(KTSG Online) - Ngày 12-4, Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Khánh Hòa cho biết, gần đây đơn vị liên tiếp ghi nhận tình trạng tôm hùm nuôi lồng bè tại huyện Vạn Ninh chết với số lượng lớn. Ngành chức năng đang tiến hành kiểm tra, thu thập thông tin dịch tễ để xác định nguyên nhân.
- Từ chuyện Trung Quốc ‘tuýt còi’ tôm hùm bông đến hoàn thiện quy chuẩn cho nghề nuôi biển
- Tôm hùm bông xuất sang Trung Quốc không được dùng con giống đánh bắt từ tự nhiên
Baochinhphu.vn đưa tin, ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa thời gian qua xảy ra tình trạng tôm hùm bông chết hàng loạt. Cục Thủy sản cho biết, đây là vùng nuôi có mật độ thả nuôi cao (>17 con/m2) với số lượng lồng nuôi lớn (khoảng 10.000 lồng).
Nhận định nguyên nhân ban đầu dẫn đến hiện tượng trên là do nắng nóng, mật độ lồng nuôi cao, lượng oxy hòa tan thấp làm suy giảm sức đề kháng trên tôm nuôi. Cục Thủy sản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các đơn vị chuyên môn sớm xác định nguyên nhân gây chết đối với tôm hùm bông. Đồng thời, người nuôi xử lý vùng nuôi, không để ô nhiễm môi trường.
Một số biện pháp phòng, trị bệnh trên tôm hùm bông và các đối tượng thủy sản nuôi khác lúc này là vệ sinh, sát trùng toàn bộ lưới lồng, dụng cụ nuôi, treo túi vôi xung quanh lồng/bè (khoảng 2kg/túi); tạo điều kiện trao đổi nước giữa, trong và ngoài lồng nuôi. Bên cạnh đó là san thưa mật độ tôm hùm trong lồng nuôi phù hợp với từng kích cỡ; theo dõi môi trường nước (nhiệt độ, màu nước...) thu gom thức ăn dư thừa và theo dõi hoạt động của tôm nuôi để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường…
Liên quan đến vấn đề này, dự kiến đến hết tháng 6-2024, một số thông số môi trường tiếp tục biến động bất lợi như nhiệt độ nước, NH4+-N, mật độ vi khuẩn Vibrio spp tăng cao, dẫn đến nguy cơ nở hoa của tảo, làm oxy hòa tan giảm mạnh. Từ tháng 9 đến tháng 12-2024, hiện tượng thời tiết nguy hiểm như trên cũng làm ảnh hưởng đến phát triển của thủy sản nuôi trồng trên biển, gồm cả tôm hùm nuôi một số vùng như Đông Điền, Vinh Quang (Bình Định), cầu Đà Nông, Xuân Thành (Phú Yên), Tân Thủy, Trí Nguyên (Khánh Hòa), Khánh Nhơn, Hòa Thạnh 1 (Ninh Thuận).
Cũng theo bản tin trên, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố nam Trung bộ hướng dẫn các đơn vị chức năng theo dõi tình hình thực tế, hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản trên biển ứng phó với nắng nóng. Đồng thời, ngành chức năng cũng tổ chức rà soát, bố trí lồng bè nuôi phù hợp, đúng kế hoạch đã được phê duyệt của địa phương. Điều này giúp hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi do biến động của thời tiết, chất lượng môi trường vùng nuôi.
Về quản lý nuôi trồng thuỷ sản trên biển, các địa phương theo dõi thông tin thị trường để thu hoạch thuỷ sản thương phẩm vào thời điểm thích hợp. Địa phương cũng cần có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, người nuôi trong việc giảm giá thành nuôi trồng, nâng cao hiệu quả, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Với các cơ sở nuôi tôm hùm lồng, cơ quan chuyên môn có các hướng dẫn về kỹ thuật để đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường.