Thứ sáu, 13/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tổng thống Putin ký sắc lệnh cấm bán dầu cho những nước áp giá trần

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hôm 27-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cấm bán dầu và các chế phẩm dầu mỏ cho những nước áp giá trần đối với dầu của Nga. Tuy nhiên, giá dầu trên thị trường không biến động nhiều vì vẫn chưa rõ sắc lệnh này tác động đến nguồn cung dầu ở mức độ nào.

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký sắc lệnh cấm bán dầu cho những nước áp dụng giá trần đối với dầu của Nga trong khoảng thời gian 5 tháng bắt đầu từ tháng 2-2023. Ảnh: Sputnik / Reuters

Sắc lệnh cho biết Nga sẽ cấm xuất khẩu dầu dựa vào các hợp đồng trực tiếp hoặc gián tiếp sử dụng cơ chế áp  trần giá trong khoảng thời gian từ ngày 1-2 đến ngày 1-7-2023. Riêng thời điểm cấm bán chế phẩm dầu mỏ đối với các nước áp giá trần sẽ được chính phủ Nga quyết định sau ngày 1-2. Sắc lệnh nói rằng Tổng thống Putin vẫn có quyền miễn trừ lệnh cấm này cho các nước áp giá trần trong những trường hợp đặc biệt.

Sắc lệnh, được công bố trên cổng thông tin chính phủ Nga và trang web của Điện Kremlin, được coi là sự đáp trả trực tiếp đối với “các hành động không thân thiện và trái với luật pháp quốc tế của Mỹ và các quốc gia khác cũng như các tổ chức quốc tế” liên quan đến việc áp giá trần đối với dầu của Nga.

Trước đó, Nhóm cường quốc công nghiệp G7, Liên minh châu Âu (EU)  và Úc đã đồng ý áp giá trần 60 đô la Mỹ/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga để trừng phạt “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Moscow ở Ukraine. Theo đó, các công ty bảo hiểm, tài chính và vận chuyển ở châu Âu bị cấm cung cấp dịch vụ cho các tàu chở dầu của Nga được mua với giá trên 60 đô la Mỹ/thùng.

Giới hạn giá cùng với lệnh cấm vận nhập khẩu của EU đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển từ Nga được thực thi từ ngày 5-12.

Các nước phương Tây đang cố gắng giới hạn mức giá xuất khẩu của dầu Nga trong nỗ lực làm suy giảm ngân sách phục vụ cho các chiến dịch của Điện Kremlin ở Ukraine, trong khi vẫn giữ cho dầu của Nga chảy ra thị trường để giúp ổn định giá toàn cầu.

Theo giới phân tích, cách Điện Kremlin nhìn nhận các hợp đồng dầu mỏ và mức độ rộng rãi của các miễn trừ sẽ định hình liệu sắc lệnh nói trên có gây ra sự gián đoạn lớn đối với thị trường dầu toàn cầu hay không.

Nhiều lô hàng dầu thô xuất khẩu của Nga hiện đang được bán với giá thị trường thấp hơn nhiều so với mức trần 60 đô la Mỹ, và chủ yếu cung cấp cho các nước chưa đồng ý tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo các nguồn tin, một số lô hàng xuất khẩu này đã nhận được sự hỗ trợ của các công ty phương Tây vì chúng vẫn phù hợp với các điều khoản của cơ chế giá trần.

Nếu Điện Kremlin quyết định hạn chế xuất khẩu dầu cho những người mua không phải phương Tây, điều đó có thể làm giảm nguồn cung dầu toàn cầu và đẩy giá lên cao. Nếu chỉ nhắm đến các nước phương Tây tham gia cơ chế giá trần, thì tác động của sắc lệnh trên sẽ ít hơn nhiều vì họ đã cấm hầu hết hàng hóa năng lượng nhập khẩu từ Nga.

Hungary và một số nước EU không giáp biển khác đã thúc đẩy miễn trừ lệnh cấm vận của EU để tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Tổng thống Putin bây giờ có thể tắt những dòng chảy đó.

Simone Tagliapietra, nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels (Bỉ), nhận định: “Sắc lệnh nói trên rất mơ hồ và cung cấp cho ông Putin các lựa chọn để tiếp tục xuất khẩu dầu sang các nước tuân thủ chính sách áp trần giá dầu Nga. Nói chung, đây là dấu hiệu cho thấy Nga đang ở trong tình thế dễ bị tổn thương, cần nguồn thu từ dầu mỏ, và do đó họ không thể thực hiện các biện pháp trả đũa một cách quyết liệt”.

Dù sắc lệnh của ông Putin có nguy cơ làm gián đoạn thị trường dầu, giới đầu tư cho đến nay dường như vẫn đánh giá thấp điều đó. Các hợp đồng tương lai của dầu thô, thước đo chuẩn cho giá dầu toàn cầu, chỉ tăng thêm 0,5%, lên mức 84,33 đô la Mỹ/thùng trong phiên giao dịch hôm 26-12.

Các công ty phân tích dầu mỏ và theo dõi tàu chở dầu cho biết sản lượng dầu thô của Nga đã giảm kể từ khi các lệnh trừng phạt của phương Tây có hiệu lực. Theo Công ty dữ liệu hàng hóa Kpler, Nga xuất khẩu khoảng 2,5 triệu thùng dầu thô /ngày bằng đường biển trong tháng 12 cho đến nay, giảm 22% so với mức trung bình trong 11 tháng đầu năm.

Matt Smith, nhà phân tích dầu mỏ của Kpler cho biết, mức sụt giảm đó phần lớn phản ánh các chuyến hàng từ các cảng phía đông của Nga giảm, có thể là do thời tiết mùa đông khắc nghiệt và nhu cầu yếu từ Trung Quốc khi việc tái mở cửa trở nền kinh tế đang gặp khó khăn do cơn bùng nổ lây nhiễm Covid-19 trên khắp cả nước.

Smith cho biết thêm, lượng khách mua dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga đã giảm xuống còn khoảng 6 nước, bao gồm cả Ấn Độ và Trung Quốc.

Khi các thương nhân và nhà đầu tư cố gắng định giá các lệnh trừng phạt đối với dầu của Nga, Điện Kremlin và các đối tác thương mại đã mở rộng một “đội tàu bóng tối” để vận chuyển dầu thô xuất khẩu của Nga mà không cần các dịch vụ tài chính hoặc bảo hiểm của phương Tây.

Cuối tuần trước, dầu thô Urals của Nga được bán với giá 42,4 đô la Mỹ/thùng từ cảng Primorsk ở biển Baltic, theo Argus Media, công ty chuyên theo dõi giá cả hàng hóa. Nếu giá thị trường của Urals tăng vượt mức 60 đô la Mỹ/thùng, tác động của sắc lệnh này đối với thị trường có thể trở nên rõ ràng hơn.

Hôm 27-12, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết thâm hụt ngân sách của Nga có thể lớn hơn mức 2% GDP theo kế hoạch vào năm 2023 do giá dầu suy yếu, làm giảm doanh thu xuất khẩu năng lượng.

Robert Yawger, giám đốc phụ trách thị trường năng lượng tương lai tại Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản), cho biết dữ liệu cho thấy một số người mua ở Đông Nam Á hiện ngần ngại hơn trong việc mua các thùng dầu bị trừng phạt của Nga. Do vậy, một số tàu chở dầu đang chuyển hướng sang Ấn Độ và Trung Quốc nhưng các nước này cũng đã mua đủ lượng dầu cần thiết.

Theo Yawger, nhu cầu dầu toàn cầu đã giảm trong những tháng vừa qua. Dù chứng kiến đợt phục hồi kéo dài ba tuần gần đây sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại và thời tiết lạnh giá khắc nghiệt, giá dầu có thể giảm trong những tuần tới nếu các hoạt động kinh tế trên toàn cầu tiếp tục suy yếu. Yawger nói: “Hiện tại, khía cạnh nhu cầu là một vấn đề lớn hơn”.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới