưa hoàn tất của Kafka, phải chăng vì bản chất của vụ án là thế, ngay cả một phán quyết cũng chưa chắc có thể khép lại?

Nhân vật trong Tội lỗi có thể được trắng án, được minh oan sau nhiều năm, được tha thứ… nhưng vụ án sẽ đi theo họ suốt đời, biến đổi họ mãi mãi. Những tội lỗi, vụ án, biến thành niềm ám ảnh. Và chính chúng ta dù trong tâm thế là kẻ quan sát cũng thấy bản thân đang ôm phải một tội lỗi bí ẩn không thể cắt nghĩa. Mười lăm truyện trong đây không có truyện nào tên “Tội lỗi”, nhưng chính cảm thức về nguyên tội ấy chi phối toàn bộ tác phẩm. Ferdinand von Schirach từ trong cái tối giản của trần thuật đã nói lên sự phức tạp của việc hiện hữu với thân phận một con người, dưới một thứ áp lực vô hình như thứ áp lực đã đè lên đôi vai của Joseph K.

1 BÌNH LUẬN

  1. Tội lỗi là khái niệm có hai nội dung. Tội, thì phải xử, theo luật đời (pháp luật), hoặc luật trời (nhân quả). Lỗi, thì có thể xin lỗi, cao hơn là sám hối. Điều quan trọng hơn, với luật đời, người có tội, khi lãnh án, liệu có tâm phục/ khẩu phục hay không ? Hoặc người có lỗi, khi xin lỗi, có được đối phương chấp nhận hay không ? Với luật trời thì khác, nhân quả, hoặc sám hối, thì lúc nào cũng phải tâm phục, khẩu phục, nhân phục.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới