Tổng thống và Ăn mày
Trần Ngọc Châu
(TBKTSG Online) - Khi còn làm báo, tôi thường xuyên ăn tết xa nhà. Nhưng nếu bạn hỏi tôi cái tết nào đáng nhớ nhất, tôi sẽ nói: đó là tết Kỷ Hợi năm 1999.
Cố nhà báo Võ Như Lanh va nhà báo Trần Ngọc Châu tại Jakarta 16/2/1999 (mồng 1 tết Kỷ hợi) |
Đáng nhớ không phải tôi đi cùng với cố Tổng biên tập Thời Báo Kinh tế Sài Gòn Võ Như Lanh mà vì đó là thời điểm đầu tiên mà các nước Asean bắt đầu bỏ entry visa (vi sa nhập cảnh) cho Việt Nam. Tất nhiên thời đó chúng tôi đi công tác toàn bằng hộ chiếu công vụ, vì vậy khó không phải entry visa mà khó nhất là xin exit visa (visa xuất cảnh). Mỗi lần đi công tác nước ngoài đều phải làm lý lịch lại và phải phỏng vấn bởi nhà ta để được cấp exit visa. (Các bạn trẻ sẽ cười lên: té ra bây giờ mình sướng hơn thời bác Châu mà không biết!).
Chiều 29 tết (14/2/1999) chúng tôi rời khách sạn (tôi không nhớ tên, nhưng thuộc loại 4 sao) nằm trên đường Orchards Singapore, để ra phi trường đi tiếp đến Jakarta, Indonesia - nơi một hội nghị quốc tế diễn ra hơn một tuần. Chúng tôi suýt trễ chuyến bay vì nhân viên hàng không chưa được thông tin về việc Indonesia bỏ visa cho người Việt Nam. Bài học thứ hai trong chuyến đi: thông tin chính thức bao giờ cũng chậm hơn tin của giới báo chí.
Đó là bài học thứ hai của chuyến đi dịp Tết. Vậy bài học thứ nhất là gì? – Là lỗi logistics và phép xã giao thông thường. Theo lịch trình tôi được sắp xếp có cuộc phỏng vấn với Tổng thống Bachanuddin Jusuf Habibi mới lên của Indonesia sau một thời gian dài hơn 3 thập kỷ của nhà độc tài Suharto, nên văn phòng hành chính lo book khách sạn tại Singapore để nghỉ một đêm trước khi bay đi Jakarta.
Khi tôi và đồng nghiệp Võ Như Lanh đến khách sạn, người ta chào đón chúng tôi bằng những ánh mắt tỏ ra thân thiện và những nụ cười hết sức rộng mở. Tôi hơi ngạc nhiên vì ở thời điểm đó người Việt Nam chúng ta còn khá cách biệt với cộng đồng thế giới. Nhân viên tiếp tân mở ra một cuốn sổ bìa dày và nói đại ý: Chúng tôi rất vui được đón hai quý ông vào câu lạc bộ gay của chúng tôi. Tầng này là riêng dành cho hội viên câu lạc bộ gay”.
Thoạt đầu, tôi không để ý chữ gay vì nghĩ là “vui vẻ" bình thường, nhưng tôi chợt hiểu ngay, nó không phải là tính từ mà là danh từ. À ra thế, họ tưởng hai quý ông là bạn gay. “Không, cám ơn” - tôi vẫn đủ bình tĩnh - “chúng tôi chỉ là …bình thường”. Nhân viên cũng lấy lại bình tĩnh (một cách chuyên nghiệp) như tôi: “Vâng, rất xin lỗi, vì hai quý ông book cùng phòng nên chúng tôi cứ tưởng… Vâng, không sao, mọi việc vẫn bình thường ạ”.
Tuy vậy, ánh mắt và nụ cười của nhân viên khách sạn trở nên “khách sáo” hơn rất nhiều. Bài học này là: theo thông lệ ngầm của sự văn minh, hai người đồng giới không bao giờ “nên” ở chung một phòng khách sạn, dù chỉ là khách san một sao… Lỗi này thuộc về văn phòng hành chánh của chúng tôi. Có lẽ chỉ vì tiết kiệm “của công” thôi. Tiếc là ở đất nước Việt Nam yêu dấu của chúng ta, cái nhỏ thì tiết kiệm, còn cái lớn thì lãng phí đến tiếc thương.
Cuối cùng, chúng tôi cũng bay đến Jakarta đúng vào chiều 30 tết Kỷ Hợi (15/2/1999). Khi người tài xế tính tiền taxi (tất nhiên, lúc đó chưa có taxi công nghệ như bây giờ), Lanh khoác tay: “Để tôi”…Rồi anh nói một tràng về chỗ tiền thối và tiền tip với tài xế. Quay sang tôi: "Ngoài đường ông để tôi dịch cho ông. Ông chỉ dịch cho tôi khi vào hội nghị. Tiếng Anh đường phố là…của tôi”.
Bây giờ, không biết bên cõi kia, có một thứ tiếng riêng cho đường phố không, chứ ở trong “cõi người ta” này, ngay cả tiếng nói cũng “tìm cách” chia rẽ con người!
Theo lịch, ngày 16/2/1999 - đúng ngày mùng một Tết Việt Nam, các nhà báo quốc tế sẽ có cuộc gặp với tổng thống Habibie và ăn tối cùng ông. Như vậy chúng tôi có một buổi sáng “tự do”. Theo thói quen của người làm báo, nhất là làm báo tại một đất nước luôn tôn vinh người cùng khổ, nên chúng tôi đã nhờ đồng nghiệp địa phương đưa đến một khu phố nghèo tại thủ đô Jakarta. (Khi về Việt Nam tôi đã viết một bài báo với cái tựa lấy ý của nhà văn Hemingway “Mặt trời vẫn mọc”). Tất nhiên tôi và Lanh đã nói chuyện với những người rách rưới - mà theo đồng nghiệp Indonesia - là chưa phải rách nhất của đất nước này. Người ăn xin không nói được tiếng Anh nên đồng nghiệp địa phương đã dịch cho chúng tôi. Người ăn xin, ngoài 60, không tiếc lời nguyền rủa các vị tổng thống và lãnh đạo của đất nước ông. Tôi nhớ đến một câu trong cuốn sách “Chùm nho uất hận” của John Steinbeck mà thời còn sinh viên tôi phải học trong chứng chỉ văn chương và văn minh Mỹ tại Đại học Văn Khoa Sài gòn: "Trong mắt người nghèo khổ chỉ có những chùm nho uất hận…”.
Ánh mắt cuồng nộ không kềm nén của người ăn mày như một ám ảnh không rời, suốt ngày hôm đó, khiến tôi không nhớ gì đến ngày tết Việt Nam, dù vợ tôi gọi mãi đến khách sạn (thời đó không có iPhone) nhắc nhở phải nhớ gọi về nhà chúc tết các con!
Tại buổi phỏng vấn dành riêng cho nhà báo quốc tế được mời tới nhằm PR cho vị tổng thống mới, tôi đã mang nỗi buồn của người ăn xin vào câu hỏi. Tất nhiên tổng thống đã trả lời từ tốn như thường lệ của một kỹ nghệ gia và chính trị gia chuyên nghiệp,rằng ông đã thừa kế một di sản không vui vẻ của người tiền nhiệm và ông sẽ nỗ lực hết mình để không người dân nào bị bỏ lại phía sau.
- “Bằng cách nào, thưa tổng thống?” tôi hỏi tiếp. -Và Habibie: “Không có con đường nào ngoài dân chủ hóa đất nước ”.
Theo kinh nghiệm, tôi không chờ đợi câu trả lời trực tiếp, nhưng ông đã trả lời. Và sau này, ông đã làm tốt nhất trong khả năng dù thời gian tại vị chỉ 517 ngày ngắn của ông.
Dù sao, tôi đã trải nghiệm thực tế một nguyên tắc của nghề, đó là: “Đối với nhà báo, một vị tổng thống và một người ăn mày đều giống nhau. Đơn giản vì cả hai đều là nguồn tin của anh”.
Tiếc là Lanh đã không đi đến cuộc họp báo hôm đó với tôi. Nhưng, cho đến bây giờ, tôi vẫn tin rằng tinh thần bình đẳng cũng là chia sẻ của anh.
Hỡi những ngày Tết trong cuộc đời ta, có phải mi đã rót xuống cho ta và đồng nghiệp ly rượu mừng, mà cho đến ngày ra đi như Lanh, ta vẫn uống với niềm say mê trẻ dại!
Chúc cho các vị tổng thống và các nhà lãnh đạo của thế giới bất an này, luôn nhớ tới những kẻ ăn mày trong khi thực thi quyền lực - một quyền lực mà gã ăn mày dưới đáy nhất, cũng có góp sức tạo nên.
25/1/2020, mồng một tết Canh Tý