Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Toyota, Sony lập liên doanh sản xuất chip thế hệ mới

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hôm 10-11, hãng xe Toyota và Tập đoàn điện tử Sony cùng với sáu công ty lớn khác của Nhật Bản đã bắt tay thành lập liên doanh để thiết kế và sản xuất chip thế hệ tiếp theo vào cuối thập niên 2030. Nhật Bản từng dẫn đầu thế giới về sản xuất bán dẫn nhưng giờ đây nước này đã tụt lại phía sau Mỹ và Đài Loan trong lĩnh vực này, làm dấy lên các mối lo ngại an ninh kinh tế.

Nhật Bản đang tụt hậu xa so với Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan trong lĩnh vực sản xuất chip logic. Ảnh: Nikkei Asia

Liên doanh mới, có tên gọi là Rapidus, tiếng Latin có nghĩa là “nhanh chóng,” được thành lập trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng giữa các nền kinh tế lớn đối với các sản phẩm chip tiên tiến, để hỗ trợ các ứng dụng như trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử.

Toyota, Sony và sáu công ty khác gồm hãng chip Kioxia, hãng điện tử và bán dẫn Tokyo Electron, Tập đoàn đầu tư SoftBank, Công ty phụ tùng ô tô Denso, hãng viễn thông NTT, Tập đoàn công nghệ thông tin và điện tử NEC, mỗi bên có đóng góp ban đầu là một tỉ yen, khoảng 7 triệu đô la Mỹ, vào liên doanh Rapidus.

Một trung tâm nghiên cứu của Rapidus cũng sẽ được thành lập trong năm nay. Tetsuro Higashi, cựu Chủ tịch Tokyo Electron, sẽ lãnh đạo Rapidus. Rapidus dự kiến thu hút thêm đầu tư và hợp tác từ các công ty khác.

Hôm 11-11, chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ đầu tư lên tới 70 tỉ yen (gần 500 triệu đô la Mỹ) vào Rapidus thông qua Tổ chức Phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới, một cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết tại một cuộc họp báo: “Chip bán dẫn sẽ trở thành một thành phần quan trọng cho sự phát triển của các công nghệ tiên tiến hàng đầu mới như trí tuệ nhân tạo, ngành công nghiệp kỹ thuật số và chăm sóc sức khỏe”.

Rapidus đặt mục tiêu phát triển thế hệ tiếp theo của chip logic được sử dụng trong máy tính, được gọi là “công nghệ vượt ra ngoài 2 nanometer ” (ám chỉ đến chip cao cấp kích cỡ 2 nanometer) và xây dựng dây chuyền sản xuất vào cuối thập niên này.

Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura nói: “Khi cuộc cạnh tranh giành quyền kiểm soát công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra quyết liệt, tầm quan trọng của bán dẫn trong khía cạnh an ninh kinh tế sẽ ngày càng tăng”.

Nhật Bản, từng là nước dẫn đầu toàn cầu về sản xuất chất bán dẫn nhưng nay đã tụt hậu xa so với Mỹ và Đài Loan. Tokyo coi đó là mối lo ngại về an ninh quốc gia, cũng như là thách thức đối với các nhà sản xuất trong nước, đặc biệt là khi các hãng xe Nhật Bản ngày càng dựa vào các công nghệ chip tiên tiến để hỗ trợ các tính năng như tự lái.

Các nhà phân tích trong ngành cho rằng tình trạng thiếu chip toàn cầu có thể sẽ tiếp tục diễn trong thập niên này do sự cạnh tranh chip tiên tiến của nhiều ngành công nghiệp.
Các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc đều đang rót tiền trợ cấp để tăng cường sản xuất chip trong nước.

Đối với Toyota, khoản đầu tư vào Rapidus sẽ giúp hãng tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng chip bằng cách làm việc trực tiếp trên các quy trình như thiết kế chip mà trước đây thường do các công ty bên ngoài đảm nhiệm. Người phát ngôn của Toyota cho biết công ty đầu tư vào Rapidus để “hỗ trợ nhu cầu về tính năng của xe trong tương lai”.

Đầu tháng này, Toyota đã cắt giảm mục tiêu sản xuất ô tô hàng năm 500.000 xe, với lý do nguy cơ thiếu hụt chip đang diễn ra. Nissan và Honda cũng cắt giảm dự báo doanh số bán hàng của họ cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2023.

Gần đây, cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc về chip đã làm tăng thêm lo ngại của các hãng xe Nhật Bản về việc liệu họ có thể đảm bảo nguồn cung chip ổn định hay không.
Chip logic với kích cỡ nhỏ hơn cung cấp các năng lực xử lý với tiêu chuẩn cao hơn đối với điện thoại thông minh, trung tâm dữ liệu và các thiết bị điện tử khác cũng như công nghệ tự lái và mạng lưới viễn thông tân tiến.

Các hãng chip lớn nhất thế giới đều chú trọng đầu tư vào lĩnh vực chip logic để duy trì khả năng cạnh tranh trong việc phát triển và sản xuất các công nghệ tiên tiến.
Hãng sản xuất bán dẫn Đài Loan (TSMC) và Samsung Electronics đã thiết lập công nghệ sản xuất hàng loạt cho chip kích cỡ 3 nanometer và có kế hoạch sản xuất hàng loạt chip 2 nanometer vào năm 2025.

Rủi ro địa chính trị gia tăng đã làm tăng nhu cầu của các công ty Nhật Bản trong việc đảm bảo năng lực sản xuất chip tiên tiến của riêng họ, thay vì phụ thuộc vào bên ngoài.

Để bắt kịp các nước khác, Nhật Bản còn nhiều việc để làm. Dây chuyền sản xuất chip logic mới nhất của Nhật Bản là dành cho chip 40 nanometer. Nhật Bản đã không thể bắt kịp với các khoản đầu tư lớn của các công ty ở nước ngoài và các chính phủ khác từ khi cuộc cạnh tranh công nghệ tiên tiến trở nên nóng bỏng kể từ thập niên 2010.

Nhật Bản cũng lo ngại Trung Quốc có thể tìm cách nắm quyền kiểm soát lãnh thổ Đài Loan, trung tâm sản xuất chip tiên tiến toàn cầu.

Vì vậy, Tokyo đang cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính để khuyến khích các nhà sản xuất chip nước ngoài xây dựng nhà máy tại Nhật Bản, bao gồm 400 tỉ yen để giúp TSMC, nhà sản xuất chip logic hàng đầu thế giới, xây dựng một nhà máy ở thành phố Kumamoto trên đảo Kyushu, phía tây nam đất nước. Nhà máy sẽ cung cấp chip cho Sony và Denso. Nhật Bản hy vọng rằng nhà máy này cũng có thể trở thành cơ sở sản xuất chip tiên tiến.

Theo WSJ, Nikkei Asia, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới