Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tổng Liên đoàn lao động: Kiên quyết đề nghị tăng lương 16,8%

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tổng Liên đoàn lao động: Kiên quyết đề nghị tăng lương 16,8%

Thùy Dung

Tổng Liên đoàn lao động: Kiên quyết đề nghị tăng lương 16,8%
Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, ông Mai Đức Chính phát biểu tại buổi họp – Ảnh: Thùy Dung

(TBKTSG Online) – Sau khi điều tra mức sống tối thiểu của người lao động, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết sẽ kiên định bảo vệ quan điểm tăng lương tối thiểu năm 2016 ở mức trung bình 16,8%.

Tại buổi họp công bố về tiền lương, thu nhập và mức sống tối thiểu của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2015 diễn ra tại Hà Nội ngày 13-8, ông Lê Trọng Sang, đại biểu Quốc hội TPHCM, Ủy viên Đoàn Chủ tịch – Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ) cho hay, sau khi điều tra khảo sát về mức sống tối thiểu của người dân, TLĐLĐ có đủ căn cứ để kiên quyết giữ mức tăng lương tối thiểu năm 2016 vào vào khoảng 16,8%.

Theo đó, mức tăng tuyệt đối lương tối thiểu vùng 1 là 550.000 đồng/tháng; vùng 2 là 450.000 đồng/tháng, vùng 3 là 400.000 đồng/tháng và vùng 4 là 350.000 đồng/tháng. “Chúng tôi sẽ kiên quyết bảo vệ phương án này” – ông Sang nói.

Theo cuộc điều tra của TLĐLĐ, thực hiện tại 10 tỉnh, thành phố, Hà Nội, Yên Bái, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ, Bến Tre với 60 doanh nghiệp thuộc 4 vùng lương và một số loại hình doanh nghiệp. Thực hiện 1.600 phiếu hỏi đối với người lao động (NLĐ), chủ yếu là lao động trực tiếp sản xuất trong các ngành dệt may, giày da, xây dựng, giao thông vận tải, cơ khí, điện tử, chế biến nông lâm thủy sản thuộc các địa phương.

Kết quả khảo sát cho thấy, tiền lương bình quân của người lao động là 3,817 triệu đồng/tháng. Theo đó, vùng 1 là 4,369 triệu đồng; vùng 2 là 3,86 triệu đồng; vùng 3 là 3,811 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,225 triệu đồng/tháng. Mức lương thực nhận trên cao hơn nhiều so với lương ghi trong hợp đồng, làm căn cứ để đóng BHXH cho NLĐ từ 10-14% tùy theo từng vùng.

Bên cạnh đó, NLĐ còn nhận được các khoản thu nhập ngoài lương như làm thêm giờ, tiền chuyên cần, năng suất, tiền nhà ở và hỗ trợ đời sống, hỗ trợ đi lại, xăng xe; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp độc hại; tiền ăn ca.

“Tính trung bình các khoản thu nhập ngoài lương cơ bản như làm thêm giờ, trợ cấp, hỗ trợ chiếm từ 20-25% tổng thu nhập của người lao động. Tức là tiền lương cơ bản chiếm 75%-80% thu nhập. Do đó, những tháng không làm thêm giờ, thu nhập sẽ giảm sút, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn” – ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch TLĐLĐ nói.

Bên cạnh khoản thu được cho là khá eo hẹp thì người lao động đang phải chi rất nhiều khoản cho mức sống tối thiểu của mình. Theo báo cáo, mức chi tiêu trung bình của người lao động (có nuôi con, tại các ngành nghề, lĩnh vực khảo sát) là 4,247 triệu đồng/tháng, tăng 3,6% so với năm 2014. Trong đó, vùng 1: 4,910 triệu đồng; vùng 2: 4,290 triệu đồng; vùng 3: 3,950 triệu đồng; vùng 4: 3,510 triệu đồng.

Tìm hiểu nội dung này, ông Chính cho hay, NLĐ tại các vùng 1 và 2, nơi có khu công nghiệp tập trung, họ phải thuê nhà mỗi tháng với giá rẻ nhất từ  là 700.000 đồng cho 3 người ở; tiền điện trung bình 50.000 đồng/người (15kW); tiền nước 100.000 đồng/người (8m3); gửi con nhà trẻ 1,5 triệu đồng/tháng. Giá cả các dịch vụ và đồ dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm tại đây đều tăng hơn khu vực lân cận từ 7 – 10%.

“So sánh giữa thu nhập và chi tiêu, NLĐ cho biết, cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn như có tới gần 20% NLĐ được hỏi cho rằng thu nhập “không đủ sống”; hơn 30% phải chi tiêu tằn tiện và rất tiết kiệm; hơn 40% vừa đủ trang trải cho cuộc sống nhưng lại chỉ có 8% cho biết có dư dật và có tích luỹ” – ông Chính nói.

Ông Lê Trọng Sang cho hay, bên cạnh việc kiên quyết bảo vệ mức tăng lương tối thiểu trung bình là 16,8%. TLĐLĐ sẽ kiên trì việc đề xuất với Chính phủ để khảng định lộ trình đảm bảo tiền lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu.

“Trước đây Nghị quyết Trung Ương 3 đã đưa ra lộ trình đến năm 2015 (mức lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu – PV) nhưng sau đó lùi lại đến năm 2018 vẫn chưa được. TLĐLĐ tiếp tục đặt vấn đề này với Hội đồng tiền lương quốc gia phiên họp ngày 5-8 thì Chính phủ cũng chưa thể khảng định điều này” – ông Sang nói.

Cũng có mặt tại buổi công bố báo cáo, ông Lê Nho Thướng, Phó chủ tịch Công đoàn dệt may Việt Nam cũng đồng tình với việc phải tăng lương tối thiểu nhưng việc tăng lương như thế nào phải đảm bảo hài hòa giữa lợi ích quốc gia, doanh nghiệp và người lao động.

Theo tính toán của doanh nghiệp dệt may, với một doanh nghiệp trung bình có 10.000 lao động, mức tăng lương tối thiểu năm nay lên 15% thì chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng lên khoảng 80 tỉ đồng. Lợi nhuận doanh nghiệp theo đó sẽ giảm đi rất nhiều.

“Chúng tôi ủng hộ tăng lương nhưng nếu tăng lương cao quá thì chắc chắn vùng 1 và 2 không hoạt động được. Còn lại vùng 3 và 4 thì có thể nhưng kỹ năng lao động ở đó rất thấp, đường xá thì xa xôi người nước ngoài không muốn đặt hàng thì doanh nghiệp đó cũng khó có thể sống” – ông Thướng nói.

Đề xuất mức TLTT vùng năm 2016, 2017  Đơn vị: 1000 đồng

Vùng

MLTT 2016

Tăng so với 2015

% so với nhu cầu tối thiểu

MLTT 2017

Tăng so với 2016

Vùng 1

3.650

550

88,9

4.300

650

Vùng 2

3.200

450

87,0

3.800

600

Vùng 3

2.800

400

86,9

3.350

550

Vùng 4

2.300

350

87,4

3.000

500

 

 Nguồn: Tổng liên đoàn lao động

Đọc thêm:

Lại chuyện tăng lương tối thiểu

Họp tiền lương tối thiểu: Tranh cãi nảy lửa vẫn chưa ra kết quả

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới