Tổng thống Trump nhắm mua đảo Greenland vì nguồn lợi đất hiếm
Lê Linh
(TBKTSG Online) - Ý tưởng mua đảo Greenland của Tổng thống Donald Trump có thể gây bất ngờ nhưng từ lâu, chính phủ Mỹ đã nhắm đến các nguồn tài nguyên dồi dào trên hòn đảo lớn nhất thế giới này, đặc biệt là đất hiếm.
Công ty khai khoáng Greenland Minerals đã hoàn thành nghiên cứu tiền khả khi ở dự án đất hiếm Kvanefjeld ở Greenland. Ảnh: Mining Journal |
Tuần trước báo chí Mỹ đưa tin, trong nhiều cuộc họp với các trợ lý, Tổng thống Trump đặt ra khả năng mua đảo Greenland, một lãnh thổ tự trị của Đạn Mạch, đồng thời yêu cầu Nhà Trắng nghiên cứu vấn đề này.
Hôm 18-8, ông Trump chính thức xác nhận chính phủ Mỹ muốn mua đảo Greenland. Ngay sau đó, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nói rằng: “Greenland không phải để bán”. Bà gọi các cuộc thảo luận mua Greenland ở Mỹ là “ngớ ngẩn”.
Hôm 20-8, thông qua Twiiter, Tổng thống Trump thông báo hoãn chuyến thăm đến Đan Mạch mà theo kế hoạch trước đó sẽ diễn ra trong vòng chưa đầy 2 tuần nữa.
Ông viết: “Đan Mạch là một đất nước rất đặc biệt với những người dân phi thường nhưng các phát biểu của Thủ tướng Mette Frederiksen cho thấy bà ấy sẽ không muốn thảo luận việc mua Greenland, nên tôi hoãn cuộc gặp giữa chúng tôi trong 2 tuần tới...”.
Giới phân tích mổ xe nhiều lý do đằng sau việc Tổng thống Trump muốn mua đảo Greenland nhưng đa phần họ đồng tình rằng tài nguyên khoáng sản dồi dào, đặc biệt là đất hiếm mà đảo này sở hữu là động lực thôi thúc Trump đưa ra ý tưởng như vậy.
Chính phủ Mỹ gần đây ký thỏa thuận ghi nhớ về việc hợp tác với chính quyền Greenland về khai thác đất hiếm để thúc đẩy đầu tư trong ngành công nghiệp này như là một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm bảo đảm các nguồn cung thay thế sau khi Trung Quốc phát thông điệp rằng, nước này có thể hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ để trả đũa trong cuộc chiến thương mại hiện nay giữa hai nước.
Theo một số ước tính, Greenland đang nắm giữ khoảng 38,5 triệu tấn oxit đất hiếm, trong khi đó tổng trữ lượng đất hiếm còn lại trên toàn cầu là 120 triệu tấn.
Đất hiếm là tập hợp 17 nguyên tố hóa học thường được tìm thấy cùng nhau trong những mẩu quặng phân bố ở một số khu vực trên thế giới. Chúng là thành phần rất quan trọng cho các ứng dụng công nghệ cao bao gồm xe điện, điện thoại thông minh, tuốc bin gió và nhiều thiết bị quân sự.
Trung Quốc chiếm lĩnh phần lớn sản lượng đất hiếm trên toàn cầu. Hơn 70% sản lượng đất hiếm toàn cầu được khai thác ở Trung Quốc và tỉ lệ đất hiếm được chế biến ở Trung Quốc còn cao hơn nữa.
Có hai công ty khai khoáng ở Greenland đang nắm giữ các lợi thế khai thác đất hiếm ở đây nhưng họ bất đồng quan điểm về nhu cầu hợp tác với Trung Quốc.
Công ty khai khoáng Tanbreez Mining (Úc) tuyên bố đang nắm giữ các nguồn tài nguyên giàu đất hiếm ở Greenland. Greg Barnes, nhà địa chất trưởng của công ty Tanbreez Mining, cho biết việc Trung Quốc tham gia trong dự án của công ty là không cần thiết vì quặng đất hiếm ở Greenland không có nhiều các tạp chất thường thấy như thorium hay fluorine, do vậy có thể xử lý để thu hồi các kim loại hiếm với chi phí thấp mà không cần phải tinh chế tại Trung Quốc.
“Hoạt động của chúng tôi không cần bất kỳ công nghệ nào của Trung Quốc”, ông cho biết.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng các dự án đất hiếm không thể nào tránh khỏi sự phụ thuộc vào chuỗi giá trị ở Trung Quốc.
“Các công ty Trung Quốc được xem là những người dẫn đầu trong công nghệ phức tạp để chuyển các quặng tuyển đất hiếm thành các sản phẩm thương mại và Trung Quốc cũng là thị trường đất hiếm lớn nhất. Do đó, rất khó để hình dung một dự án đất hiếm có thể thành công nếu hoàn toàn loại bỏ trình độ chuyên môn của Trung Quốc”, nhà nghiên cứu Patrik Andersson ở Đại học Aalborg (Đan Mạch), nhận định.
Công ty khai thác đất hiếm thứ hai đang hiện diện tại Greenland là Greenland Minerals (Úc). Cổ đông lớn nhất của Greenland Minerals là công ty khai thác và chế biến đất hiếm Shenghe Resources (Trung Quốc).
Giá cổ phiếu của Greenland Minerals tăng giá gấp 3 lần trong thời gian gần đây sau khi công ty thông báo đã giảm mạnh chi phí đầu tư và hoạt động, giúp mang về mức lợi nhuận lớn hơn. Kết quả này có được chủ yếu là nhờ vào trình độ công nghệ của Shenghe Resources.
Trong khi các dự án khai thác đất hiếm ở Greenland vẫn còn gây tranh cãi vì nguy cơ tác động đến môi trường trên đảo này, nhiều nhà chính trị ở Nuuk, thủ phủ của Greenland, chỉ ra nhiều lợi ích mà chúng mang lại. Họ cho rằng phát triển các nguồn tài nguyên như đất hiếm sẽ tạo ra việc làm, ngăn chặn làn sóng di cư khỏi đảo và bảo đảm sự độc lập lớn hơn đối với Đan Mạch trong dài hạn. Hiện chính phủ Đan Mạch vẫn trợ cấp hơn 50% tổng ngân sách của lãnh thổ tự trị Greenland.
Tuy nhiên, chính quyền Greenland vẫn rất chậm chạp trong việc triển khai các dự án khai khoáng. Cho đến nay, chỉ có hai mỏ khai thác sapphire và anorthosite chính thức hoạt động trên đảo. Bộ Tài nguyên khoáng sản và Lao động Greenland nhấn mạng mối quan tâm lớn hiện nay là bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Greenland Minerals đang lên kế hoạch khai thác đất hiếm tại dự án Kvanefjeld ở Greenland. Công ty này cho biết đã nộp bản đánh giá tác động môi trường của dự án cho các cơ quan chức năng và đang tham vấn ý kiến công chúng. Trong khi đó, Tanbreez Mining đã chờ đợi 7 năm qua để được cấp giấy phép khai thác đất hiếm ở Greenland.
Khi đề cập đến vai trò của Trung Quốc trong các nỗ lực khai thác đất hiếm ở Greenland, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng chính quyền Greenland nên cởi mở với nhiều công ty khai thác đất hiếm để chọn ra phương án tốt nhất cho đất nước.
Theo Financial Times