Tokyo 2020 - liều thuốc cho hồi phục kinh tế Nhật Bản?
Ricky Hồ - Lê Hiếu
(TBKTSG Online) - Chuẩn bị trong sáu năm, tiêu tốn đến 12 tỉ đô la, lẽ ra Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 sẽ khai mạc hôm nay 24-7. Việc trì hoãn sự kiện Olympic Tokyo đúng một năm đang làm mờ đi hy vọng gặt hái lợi ích đã đầu tư của chính quyền, doanh nghiệp lớn nhỏ và người dân Nhật Bản. Tuy nhiên, dù trễ hẹn thì sự kiện vẫn được kỳ vọng là liều thuốc giúp kinh tế Nhật Bản hồi phục.
Quy mô của một kỳ Thế vận hội “trễ chuyến” - sẽ khai mạc vào ngày 23-7-2021 - bị thu hẹp. Các nhà tài trợ và doanh nghiệp giờ loay với câu hỏi: Tiếp tục thực hiện kế hoạch hay dừng đầu tư vào canh bạc rủi ro khi kinh tế suy thoái, du lịch sụt giảm nhanh chóng vì dịch Covid-19.
Hơn một nửa người dân Tokyo ủng hộ dời sau năm 2021 hoặc hủy luôn kỳ Thế vận hội – Ảnh: Reuters |
Gánh nặng của các doanh nghiệp phụ thuộc vào Olympic
Airweave, công ty có 13 năm chuyên bán nệm và tấm trải giường, đã ký hợp đồng làm nhà tài trợ cho Tokyo 2020. Chuyên cung cấp sản phẩm cho các đội tuyển của Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Đức, Trung Quốc và Úc từ năm 2012, Airweave chế tạo loại nệm hai mặt có thể được lật và sắp xếp lại theo ý thích của từng vận động viên. Loại nệm này được tái sản xuất từ vật liệu dây câu, có trọng lượng nhẹ, có thể tái chế và quan trọng nhất, có thể được giặt rửa dễ dàng. “Tốt trong thời dịch bệnh”, ông chủ Motokuni Takaoka của hãng Airweave cho biết.
Với kỳ Olympics bị trì hoãn đến mùa hè năm sau, 10.000 tấm nệm Airweave đang nằm chờ trong Làng Olympic ở Harumi, phía đông Tokyo và 8.000 tấm nệm khác đang trong kho. Trong khi hàng tồn có thể được tái sử dụng hay quyên góp cho chính phủ, các tấm nệm đặc biệt có logo Olympic bị cấm bán lại do các quy định tiếp thị nghiêm ngặt của Ủy ban Olympic Quốc tế. “Bây giờ, tôi phải đợi một năm nữa”, Takaoka nói. Ông đã tốn khoảng 50 triệu đô la Mỹ để phát triển các sản phẩm Airweave.
Đối với một số doanh nghiệp nhỏ, sự trì hoãn và đại dịch đã đánh một đòn chí mạng đối với họ. Cửa hàng bánh gạo 135 tuổi ở khu vực Asakusa của Tokyo sẽ phải ngừng hoạt động vĩnh viễn. Daisuke Shimizu, một nông dân chăn nuôi bò sữa, đã tốn 1 triệu yen để các sản phẩm của mình được cấp chứng nhận an toàn để cung cấp cho Làng Olympic. Ông hy vọng trang trại đủ sức cầm cự đến năm 2021 để có thể gặt hái thành quả đầu tư của mình.
Đại diện Imperial Hotel nói với Nikkei Asian Review rằng khách sạn này vẫn sẵn sàng nhận đặt phòng cho khách mới của ban tổ chức (BTC) Tokyo 2020 với điều kiện: chi trả khoản chi phí phát sinh trong năm 2020. Khách sạn cũng cần BTC báo số lượng phòng tối đa vào cuối năm 2020. Thời hạn hủy phòng không phát sinh phí đã trôi qua trước thông báo trì hoãn kỳ Thế vận hội vào tháng 3 vừa rồi.
Dựa trên giá phòng được công bố thì BTC đã nợ các khách sạn tới 15 triệu đô la. Đây là gánh nặng đối với các doanh nghiệp phụ thuộc vào du lịch, nhất là khi số lượng đặt phòng chỉ ở mức 2-3% so với mức thông thường trong vài tháng gần đây. Tuy nhiên, cho đến giờ BTC vẫn chưa đàm phán với các khách sạn.
Một "Thế vận hội thu gọn"
Sự trì hoãn lâu dài có thể dẫn đến xung đột với lịch trình của Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022. Vì thế, Nhật Bản muốn thu xếp gọn gàng cho kỳ Thế vận hội này.
BTC Tokyo 2020 hoạch định một kỳ Thế vận hội thu gọn. Toshiro Muto, CEO của BTC Olympic và Paralympic Tokyo 2020, đã nói rằng các nhà tổ chức đang xem xét hơn 200 lĩnh vực có thể được đơn giản hóa, bao gồm: mời ít khách VIP hơn, hạn chế số lượng khán giả, áp đặt giới hạn nghiêm ngặt đối với các đoàn đại biểu quốc gia và thu nhỏ lễ khai mạc bằng cách cắt bỏ cuộc diễu hành truyền thống của các vận động viên.
BTC thừa nhận những khó khăn trong lựa chọn những khán giả nào sẽ được phép đến và vé nào để hoàn trả. Nhưng việc tổ chức các sự kiện mà không có khán giả là điều không thể. Với các thử thách hậu cần và dư luận trái chiều về sáng kiến này, nhiều người đã kêu gọi hủy bỏ luôn kỳ Olympics này. Một cuộc thăm dò của hãng Kyodo vào cuối tháng 6 cho thấy: Hơn 60% cư dân Tokyo ủng hộ cho việc trì hoãn kỳ Olympics sang năm 2021 hoặc hủy bỏ luôn, vì lo ngại cho sức khỏe cộng đồng và chi phí ngày càng tăng đối với người nộp thuế.
Vaccine để hồi phục kinh tế
Không có gì ngạc nhiên khi ý kiến đòi hủy bỏ Tokyo 2020 lại là chuyện không thể chấp nhận đối với những doanh nghiệp đã đầu tư số tiền khổng lồ. Các công ty Nhật Bản đã ủng hộ Tokyo 2020 ở một mức độ chưa từng thấy. Để đổi lấy 6 năm độc quyền tiếp thị, 62 nhà tài trợ Nhật Bản đã cam kết hơn 3.300 tỷ đô la - gần gấp ba lần số tài trợ kỷ lục cho Thế vận hội Bắc Kinh (Trung Quốc) hồi năm 2008.
Việc trì hoãn Tokyo 2020 đã tăng áp lực tài chính với chính quyền thủ đô Tokyo. Họ đã xài hết 95% ngân khoản của quỹ dự phòng tài chính khẩn cấp 935 tỷ yen của chính phủ. |
CEO Toshiro Muto nói với hãng tin Reuters rằng BTC dự kiến mời các nhà tài trợ mới trong những tháng tới, bất chấp nhiều doanh nghiệp đang thoi thóp vì dịch. “Tôi biết rằng các doanh nghiệp đang trong cơn khủng hoảng vì dịch Covid-19, nhưng có một số công ty vẫn tiến bước muốn tài trợ cho Tokyo 2020. Chúng tôi cảm ơn điều đó bởi đây là tin đáng mừng”, ông Muto nói.
Các chuyên gia Nhật Bản ước lượng thời gian đình hoãn một năm sẽ tiêu tốn 2-6 tỷ đô la. Nhưng ông Muto nói rằng các chi phí phát sinh không thể biết chắc cho đến tháng 12-2020 sắp tới. Ông hy vọng rằng các nhà tài trợ mới sẽ rút ngắn khoản thâm hụt này.
Ủy ban Olympics Quốc tế (IOC) cũng hỗ trợ 650 triệu đô la. Phần lớn chi phí phát sinh còn lại sẽ do BTC và chính phủ Nhật Bản gánh. Một thăm dò của đài truyền hình NHK vào tháng 6 cho thấy: 2/3 các nhà tài trợ đã quyết định không gia hạn thêm một năm nữa, với chỉ 67 công ty đã đăng ký làm nhà tài trợ địa phương cho kỳ Olympics hoặc Paralympics tới.
“Phát triển thành công vaccine Covid-19 không phải là điều kiện để mở trở lại Tokyo 2020. Chúng tôi cần kỳ Olympics này để hồi sinh nền kinh tế nước nhà”, Toshiaki Endo, một nghị sĩ của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) nói với Nikkei Asian Review.
Tuy nhiên, nếu không có vaccine ngừa Covid-19 thì bất kỳ mô hình Olympics nào cũng có thể biến thành “ổ dịch” vùi dập vận động viên và khán giả hâm mộ.