Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tồn kho đồ uống trong nước tăng cao

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tồn kho đồ uống trong nước tăng cao

Hùng Lê

(TBKTSG Online) – Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành đồ uống cho biết kinh doanh bị giảm sút dẫn đến hàng tồn kho đang tăng cao. Dự báo, việc kinh doanh sẽ khó tăng trưởng trong thời gian tới.

Tồn kho đồ uống trong nước tăng cao
ông Shivam Misra (đang nói) chia sẻ ý kiến tại buổi tọa đàm – Ảnh: Hùng Lê

Thông tin này được ghi nhận tại buổi tọa đàm về thị trường ngành đồ uống 2017, dự báo xu hướng 2018 diễn ra tại TPHCM do Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam vào ngày 22-11.

Thông thường vào dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm rượu bia và nước giải khát tăng lên, nhất là vào dịp tết sắp đến. Thế nhưng, tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, cho rằng hiện nay các doanh nghiệp trong nước còn tồn kho khá nhiều, dự báo từ giờ đến tết khó có chuyện thiếu hàng, khan hàng. Vì vậy, ông Việt dự báo rằng giá cả những mặt hàng này sẽ không tăng.

Theo hiệp hội này, việc kinh doanh của các doanh nghiệp hội viên đang khó khăn nên lượng tồn kho ngành đồ uống đang dần tăng cao. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm nay, tồn kho ngành đồ uống đã tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong những năm qua, ngành công nghiệp đồ uống luôn duy trì tốc độ tăng trưởng chậm và dự kiến năm 2017 có khả năng tăng trưởng thấp hơn cả tốc độ tăng trưởng GDP. Dự báo cho triển vọng tăng trưởng năm 2018 của hiệp hội này sẽ không thay đổi nhiều so với năm 2017.

Lý giải nguyên nhân, hiệp hội này cho rằng có sự ảnh hưởng từ chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này, thuế liên tục tăng, từ 55% (năm 2015) lên 60% (2017) và sẽ lên 65% (năm 2018).

Song song đó, thực trạng rượu tự nấu vẫn được sử dụng phổ biến tại Việt Nam; trong khi các chính sách quản lý còn nhiều bất cập, cùng sự gia tăng mối lo ngại về an toàn thực phẩm, môi trường… Ngoài ra, đây cũng là một trong những ngành hàng thường xuyên đối mặt với vấn nạn hàng nhập lậu, hàng giả; đồng thời, các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh và khả năng cạnh tranh yếu khi hội nhập…

Tại tọa đàm, các ý kiến bày tỏ sự quan ngại về phát triển của ngành do gặp khó khăn trong kinh doanh và trở ngại về chính sách phát triển ngành. Cụ thể, ông Shivam Misra, Chủ tịch Ủy ban rượu và đồ uống có cồn của Eurocham, cho rằng cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đánh giá thị trường đồ uống Việt Nam có nhiều tiềm năng, thế nhưng khung thuế hiện nay quá cao gây trở ngại cho các doanh nghiệp. Ông hy vọng nhà nước có những chính sách mới tạo sự thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp và cả ngành.

Ông Trương Quang Thìn, Phó chủ tịch Hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Hà Nội, cho rằng có nhiều dự thảo nghị định, luật ra đời nhằm giảm thiểu lượng tiêu thụ bia, rượu… Tuy nhiên, việc xây dựng chính sách cần mang tính ổn định lâu dài (ít nhất trong 10 năm), và mỗi chính sách trước khi đưa ra thực tế cần đánh giá tác động, tránh ảnh hưởng lên doanh nghiệp, ông Thìn kiến nghị.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, không chỉ cạnh tranh với sản phẩm trong nước, doanh nghiệp còn đối mặt với sự tham gia nhiều của các doanh nghiệp đồ uống lớn của nước ngoài. Do đó, ông kiến nghị chính sách nhà nước cần ổn định để doanh nghiệp biết trước, nếu chính sách thay đổi quá nhanh sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp làm ăn chân chính.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới