Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tổng thống Putin lạc quan về triển vọng kinh tế Nga

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Vladimir Putin dự báo kinh tế Nga có thể tăng trưởng lên đến gần 2% trong năm nay. Ông cũng ca ngợi tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát thấp của Nga đồng thời khẳng định ngành năng lượng Nga đã tìm được khách hàng mới để thay thế các thị trường phương Tây.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) hôm 16-6. Ảnh: SPUTNIK/Getty

Dự báo trên được ông Putin nêu ra tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) hôm 16-6. Đây là một sự kiện thường niên diễn ra ở thành phố St. Petersburg của Nga, đôi khi được ví như Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ. Tuy nhiên, các quan chức và nhà đầu tư phương Tây đã tránh xa diễn đàn này trong năm nay, bắt đầu từ thứ 13 và kéo dài đến thứ 17-6.

Theo Bloomberg, hầu hết những người tham dự là nhà chính trị cấp thấp đến từ Trung Đông, Mỹ Latinh và châu Á, những khu vực mà Nga đã trở nên gần gũi hơn về mặt kinh tế khi lệnh trừng phạt của phương Tây cắt đứt nước này khỏi các con đường thương mại truyền thống.

Những vị khách đáng chú ý nhất là các quan chức từ Trung Quốc, bao gồm Zhang Hanhui, đại sứ Trung Quốc tại Moscow và Zhou Liqun, Chủ tịch Liên minh Doanh nhân Trung Quốc tại Nga.

Trong nhiều thập niên, SPIEF là sự kiện hàng đầu của Nga để thu hút vốn nước ngoài. Điện Kremlin đã cấm các nhà báo từ các nước “không thân thiện” như Mỹ, Canada, các thành viên Liên minh châu Âu (EU), Úc đến đưa tin về sự kiện này trong năm nay.  Các quan chức không cung cấp danh sách các doanh nghiệp nước ngoài tham dự SPIEF, nhưng chương trình dành cho hơn 100 phiên thảo luận nhóm cho thấy phần lớn các diễn giả đến từ Nga.

Trong khi một trong những phiên thảo luận ca ngợi Nga là “trung tâm công nghệ toàn cầu”, thì nội dung của các phiên thảo luận khác ngầm thừa nhận Nga bị cô lập kinh tế kể từ khi đưa quân sang biên giới Ukraine gần 16 tháng trước.

“Chúng tôi không rơi vào con đường tự cô lập mà hoàn toàn ngược lại. Chúng tôi đã mở rộng quan hệ với các đối tác đáng tin cậy và có trách nhiệm ở các quốc gia và khu vực đóng vai trò là động lực của nền kinh tế thế giới ngày nay. Tôi muốn nhắc lại: Đây là những thị trường của tương lai, mọi người đều hiểu rõ điều đó”, Tổng thống Putin nói tại phiên họp toàn thể của diễn đàn.

Ông nói xu hướng kinh tế vĩ mô của đất nước đang tích cực và ngành năng lượng của Nga đã tìm được khách hàng mới.

Ông cho biết các thị trường năng lượng phương Tây đang được thay thế bởi các thị trường khác và Nga không gặp bất cứ tai họa nào trong vấn đề xuất khẩu năng lượng.

 

 

“Vào tháng 4 năm nay, GDP của Nga tăng 3,3% tính theo năm và đến cuối năm, con số này sẽ tăng hơn 1%”, ông Putin nói.

Ông dẫn dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết  nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 0,7% trong năm 2023. Nhưng ông cho biết các chuyên gia kinh tế của Nga nhận định kinh tế của đất nước có thể tăng trưởng 1,5%, thậm chí gần 2%.

Ông nói tài chính công của Nga nhìn chung đang cân bằng, dù thực tế là Nga đang chịu mức thâm hụt ngân sách 42 tỉ đô la từ đầu năm đến nay.

Ông nói thêm, chính sách tiền tệ và ngân sách có trách nhiệm của chính phủ đã giúp Nga đạt tỷ lệ thất nghiệp thấp trong lịch sử, hiện ở mức 3,3%. Đồng thời, lạm phát của Nga cũng thấp hơn so với nhiều nước phương Tây khác.

Thực tế, tỷ lệ thất nghiệp ở Nga thấp một phần là do hàng trăm ngàn người nhập ngũ và hàng trăm ngàn người khác rời Nga để tránh nghĩa vụ quân sự. Ngân hàng trung ương Nga đã cảnh báo tình trạng thiếu lao động hiện nay ở Nga sẽ làm gia tăng rủi ro lạm phát và các nhà kinh tế khác xem đây là một trong những yếu tố lớn nhất kìm hãm tăng trưởng của Nga.

Tổng thống Putin tiết lộ trong 5 tháng đầu năm, doanh thu từ các lĩnh vực phi dầu khí của Nga tăng 9,1%, cao hơn đáng kể so với dự kiến.

“Đây là một chỉ dấu quan trọng cho thấy nền kinh tế thực của chúng tôi gồm lĩnh vực sản xuất, thương mại và dịch vụ đang phát triển và đạt được động lực”.

Ông khẳng định Nga sẽ không đóng cửa với các nhà sản xuất nước ngoài muốn quay trở lại thị trường Nga.

“Bạn biết rất rõ rằng chúng tôi chưa bao giờ đẩy bất kỳ ai ra khỏi thị trường hoặc nền kinh tế của chúng tôi”, ông nhấn mạnh.

Ông ghi nhận, ban đầu, các doanh nhân Nga rất lo lắng về sự ra đi của các công ty phương Tây. Nhưng giờ đây, họ đang thế chỗ ở các cơ sở sản xuất bỏ các trung tâm mua sắm bị bỏ trống do các công ty phương Tây rời Nga.

Về tiền tệ Nga trong thanh toán quốc tế, ông Putin cho biết hiện nay, khoảng 90% các khoản thanh toán với các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu là bằng đồng rúp. Hơn 80% các khoản thanh toán giữa Nga và Trung Quốc là bằng đồng rúp và nhân dân tệ.

“Chúng tôi cũng đang tích cực phát triển thương mại bằng đồng nội tệ với các nước khác, ưu tiên cho các nước láng giềng gần nhất, cũng như các nước thuộc nhóm các nền kinh tế mới nổi ( BRICS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)”, ông cho hay.

Tổng thống Putin chỉ ra rằng dự trữ đô la Mỹ ở nền kinh tế lớn trên thế giới và giao dịch thương mại bằng đồng đô la giữ đang nhanh chóng thu hẹp lại.

“Thị phần thanh toán bằng đồng đô la đang giảm. Thị phần thanh toán bằng đồng nhân dân tệ đang tăng lên. Các nhà sản xuất dầu ở các quốc gia Arab hiện nói rằng họ sẵn sàng trả tiền mua dầu bằng đồng nhân dân tệ... Nếu xu hướng này tiếp tục phát triển và các sàn giao dịch dầu khí khác xuất hiện mà không sử dụng đô la để giao dịch, thì đây là sự khởi đầu của sự kết thúc cho đô la”, Tổng thống Putin nói.

Ông khẳng định rằng Nga chưa bao giờ có ý định phi đô la hóa, kể cả ở nền kinh tế trong nước cũng như nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, ông cho rằng do chính sách trừng phạt của Mỹ đối với Nga sau cuộc khủng hoảng Ukraine, Moscow buộc phải từ bỏ đồng bạc xanh để chuyển sang các loại tiền tệ khác nhằm duy trì hoạt động kinh tế.

Đề cập đến tài sản của nhà nước và doanh nghiệp bị phong tỏa ở các nước phương Tây, Tổng thống Putin cho biết việc gửi các khoản tiền kiếm được ở Nga vào các tài khoản nước ngoài mang đến “những rủi ro không thể chấp nhận được”,  không chỉ đối với chính phủ mà cả các doanh nghiệp Nga.

Tổng thống Putin chỉ trích châu Âu khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than trong khi ông ca ngợi chính sách khí hậu của Điện Kremlin.

“Không giống như nhiều nước khác, chúng tôi đang thực hiện tất cả các cam kết mà chúng tôi đã thực hiện trong lĩnh vực này, thậm chí trước thời hạn”, ông nói.

Theo Reuters, Al Jazeera, PressTV

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới