Chủ Nhật, 27/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

Chánh Tài

Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran
Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm văn bản ghi nhớ tổng thống nhằm kích hoạt tiến trình rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái trừng phạt nước này. Ảnh: AP

(TBKTSG Online) - Đúng như dự báo, hôm 8-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, một động thái có thể siết chặt nguồn cung trên thị trường dầu vì Mỹ sẽ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế Iran, một thành viên chủ chốt của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Thỏa thuận hạt nhân khiếm khuyết ngay từ lõi

Tờ New York Times đưa tin, trong bài phát biểu tại Nhà Trắng, ông Trump nói rằng, đây là thỏa thuận một chiều tồi tệ mà đáng ra không bao giờ nên có. Nó không mang lại yên ổn, nó không mang lại hòa bình.

Ông cho rằng Mỹ và các đồng minh châu Âu không thể ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân và nhấn mạnh, "thỏa thuận hạt nhân Iran khiếm khuyết ngay từ nội dung cốt lõi của nó”.

Thỏa thuận hạt nhân Iran có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 (năm thành viên thường trực hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc + Đức) và Liên minh châu Âu (EU) tại Vienna (Áo) vào tháng 7-2015 sau gần hai năm đàm phán.

Nội dung cốt lõi của thỏa thuận là Iran chấp nhận giới hạn các chương trình hạt nhân nhằm bảo đảm rằng nước này không thể phát triển vũ khí hạt nhân, đổi lại, Iran được phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế bao gồm lệnh cấm vận dầu mỏ.

Chiến thắng của Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11-2016 đặt số phận thỏa thuận vào tình thế chông chênh. Trump đã cam kết trong cuộc vận động tranh cử rằng ông sẽ phá bỏ thỏa thuận hạt nhân tai họa với Iran. Trump cho rằng thỏa thuận hạt nhân Iran không giúp giải quyết cách hành xử gân hấn của Iran trong khu vực và mối đe dọa chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.

Theo luật Mỹ, cứ định kỳ 120 ngày, tổng thống phải gia hạn việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Iran.

Tháng 1-2018, Tổng thống Trump miễn cưỡng đồng ý gia hạn quyết định dỡ bỏ gói trừng phạt Iran và nói rằng đây là cơ hội cuối cùng để các đồng minh châu Âu hợp tác cùng Mỹ để khắc phục các khiếm khuyết nghiêm trọng trong thỏa thuận. Trump xem ngày 12-5 là thời hạn chót để các đồng minh phúc đáp yêu cầu của ông và dựa vào đó, ông sẽ ra quyết định có rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hay không.

Tuy nhiên, hôm 7-5, Trump nói sẽ ra quyết định về thỏa thuận hạt nhân Iran vào 2 giờ chiều ngày 8-5 theo giờ Mỹ.

Tất cả các đối tác đàm phán trong nhóm P5+1 và EU đều muốn duy trì thỏa thuận này nhằm ngăn chặn nguy cơ Iran phát triển vũ khí hạt nhân và mở rộng quan hệ thương mại với quốc gia này.

Cuối cùng, các đồng minh châu Âu đã đồng ý một nhượng bộ quan trọng, là sẽ tái trừng phạt Iran nếu có minh chứng cho thấy Iran quyết tâm sản xuất vũ khí hạt nhân trong vòng 12 tháng. Song nhượng bộ này vẫn không làm hài lòng Trump nên ông đã tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Trên Twitter, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết: "các nước Pháp, Đức, Anh lấy làm tiếc trước quyết định của Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Đi liền với đó là một sự cảnh báo rằng, hệ thống hợp tác quốc tế để chống lại phổ biến vũ khí hạt nhân đang ở tình thế nguy ngập”.

Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh EU Federica Mogherini kêu gọi cộng đồng quốc tế duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran. “EU vẫn cam kết tiếp tục thực hiện hiệu quả và đầy đủ thỏa thuận hạt nhân Iran”, bà nói.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ra tuyên bố kêu gọi các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân Iran tiếp tục tuân thủ các cam kết của họ.

Về phía mình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, chính phủ Iran vẫn cam kết thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc khác dù Mỹ quyết định rút. Song, ông cũng cảnh báo Iran đã sẵn sàng nối lại hoạt động làm giàu uranium nếu xét thấy thỏa thuận hạt nhân không còn mang lại các lợi ích cho Iran

Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt Iran

Cùng ngày, Trump ký văn bản ghi nhớ tổng thống để kích hoạt tiến trình rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Theo đó, trong vòng 90-180 ngày, Mỹ sẽ tái áp đặt gói trừng phạt nhằm vào ngành tài chính, dầu mỏ, đóng tàu và nhiều lĩnh vực quan trọng khác của Iran, chẳng hạn như cấm Iran mua đồng đô la Mỹ, cấm Iran giao dịch vàng và các kim loại quý khác cũng như than, nhôm và thép với các công ty Mỹ, cấm các công ty Mỹ mua các sản phẩm xăng dầu và hóa chất của Iran, xuất khẩu máy bay, linh kiện máy bay sang Iran...

Để tránh bị trừng phạt, các công ty Mỹ phải chấm dứt các hợp đồng làm ăn với Iran trong vòng 90-180 ngày.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng khuyến cáo trong vòng 90-180 ngày, các công ty châu Âu phải thoát ra khỏi các hợp đồng làm ăn với Iran trong các lĩnh vực Iran bị trừng phạt.

Giá dầu trải qua một phiên giao dịch hỗn loạn trong ngày 8-5 với biên độ khá rộng vì không rõ quyết định của Trump đối với số phận thỏa thuận hạt nhân Iran. Giá dầu Tây Texas (WTI) tại thị trường New York đã nhúng xuống khá sâu từ mức trên 70 đô la Mỹ thùng xuống sát 67,6 đô la/thùng. Tương tự, giá dầu Brent tại thị trường London cũng tụt từ mức 76 đô la/thùng xuống sát 73 đô la/thùng.

Khi Trump chính thức tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, giá dầu WTI phục hồi dần và đóng cửa với mức 69,06 đô la Mỹ/thùng nhưng vẫn giảm 2,4% so với ngày trước, trong khi đó, giá dầu Brent chốt phiên giao dịch với mức giá 74,85 đô la Mỹ/thùng, giảm 1,7%.

Sở dĩ giá dầu không tăng mà ngược lại còn giảm trong ngày 8-5 một phần là do dầu đã tăng trong thời gian gần đây nhờ vào các kỳ vọng Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Công ty nghiên cứu thị trường năng lượng FGE nhận định nếu các biện pháp trừng phạt Iran được Mỹ lẫn các đồng minh châu Âu phục hồi, sản lượng dầu Iran có thể giảm từ 250-500.000 thùng/ngày vào cuối năm 2018. Con số này sẽ tăng lên 500.000 đến 1 triệu thùng/ngày vào năm 2019.

Tuy nhiên, Jay Hatfield, giám đốc quản lý danh mục đầu tư ở công ty InfraCap MLP cho rằng, trước mắt, sản lượng dầu của Iran sẽ không bị tác động nhiều bởi quyết định rời thỏa thuận hạt nhân Iran của Mỹ trừ phi Trump thuyết phục được các đồng minh châu Âu tái trừng phạt Iran. Ông dự báo dầu WTI sẽ giao động trong khoảng giá 60-70 đô la/thùng trong năm nay.

Mời xem thêm

Câu chuyện giá dầu: Đừng tin vào chuyên gia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới